Nam sinh 17 tuổi làm Vườn ươm sinh thái tự dưỡng lọt Top xuất sắc
Mới đây, vòng chung kết Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp nông nghiệp” mùa thứ 3 do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức đã gọi tên 30 trên gần 100 dự án xuất sắc nhất tiếp tục cuộc đua tranh ngôi quán quân và tìm kiếm cơ hội hợp tác với nhà đầu tư.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan (giữa) tham quan gian hàng khởi nghiệp Vườn sinh thái Ngọc Trà của thí sinh đến từ Thái Nguyên. Ảnh: Nguyên Vỹ
Các dự án khởi nghiệp lọt vào vùng chung kết 2017 rải đều ở các tỉnh thành từ Bắc chí Nam đã mang đến một cái nhìn đặc sắc, phong phú về lớp thanh niên nặng lòng với nông nghiệp địa phương.
Nhiều ý tưởng của thanh niên dân tộc thiểu số
Khác với 2 mùa thi trước, điểm nổi bật năm nay chính là sự phân chia rõ ràng của các dự án theo từng khu vực. Trong số 30 dự án, có đến 7 dự án do thanh niên các dân tộc thiểu số như Chăm, Khmer, K’Ho, Mông, Tày và Dao thực hiện.
Ở 2 khu vực miền Bắc và Tây Nguyên, các dự án khởi nghiệp nông nghiệp chủ yếu khai thác nguồn tài nguyên từ núi rừng, có sự ảnh hưởng đến cộng đồng các dân tộc thiểu số như Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lâm Đồng, Kon Tum, Gia Lai…
Tại khu vực Tây Nam Bộ như Bến Tre, Đồng Tháp, Kiên Giang, chủ dự án tập trung khai thác các giá trị sản phẩm từ sông nước, các sản phẩm mới ở dạng sơ khai. Năm nay, Đồng Tháp tiếp tục là địa phương có đóng góp lớn nhất với 7 dự án tại vòng chung kết. Trong khi đó, TP.HCM góp mặt 5 dự án. Tính cả khu vực TP.HCM và các tỉnh miền Trung, các dự án đều có sự đầu tư, áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh.
Kiên Giang là địa phương lần đầu tham gia nhưng đã có 2 dự án xuất sắc, vượt qua hàng loạt dự án tại TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ để góp mặt ở vòng thi cuối cùng này. Đặc biệt, dự án “Vườn ươm sinh thái tự dưỡng” đến từ Kiên Giang của học sinh 17 tuổi Lê Hoàng Long thực hiện được đánh giá cao nhờ sự sáng tạo, có tính đột phá.
Đánh giá chung, các chuyên gia về nông nghiệp, xây dựng thương hiệu, Ban giám khảo cho rằng các thí sinh đều có chuẩn bị tốt trong việc trưng bày sản phẩm, phần thuyết trình cũng được đầu tư bài bản, chỉnh chu. Bên cạnh đó, sự tự tin đều được thể hiện ở đa số các chủ dự án. Đây là điểm nổi bật hơn so với cuộc thi lần 1 và 2.
“Tất nhiên, chất lượng các dự án cũng chưa thực sự đồng đều. Nhiều dự án cần phải cải thiện, định hình lại thị trường nếu không sẽ gặp nhiều khó khăn, rủi ro” - bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Trưởng ban tổ chức đánh giá.
Những dự án vì cộng đồng
Ngôi quán quân sẽ được trao cho dự án xuất sắc nhất vào chiều ngày 28.10. Giải thưởng gồm 1 giải nhất: 50 triệu đồng; 2 giải nhì: 20 triệu đồng/giải; 2 giải ba: 15 triệu đồng/giải và 4 giải khuyến khích (10 triệu đồng/giải)... Các chủ nhân giải nhất và 2 giải nhì sẽ được đi tập huấn, tham quan mô hình mỗi làng 1 sản phẩm (OTOP) ở Thái Lan.
Tại vòng chung kết này, hầu hết các dự án được triển khai hiệu quả, mang tính độc đáo, có sức lan tỏa, ảnh hưởng mạnh đến cộng đồng. Trong đó phải kể đến các dự án khai thác, kinh doanh các sản phẩm từ thiên nhiên, núi rừng như “Chuỗi giá trị dược liệu, nông sản tại Quản Bạ” ở Hà Giang; dự án bảo tồn giống gà rừng Phú Quốc, khai thác hải sản gắn liền với bảo vệ rừng ngập mặn ở Cà Mau...
Cũng tại cuộc thi này, khán giả một lần nữa gặp lại gương mặt nông dân Trần Văn Nữa - người vừa vinh dự nhận giải thưởng Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2017. Anh Nữa kể từ nguồn nguyên liệu ếch của địa phương dồi dào nhưng đầu ra bấp bênh. Anh tiến hành chế biến khép kín sản phẩm ếch khô và dăm bông ếch để nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng khả năng phát triển cho bà con nông dân ở địa phương.
Đến từ Bắc Kạn, anh Nguyễn Văn Tuấn lần đầu tiên đem đến cuộc thi chiếc máy nông nghiệp đa năng với tích hợp 8 hệ thống máy cùng hàng loạt chức năng giúp giải phóng sức lao động của nông dân, nhất là cho phụ nữ trên nương ngô đồi dốc.
Kể lại câu chuyện về hỗ trợ đầu tư cho 2 dự án mùa trước (trong đó 1 thất bại, một thành công), PGS - TS Trần Văn Ơn - thành viên Ban giám khảo cho rằng hàm lượng công nghệ cao trong các dự án nông nghiệp thể hiện rõ tham vọng của thanh niên trong hệ sinh thái khởi nghiệp. “Điều này rất đáng khuyến khích dù đầu tư vào nông nghiệp luôn chứa đựng nhiều rủi ro rủi ro” - TS Ơn nói.
Từ sau vòng bán kết, nhiều dự án có tính khả thi đã nhận được sự quan tâm mạnh mẽ từ các doanh nghiệp, các nhà đầu tư. Trước đó, với mong muốn giúp các thí sinh có sự chuẩn bị tốt hơn cho vòng chung kết và có phương pháp kinh doanh hiệu quả, Ban tổ chức đã tổ chức nhiều buổi huấn luyện cho 25 dự án khu vực Nam và Trung Bộ. Các buổi tập huấn này diễn ra tại TP.HCM, Đồng Tháp và An Giang, do các chuyên gia nông nghiệp, chuyên gia khởi nghiệp, xây dựng thương hiệu, bao bì… hỗ trợ, chia sẻ.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao