Ngành cá tra trước thách thức hội nhập
Sản xuất cá tra theo chuỗi được xem là mô hình phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập.
Sau 20 năm hình thành và phát triển, ngành cá tra Việt Nam có nhiều nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới từng bước từ cạnh tranh giá sang cạnh tranh bằng chất lượng.
Những năm gần đây, giá trị xuất khẩu cá tra có tốc độ tăng trưởng cao và đóng góp rất lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước.
Sản phẩm cá tra được đưa vào danh sách sản phẩm quốc gia, với kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 tỷ USD, thu hút trên 200.000 lao động, hơn 70 cơ sở chế biến phi lê cá tra đông lạnh, đóng góp lớn cho phát triển ngành thủy sản cả nước.
10 năm, sản lượng tăng gấp 15 lần
Tại diễn đàn “Sản xuất cá tra theo chuỗi giá trị vùng đồng bằng sông Cửu Long” (ĐBSCL), ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã nêu ra những thuận lợi, khó khăn trong việc sản xuất cá tra nói riêng và ngành thủy sản nói chung.
Theo đó, đầu thập niên 90, sau khi làm chủ được công nghệ sinh sản nhân tạo, sản lượng cá tra hàng năm tăng nhanh.
Đến năm 2004, sản lượng cá tra đạt 300.000 tấn, từ năm 1997 - 2004, sản lượng tăng gấp 15 lần và sản lượng thịt cá tra nguyên liệu được cải thiện đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu; năng lực chế biến được cải thiện đáng kể với 15 nhà máy chế biến, công suất đạt khoảng 80.000 tấn/năm.
Theo số liệu thống kê, đến cuối năm 2014, diện tích nuôi cá tra toàn khu vực ĐBSCL ước đạt 5.500ha, sản lượng 1.116 ngàn tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 tỷ USD.
Nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra đã trở thành ngành kinh tế chiến lược, thu hút trên 200.000 lao động, hơn 70 cơ sở chế biến phi lê cá tra đông lạnh, đóng góp lớn cho sự phát triển của ngành thủy sản nói chung và phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL nói riêng.
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng chuỗi liên kết nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, ngành cá tra Việt Nam đang dần khẳng định vị thế trên thị trường nội địa và thế giới.
DN chế biến cá tra đang chủ động chuyển dần sang làm chủ đối với khâu sản xuất nguyên liệu, thông qua tự đầu tư vùng nuôi hoặc liên kết với người nuôi.
Hiện có trên 103 trại nuôi cá tra với khoảng trên 2.800ha (chiếm khoảng 40% tổng diện tích nuôi cá tra) đã đạt các chứng nhận bền vững khách nhau: trong đó có khoảng 2.000ha nuôi cá tra đạt chứng nhận GlobalGAP.
Đặc biệt, để đáp ứng các thị trường nhập khẩu, nhiều DN còn đạt nhiều loại chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, ASC, BAP, SQF 1000/2000CM.
Hiện nay, xuất khẩu cá tra của Việt Nam đã vươn tới thị trường của hơn 150 Quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, riêng thị trường Châu Âu, Mỹ chiếm khoảng 50%.
Mỹ là thị trường lớn nhất của thủy sản Việt Nam, chiếm khoảng 22% thị phần trong năm 2014.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Theo ông Kim Văn Tiêu, bên cạnh những kết quả đạt được, nghề nuôi cá tra đang bộc lộ những mặt hạn chế, yếu kém.
Hiện tượng ô nhiễm môi trường, mật độ nuôi cao, chất lượng giống đang có xu hướng giảm do thoái hóa...
dẫn đến dịch bệnh phát sinh nhanh và lây lan trên diện rộng.
Các loại dịch bệnh thường gặp là bệnh gan thận mủ, bệnh đốm đỏ, nhiễm ký sinh trùng.
Dịch bệnh đã ảnh hưởng rất lớn đến kết quả sản xuất và hiệu quả kinh tế của người nuôi, trong khi đó công tác phòng trị chưa theo kịp với diễn biến thực tế sản xuất.
