Nâng Cao Năng Suất, Chất Lượng Mía Để Tăng Thu Nhập Cho Người Trồng Mía
Ninh Hòa là địa phương có diện tích mía lớn nhất tỉnh Khánh Hòa, với hơn 11.500 ha. Niên vụ mía 2013-2014, thu nhập của người trồng mía nơi đây giảm nhiều hơn so với mọi năm.
Nguyên nhân chính là do ngành mía đường đang gặp rất nhiều khó khăn về khâu tiêu thụ. Chính vì vậy, việc giữ được thu nhập ổn định cho người trồng mía không còn cách nào khác là phải tăng năng suất, chất lượng mía.
Để thực hiện được điều này, đòi hỏi nhà máy lẫn người dân phải đưa ra các giải pháp đầu tư máy móc thiết bị, chuyển đổi giống mía thật phù hợp với điều kiện của địa phương.
Theo dự kiến của Công ty cổ phần đường Ninh Hòa, vào cuối tháng 5, công tác thu mua mía trên địa bàn thị xã Ninh Hòa sẽ kết thúc. Những đánh giá bước đầu cho thấy: năng suất, chất lượng mía năm nay vẫn chưa có những chuyển biến đáng kể. Cụ thể: năng suất bình quân ở mức 55 tấn/ha, chữ đường cũng ở mức khoảng 10 CCS.
Trong khi đó, việc chuyển đổi giống mía luôn được Công ty thực hiện hàng năm. Song, đến nay nhiều giống mía vẫn chưa phát huy hiệu quả, do không thích hợp với đồng đất ở Ninh Hòa. Từ đó, thu nhập của người nông dân ngày một giảm, còn nhà máy vẫn phải cố gắng giữ giá mua ở mức ổn định nhằm giữ được vùng nguyên liệu.
Theo ông Thái Tiến Dũng - Trưởng phòng Nguyên liệu Công ty Cổ phần Đường Ninh Hòa, thị xã Ninh Hòa cho biết để có loại giống đáp ứng được điều kiện sinh thái, nông hóa thổ nhưỡng là điều khó khăn.
Vừa qua, Công ty có khảo nghiệm và nhập 1 số giống mới, nhưng vẫn chưa đạt được năng suất chất lượng, vì vậy rất khó khăn cho Công ty và ngành đường. Công ty rất mong Nhà nước, các đơn vị chức năng hỗ trợ tạo bộ giống phù hợp.
Để giải quyết vấn đề thu nhập cho bà con nông dân, Công ty cổ phần Đường Ninh Hòa đã triển khai hàng loạt các giải pháp cũng như hỗ trợ cho bà con trong niên vụ mía năm 2014-2015. Các giống mía mới như K95-84; KK3; Suphanburi sẽ được Công ty khuyến khích bà con trồng.
Đây được xem là những giống mía phù hợp nhất đối với đất Ninh Hòa, có khả năng chịu hạn, nếu được chăm sóc tốt, có nước tưới, năng suất có thể đạt 100 tấn/ha. Bên cạnh đó, Công ty cũng đã thực hiện khảo sát chất đất tại nhiều vùng, để từ đó có định hướng để bà con sử dụng các loại phân bón phù hợp.
Tuy nhiên, để giải quyết được vấn đề về năng suất, chất lượng mía hiện nay thì nước cũng hết sức quan trọng. Ở nhiều vùng mía Ninh Hòa có điều kiện gần nguồn nước nhưng do việc thực hiện tưới tiêu còn thô sơ nên chưa phát huy được hiệu quả.
Do vậy, đầu vụ năm nay, Công ty đã triển khai hệ thống tưới nước mới đến bà con nông dân. Ông Phùng Hòa – Nông dân xã Ninh Thượng, thị xã Ninh Hòa cho biết nếu đầu tư được nước thì nông dân rất chủ động. Nếu chỉ dùng nước mưa thì năng suất khoảng 50 đến 60 tấn/ha, nhưng có nước có thể lên đến100 tấn/ha.
Hệ thống tưới nước này sẽ giúp bà con tiết kiệm được nước, chủ động trong việc thực hiện các giải pháp canh tác. Mỗi hệ thống có giá trị từ 25-30 triệu đồng, và sẽ được Công ty hỗ trợ không lãi suất trong vòng 3 năm. Trong thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục triển khai nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư đến với bà con nông dân, tạo mọi thuận lợi để người trồng mía ít vốn có thể nâng cao được thu nhập.
Qua trao đổi với ông Thái Tiến Dũng - Trưởng phòng Nguyên liệu Công ty Cổ phần Đường Ninh Hòa, được biết, vừa rồi Công ty làm thiết bị băm lá, giữ lá trên đồng ruộng tạo hữu cơ, giữ đất, hạn chế cỏ dại, giảm lượng phân bón. Diện tích đầu tư dự kiến cho 11.000 ha, trong đó, tỉnh Khánh Hòa là 8.500ha, tỉnh Daklak 3.000-.4000 ha, giá trị đầu tư khoảng 200 tỷ đồng, ước lượng sản lượng trong năm tới khoảng 750.000 tấn.
Theo lãnh đạo của nhà máy, các hộ nhận đầu tư sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ lãi suất ở mức thấp nhất. Đồng thời, nhà máy liên tục cử cán bộ nông nghiệp theo sát bà con để có những hỗ trợ kịp thời.
Có thể nói, trong điều kiện sản xuất, tiêu thụ mía đường ngày một khó khăn như hiện nay, việc đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng mía trên cùng một diện tích sẽ mang lại thu nhập ổn định cho nông dân, giữ vững được vùng nguyên liệu.
Một khi chất lượng mía được cải thiện, nhà máy có thể tiêu thụ đường với giá cạnh tranh, có nguồn thu để tái đầu tư cho người trồng mía.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao