Mô hình kinh tế Nấm - Ngành Học Cần Xây Dựng

Nấm - Ngành Học Cần Xây Dựng

Publish date Friday. February 24th, 2012

Nấm - Ngành Học Cần Xây Dựng
Học nấm ở đâu ?

Phương Trang chỉ là một trong nhiều kỹ sư sau khi tốt nghiệp các ngành trồng trọt, bảo vệ thực vật, công nghệ sinh học... có nguyện vọng theo học chuyên ngành nấm nhưng cứ loay hoay mãi và đi đến kết luận "không có chỗ học".
Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật (Viện Di truyền Nông nghiệp) trụ sở tại Hà Nội hiện đang có chương trình dạy nghề trồng nấm. Nhưng cũng chỉ là dạy nghề cho nông dân theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, dạy cho khuyến nông, dạy cho dự án dạy nghề mà không hề có đào tạo chuyên sâu.
Điều lạ là Việt Nam là đất nước nông nghiệp, có "viện hàn lâm" như Viện Khoa học nông nghiệp VN (VAAS); có hệ thống trường đại học và cao đẳng từ nông nghiệp đến lâm nghiệp, thủy sản lên đến mấy chục đơn vị mà không có ngành nấm học; không trường nào có bộ môn nấm. Một số trường đại học y dược có bộ môn nấm nhưng cũng chỉ khoanh trong mấy loài nấm gây bệnh cho người.
ThS Nguyễn Mỹ Phi Long, giảng viên Bộ môn vi sinh vật, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP HCM, người đang nghiên cứu và có một số kết quả bước đầu về vi nấm cho biết, đề tài thạc sỹ mà anh bảo vệ là sinh thái vi sinh vật, chứ cũng không phải chuyên ngành về nấm. Cũng theo anh Long, VN có 2 giáo sư chuyên ngành nấm nhưng họ đều đã ngoài 80 tuổi, sau 2 người đấy chưa có ai.
Mặt khác, các phòng thí nghiệm đều rất sợ vi nấm vì chỉ cần một sơ suất nhỏ thì việc lây nhiễm sẽ vượt tầm kiểm soát. Bởi vậy, ngành vi nấm vừa không có người dạy, lại vừa là vật cản cho những ai muốn “mày mò”.
Khó vẫn làm được
Tại hội chợ Nông nghiệp quốc tế năm 2009 tổ chức tại Đồng Nai, tôi bất ngờ gặp một gian hàng nhỏ có bày một kính hiển vi, ở đấy nông dân có thể quan sát các tiêu bản nấm; từ nấm có lợi cho cây trồng Trichoderma đến các loài nấm gây bệnh chết nhanh, chết chậm cho hồ tiêu, bệnh xì mủ cây sầu riêng.
Gian hàng trên của DN tư nhân Điền Trang. Năm 2002, ông Đỗ Bá Long, vốn là một cán bộ chuyên ngành trồng trọt của Sở NN- PTNT TPHCM đã đứng ra gây dựng cơ sở SX vi nấm đối kháng Trichoderma đầu tiên ở VN và đăng ký tên thương phẩm Trimix. Giải thích từ Mix, ông Long cho biết, sản phẩm của ông không phải chỉ 1 chủng nấm Trichoderma như những sản phẩm nhập từ Trung Quốc mà hỗn hợp đến 6 chủng trên cơ sở những “mặt mạnh” của từng chủng một.
Mặt khác, tất cả những chủng đó đều là giống bản địa, được phân lập ngay tại đồng ruộng, núi rừng VN, có sức sống cao hơn giống ngoại lai. Chính nhờ sự hỗn hợp đó mà sản phẩm của ông luôn có chất lượng cao.
6 chủng giống bản địa Trichoderma là sản phẩm đầu tiên của phòng lab vi nấm Điền Trang. Mặc dù trang thiết bị còn khiêm tốn nhưng với đội ngũ nhân lực là cán bộ nghiên cứu tâm huyết nên từ phòng lab này đã cho ra những sản phẩm “độc”. Năm 2008, dịch ve sầu bùng phát ở Lâm Đồng, Gia Lai, phòng thí nghiệm của ông đã thành công trong việc phân lập, nhân nuôi giống nấm ký sinh trên ấu trùng ve sầu. Sản phẩm được chuyển cho Trung tâm Nghiên cứu Nông lâm nghiệp, thủy lợi Gia Lai (Viện Khoa học Nông lâm nghiệp Tây Nguyên) khảo nghiệm tại vườn cà phê của Cty Đăk Uy 2 và một số trang trại của nông dân Đăk Hà.
Chỉ sau 6 lần sử dụng chế phẩm sinh học của Điền Trang cộng với việc bổ sung magiê, kẽm và thay đổi tập quán lạm dụng phân hóa học, tăng cường bón phân hữu cơ, tất cả các diện tích bị ve sầu tấn công gây bệnh vàng lá, thối rễ, nứt cành đã được hồi phục, năng suất đã đạt được gần 4 tấn/ha.
Theo TS Phạm Công Trí, PGĐ Trung tâm, năng suất trên tuy chưa bằng với lúc “hoàng kim” nhưng đã gấp 2 lần so với lúc bị dịch hại, cây xanh tốt lại cho nhiều cành tăm, chồi phụ chứng tỏ quy trình phòng trừ sinh học mà nòng cốt là sử dụng sản phẩm sinh học của Điền Trang để khống chế dịch ve sầu đã thành công, đặc biệt là nông dân đã không còn sử dụng thuốc trừ sâu để tưới nên giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Bằng các chế phẩm vi nấm, Điền Trang cũng đã thành công trong việc SX các chế phẩm vi nấm và xây dựng các quy trình phòng trừ bệnh nấm vàng lá do nấm Corynespora cho cao su ở Tây Ninh, quy trình phòng trừ nấm bệnh trên cây có múi ở các tỉnh ĐBSCL được nhiều nhà vườn ưa chuộng và đang chuẩn bị đăng ký chế phẩm vi nấm ký sinh côn trùng xén tóc.
Cần có ngành nấm học
Theo kinh nghiệm của nhiều nước và thực tiễn ở VN, việc đầu tư không thể nóng vội mà phải bắt đầu từ giáo dục, đào tạo và có những chính sách tốt để khuyến khích các thành phần kinh tế như Cty Điền Trang để tham gia phát triển.
Trong thế giới sinh vật, giới nấm có đến 1,5 triệu loài trong lúc thực vật bậc cao chỉ có khoảng 0,3 triệu loài. Tuy có số lượng lớn và có vai trò rất quan trọng trong chu trình chu chuyển vật chất và đời sống con người nhưng hiểu biết của con người về nấm lại đang rất khiêm tốn. Trung Quốc mỗi năm XK sang thị trường Mỹ các sản phẩm nấm giàu selen (có tác dụng ngừa ung thư) trị giá 500 triệu USD/năm.
Đông trùng hạ thảo, một vị thuốc quý từ vi nấm cũng được Trung Quốc nhân nuôi thành công đem lại giá trị kinh tế cao. Một số Cty Hàn Quốc cũng đưa giá thể (gỗ sồi), giống nấm và quy trình sang gia công tại VN. Các nước phát triển coi việc phát triển ngành nấm là một mũi nhọn kinh tế, nhất là vi nấm để SX dược phẩm cho người, cây trồng, vật nuôi, môi trường và thực phẩm chức năng.
Tiềm năng phát triển nấm ở VN rất lớn nhưng giá trị đạt được còn thấp, sản lượng mỗi năm chỉ vào khoảng 250.000 tấn, chủ yếu là nấm ăn và một số nấm dược liệu như linh chi có giá trị không cao.


Đến Hẹn... Lại Lo Cháy Rừng Đến Hẹn... Lại Lo Cháy Rừng Trồng Nấm Rơm Làm Giàu Trồng Nấm Rơm Làm Giàu