Tin thủy sản Nâng tầm tôm sinh thái trên thị trường

Nâng tầm tôm sinh thái trên thị trường

Author Diệu Lữ, publish date Thursday. August 2nd, 2018

Nâng tầm tôm sinh thái trên thị trường

Nuôi tôm sinh thái là loại hình sản xuất rất bền vững vì hoàn toàn không sử dụng hóa chất trong quá trình nuôi; hiện, tỉnh Cà Mau đang tập trung để phát triển mô hình này nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế của địa phương. Tuy nhiên, cũng còn nhiều vấn đề phát sinh cần giải quyết.

Nuôi tôm sinh thái đem lại hiệu quả cao

Hiệu quả, sáng tạo

Những năm gần đây, các doanh nghiệp chế biến thủy sản như Minh Phú, CASES, Camimex, Seanamico... đã liên kết với các ban quản lý rừng và các hộ dân nuôi tôm ở Cà Mau đạt chứng nhận quốc tế. Tính đến cuối năm 2017, diện tích được các tổ chức quốc tế chứng nhận khoảng 19.000 ha với gần 4.200 hộ đạt chứng nhận Naturland, EU, Silva shrimp... Đây là loại hình sản xuất bền vững vì hoàn toàn không sử dụng hóa chất trong quá trình nuôi. Dự kiến đến năm 2020, Cà Mau sẽ nâng diện tích này lên 35.000 ha, có 100% hộ dân trong vùng sinh thái được tập huấn, hội thảo, có hệ thống thu gom chất thải, 100% tham gia vào loại hình kinh tế tập thể; có 80% tôm giống cung ứng cho người dân.

Nông dân Bùi Văn Sĩ, xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau cho biết: “Hiện nay, để mô hình nuôi tôm sinh thái cho hiệu quả cao hơn nữa thì việc quan tâm đến chọn giống và thức ăn có chứng nhận hữu cơ rất quan trọng trong việc nâng cao năng suất tôm nuôi của loại hình này. Theo đó, kết hợp quy trình nuôi cho ăn trong nhá để kiểm soát mật độ tôm, nâng cao tỷ lệ sống…”.

Tạo sự khác biệt

Từ bài học kinh nghiệm thành công trong nuôi tôm ở Ecuador, có thể áp dụng vào nuôi tôm sú chứng nhận hữu cơ ở các mô hình nuôi tôm - rừng, tôm quảng canh và tôm - lúa vùng ĐBSCL. Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết: “Nhất định phải gia hóa chọn giống để có được giống tôm sú bố mẹ kháng bệnh, thích nghi với môi trường và lớn nhanh. Vì hiện tại trong môi trường nuôi tôm - rừng, tôm quảng canh và tôm - lúa đang tràn lan các mầm bệnh EMS, đốm trắng… nên nếu thả tôm giống không kháng bệnh thì tôm sẽ bị chết bởi các bệnh này và tỷ lệ sống sẽ rất thấp. Tôm sú PL12-15 sẽ được ương/vèo thêm 25 - 30 ngày trong hồ xi măng để đạt được PL40-45 mới thả xuống ao nuôi và mật độ thả nuôi 10 - 12 con/m2. Tôm nuôi được cho ăn bổ sung bằng thức ăn được chứng nhận hữu cơ. Nếu chúng ta thực hiện được 3 điểm cơ bản trên thì năng suất tôm sú của Việt Nam sẽ đạt 1 tấn/ha/năm. Và như vậy sản lượng tôm sú của Việt Nam sẽ đạt 600.000 tấn/năm”.

Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng: “Có thể nói liên kết trong sản xuất hiện nay của nông dân các tỉnh khu vực ĐBSCL chưa cao, trong đó, Cà Mau được xem là vùng chung của cả nước về liên kết sản xuất trên. Do đó, chúng ta cần đẩy mạnh loại hình liên kết sản xuất này để từng bước nâng giá trị của mô hình, con tôm sú Cà Mau nói riêng và cả nước nói chung”.

Tính đến 31/12/2017, Việt Nam có 622.400 ha nuôi tôm sú nhưng chỉ đạt sản lượng 256.400 tấn, năng suất bình quân khoảng 412 kg/ha/năm. Khu vực ĐBSCL, diện tích nuôi tôm sú năm 2017 đạt 595.800 ha, sản lượng 270.500 tấn, năng suất bình quân 454 kg/ha/năm. Trong đó, diện tích mô hình tôm sú - lúa đạt 170.000 ha, năng suất tôm 300 - 500 kg/ha và lúa đạt 4 - 7 tấn/ha.


Kinh nghiệm phòng bệnh cho tôm vào mùa mưa của nông dân Quỳnh Lưu Kinh nghiệm phòng bệnh cho tôm vào mùa… Hiệu quả từ nuôi tôm ứng dụng kỹ thuật cao Hiệu quả từ nuôi tôm ứng dụng kỹ…