Mô hình kinh tế Nấm mối khan hàng

Nấm mối khan hàng

Publish date Wednesday. July 8th, 2015

Nấm mối khan hàng

Nấm mối là loại nấm mọc tự nhiên, một năm chỉ xuất hiện một lần, kéo dài khoảng 1-2 tháng là tàn. Chúng chỉ mọc ra từ các gò mối cao ở trong những vườn cây ăn trái lâu năm.

Các tỉnh có xuất hiện nấm mối nhiều như Hậu Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Cần Thơ và Tiền Giang…, nhưng năm nay lại rất khan hiếm, giá bán tại nhà vườn từ 400.000 – 450.000đ/kg, còn bán vào siêu thị hoặc đưa lên TP.HCM giá từ 600.000 – 700.000đ/kg, tăng gấp đôi so với năm ngoái.

Thường 1kg nấm tươi mua về sơ chế (gọt gốc, rửa sạch), chỉ còn 600 gram. Tính ra mỗi kg nấm giá đã lên tới gần triệu đồng. Còn nấm mối được phơi khô giữ lâu hơn, giá bán từ 1,5- 1,7 triệu đồng/kg. Nhưng số lượng loại nấm “quý” này thường không đủ hàng đáp ứng nhu cầu thị trường.

Theo nhiều nhà vườn ở ĐBSCL, hàng năm cứ vào mùa mưa từ tháng 4-7 âm lịch nấm xuất hiện nhiều trong các khu vườn cây ăn trái, năm nay do thời tiết không thuận lợi nắng nhiều mưa ít nên nấm mọc giảm hơn phân nửa so với các năm trước. Tuy giá cao nhưng có nhiều người tìm mua nấm ăn vẫn không có.

Hiện nay nấm mối đang khan hiếm do ảnh hưởng thời tiết và việc sử dụng phân thuốc hóa học ở các khu vườn cây ăn trái

Chị Đặng Thị Trang, ở thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành (Hậu Giang) cho biết: “Gia đình có 1ha trồng cây ăn trái, cứ đầu mùa mưa ra vườn tìm hái nấm mối về bán, nhưng năm nay chỉ hái được hơn 3kg, đủ để gia đình ăn”.

Theo chị Trang lượng nấm năm nay giảm khoảng 1/3 so với cùng thời điểm năm ngoái. Một phần cũng do sử dụng phân thuốc hóa học nhiều nên ảnh hưởng đến sự phát triển của nấm.

Với kinh nghiệm 6 năm làm thương lái nấm mối thu mua từ các nhà vườn rồi đi bán cho các nhà hàng ở Cần Thơ và TP.HCM, anh Lê Văn Thum, ở thị xã Ngã Sáu (Hậu Giang) cho biết: Khi trời nắng nóng vài hôm sau trời có mưa xuống thì nấm mối sẽ mọc nhiều hơn.

Đồng thời, phải gặp tiết trời lành lạnh, những ngày có con nước rong (nước lớn ở sông dâng tràn bờ) làm cho mặt đất thêm ẩm thì mới có nấm mối mọc nhiều. Cũng theo anh Thum, nấm mối có hai loại ở miền Đông và miền Tây.

Tuy nhiên nấm mối miền Tây lúc nào giá cũng cao gấp đôi so với nấm mối miền Đông, bởi hương vị đặc sắc hơn. Thường nấm mối miền Đông lớn gần gấp đôi nấm mối miệt vườn sông nước ĐBSCL, phủ trên mình một màu nâu đỏ đất bazan vị hơi chát, không ngọt bằng nấm mối ở miền Tây... Còn nấm mối miền Tây có màu xám bùn của đất phù sa, tuy không đẹp nhưng ăn rất ngon.

Nấm mối chưa trồng nhân tạo chủ yếu dựa vào thiên nhiên nên nguồn cung không đủ đáp ứng cho thị trường

Lão nông Trần Văn Hay, 80 tuổi ở xã Phú Hữu, huyện Châu Thành (Hậu Giang) cho biết: “Trước đây 10 năm cứ đến mùa mưa là nấm mối mọc rất nhiều trong vườn cây ăn trái, ăn không hết, mà cũng không ai nghĩ thu hoạch bán vì đa phần vườn nhà nào cũng có nấm mọc. Càng về sau càng khan hiếm do nhà vườn sử dụng phân thuốc nhiều cho cây ăn trái, nên nấm mối ít dần.

Hiện nay loài nấm mối này chưa được nghiên cứu gây trồng mà chỉ dựa vào nguồn nấm tự nhiên nên số lượng giới hạn, đẩy giá lên cao.


Triển vọng từ cây dứa Cayenne Triển vọng từ cây dứa Cayenne Đói vốn đóng tàu vỏ sắt Đói vốn đóng tàu vỏ sắt