Cá rô phi Nấm men thủy phân - Nguồn nucleotide đặc biệt và hiệu quả cho cá rô phi

Nấm men thủy phân - Nguồn nucleotide đặc biệt và hiệu quả cho cá rô phi

Author TS Melina Bonato - ICC Brazil, Sao Paulo, publish date Wednesday. October 28th, 2020

Nấm men thủy phân - Nguồn nucleotide đặc biệt và hiệu quả cho cá rô phi

Nucleotide từ nấm men thủy phân đang được coi là giải pháp tự nhiên để giải quyết những thách thức mà ngành cá rô phi sông Nile đang phải đối mặt, đặc biệt trong giai đoạn sinh sản và tăng trưởng của cá con.

Bổ sung nucleotide

Đã có nhiều nghiên cứu về bổ sung nucleotide qua thức ăn cho các đối tượng vật nuôi; dù không được xem như một chất dinh dưỡng thiết yếu, nhưng nucleotide giữ vai trò chính trong quá trình trao đổi chất. Nhiều bằng chứng khoa học khẳng định bổ sung nucleotide vào thức ăn tác động tới đường ruột của vật nuôi, đặc biệt là chức năng sinh học, hệ vi khuẩn và hình thái học đường ruột.

Các nucleotides và nucleoside tự do có thể được hấp thụ ngay lập tức bởi các tế bào ruột (enterocyte). Mặc dù vật nuôi có khả năng tự tổng hợp nucleotide, nhưng trong quá trình nuôi xảy ra nhiều biến cố như bị stress, nhiễm dịch bệnh, tăng trưởng kém hoặc hỗ trợ dinh dưỡng từ nguồn thức ăn khác bị hạn chế thì khả năng tổng hợp nucleotide cũng bị suy yếu hoặc không đáp ứng được nhu cầu. Do đó, cần phải có các nguồn nucleotide ngoại sinh – chất thiết yếu trong nhu cầu dinh dưỡng của vật nuôi.

Hilyses từ nấm men Saccharomyces cerevisiae (một loại nấm men được sử dụng để lên men đường mía sản xuất ethanol) đã trải qua quá trình tự phân giải tế bào và thủy phân nội bào. Sản phẩm này dễ tiêu hóa vì chứa các nucleotide và nucleoside tự do, axit amin, peptide, polypeptides, glutamine, MOS và hàm lượng cao β-Glucan. Nấm men thủy phân này được khuyến nghị sử dụng làm phụ gia dinh dưỡng vật nuôi thủy sản (Hình 1).

MOS có khả năng ngưng kết vi khuẩn gây bệnh và ngăn chặn mầm bệnh xâm chiếm đường ruột bằng cách tạo ra một khu vực kết dính vi khuẩn có hại và bài tiết ra ngoài cùng với chất thải. β-Glucan giữ vai trò làm chất điều chỉnh hệ miễn dịch hoặc chất kích thích quá trình thực bào để sản sinh ra cytokines gây viêm và bắt đầu chuỗi phản ứng gồm điều chỉnh miễn dịch và cải thiện năng lực đáp ứng của hệ thống miễn dịch bẩm sinh.

Loại đáp ứng này đặc biệt quan trọng đối với vật nuôi trong giai đoạn tăng trưởng đầu, sinh sản, stress hoặc môi trường khắc nghiệt; β-Glucan hoạt động như các yếu tố dự phòng, tăng đề kháng cho vật nuôi và giảm thiểu các tổn thương nghiêm trọng hơn (như tăng trưởng kém hoặc tỷ lệ chết cao). Do đó, củng cố hệ thống miễn dịch chính là một trong những bước quan trọng hướng đến nâng cao năng suất.

Mới đây, một nghiên cứu của Abu Elala et al (2020) tại Khoa thú y, Đại học Cairo, Ai Cập đã đánh giá tác dụng của Hilyses lên hiệu suất nuôi và sinh sản của cá rô phi sông Nile. Nghiên cứu gồm 2 giai đoạn: trên cá bố mẹ và giai đoạn trên cá con tại phòng thí nghiệm.

Thử nghiệm trên cá bố mẹ

Chia cá bố mẹ thành 2 nhóm: nhóm đối chứng và nhóm điều trị. Trong nhóm điều trị, cá bố mẹ được ăn khẩu phần bổ sung 0,4% Hilyses; còn nhóm đối chứng ăn khẩu phần cơ bản. Mỗi ao (3×8 m²) thả 40 rô phi cái (trọng lượng trung bình 250 g/con) và 16 rô phi đực (trọng lượng trung bình 400 g/con). Cá bố mẹ được thả chung suốt 11 ngày để sinh sản tự nhiên. Vào ngày 12, chuyển toàn bộ cá bố mẹ sang ao đất nuôi trong 3 tuần và chuẩn bị quá trình sản xuất 2 tháng. Cùng đó, tập hợp cá con, đếm số lượng và chuyển sang ao ương. Giai đoạn thử nghiệm kéo dài từ tháng 3 – 8/2020. Phụ gia Hilyses đã tác động tích cực lên năng suất sinh sản của cá suốt tháng 3, tháng 6, tháng 7 và tháng 8, bất chấp những tháng mùa hè có nhiệt độ cao (Hình 2).

Thử nghiệm trên cá con

Trong giai đoạn 2, cá con từ 2 nhóm cá bố mẹ (nhóm điều trị và đối chứng) với trọng lượng trung bình 118±1,3 mg được cho ăn khẩu phần cơ bản (đối chứng) và khẩu phần bổ sung 0,4% Hilyses. Nhóm điều trị được phân chia vào 12 bể (30x40x100 cm), lặp lại nghiêm thức 3 lần.

Theo quan sát, tỷ lệ chết của cá con sau giai đoạn ương (21 ngày) đã giảm từ tháng 3 đến tháng 8 (Hình 3) khi cá bố mẹ hoặc cá con được ăn các khẩu phần bổ sung Hilyses. Rõ ràng, Hilyses đã tác động tích cực lên hiệu suất tăng trưởng của cá con. Cụ thể, các chỉ số tăng trưởng gồm lượng ăn (FI), trọng lượng thân (BW), tăng trọng (BWG), hệ số biến đổi thức ăn (FCR), hệ số tăng trọng lượng và tốc độ tăng trưởng riêng trong 3 tháng ở nhóm cá con được ăn bổ sung Hilyses đã cải thiện rõ rệt.

Tác dụng của Hilyses trên nhóm cá bố mẹ cũng được truyền sang thế hệ cá con khi BWG và FCR của cá bố mẹ được cải thiện 33% và 8%, thì ở cá con cũng được cải thiện lần lượt 27,2% và 9,4%. Như vậy, nhóm cá bố mẹ và cá con được bổ sung Hilyses đạt hiệu suất tăng trưởng vượt trội hơn nhóm đối chứng. Điều này chứng tỏ nucleotide đã củng cố khả năng sinh sản của cá bố mẹ và chất lượng ấu trùng. Tuy nhiên, cá bố mẹ và cá con được bổ sung 0,4% Hilyses sẽ cho kết quả tốt nhất (P<0,05) về hiệu suất chăn nuôi.


Nuôi cá rô phi bằng công nghệ số tại Châu Phi Nuôi cá rô phi bằng công nghệ số… Mozambique cảnh báo bệnh đốm đỏ ở cá Mozambique cảnh báo bệnh đốm đỏ ở cá