Việc thực hiện các mô hình chuỗi trong sản xuất và xuất khẩu cá tra đã mang lại những kết quả ban đầu đáng khích lệ.
Tuy nhiên, nhiều hợp đồng liên kết cung cấp và thu mua sản phẩm giữa DN với nông dân nuôi cá không được thực hiện nghiêm túc, các vụ việc phá vỡ hoàn toàn hợp đồng, trì hoãn thanh toán tiền, hạ cấp sản phẩm một cách tùy tiện gây nhiều khó khăn cho người nuôi cá, nhất là những người nuôi cá theo mô hình hộ gia đình.
Ngoài ra, việc nuôi ồ ạt, không tuân thủ theo quy định của một bộ phận người dân dẫn tới tình trạng treo ao, mất cân đối cung cầu nguyên liệu; chất lượng sản phẩm bị giảm sút do lạm phát hóa chất để tăng trọng, tỷ lệ mạ băng sản phẩm quá cao để gian lận thương mại làm giảm chất lượng sản phẩm.
Việc xuất khẩu cá tra đã và đang phải đối đầu với những thử thách bởi các hàng rào kỹ thuật (truy xuất nguồn gốc, dư lượng kháng sinh, vi sinh vật...) các rào cản thương mại (thuế chống bán phá giá của Mỹ, nhãn đỏ của WWF...) cùng với tác động của các chính sách vĩ mô (như thuế, tiền tệ...) công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu chưa được đầu tư đúng mức...
Liên kết sản xuất để thuận lợi hơn khi hội nhập TPP
Năm 2015, trước cánh cửa hội nhập quốc tế sâu rộng, sau khi Hiệp định thương mại TPP giữa Việt Nam và 11 nước Châu Á - Thái Bình Dương được ký kết sẽ đem lại những lợi ích, cơ hội lớn cho xuất khẩu ngành thủy sản nói chung và ngành cá tra nói riêng.
Các nước thành viên tham gia TPP sẽ được giảm 90% các loại thuế nhập khẩu hàng hóa và cắt giảm bằng 0% năm 2015.
Đây là cơ hội cho DN thủy sản Việt Nam mở rộng thị trường và tăng cường hợp tác liên doanh để nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến chuỗi sản xuất hàng giá trị gia tăng.
Tuy nhiên, đây cũng là một thách thức không nhỏ đòi hỏi các DN thủy sản phải tính toán lại phương thức sản xuất hợp lý để hội nhập vào TPP.
Tại diễn đàn “Sản xuất cá tra theo chuỗi giá trị vùng ĐBSCL”, ông Nguyễn Anh Khoa - Tổng cục Thủy sản cho biết, riêng về lĩnh vực thủy sản, nước ta cơ bản được hưởng lợi từ chính sách thuế.
Tuy nhiên cũng sẽ không dễ dàng xâm nhập đối tác vì nước họ sẽ tăng cường các rào cản kỹ thuật.
Ông Khoa đề nghị, nông dân sử dụng các loại thuốc, hóa chất đúng quy trình, tránh dư lượng thuốc kháng sinh.
Hơn nữa, trong thời gian tới, Tổng cục Thủy sản sẽ phổ biến thông tin cho cơ quan quản lý địa phương và người nuôi cá tra biết về TPP mà nước ta có lợi thế khi ký kết.
Bà Lê Thị Kiều Trang - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh Đồng Tháp chủ trương và khuyến khích nông dân tham gia vào tổ hợp tác để liên kết với DN.
Cụ thể, DN sẽ đầu tư thức ăn, vốn, còn nông dân sẽ giao cá nguyên liệu đạt chất lượng xuất khẩu.
Đến nay, toàn tỉnh có 84,2% hộ sản xuất cá tra tham gia vào chuỗi liên kết.
Ngoài ra, tỉnh cũng hỗ trợ cho nhóm Công ty Hùng Cá (gồm Công ty TNHH Hùng Cá, Công ty CP Vạn Ý, Công ty CP thức ăn thủy sản Hùng Cá) vay 1.407 tỷ đồng để thực hiện mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất và xuất khẩu cá tra.
Theo các đại biểu tham dự tại diễn đàn, để ngành cá tra đứng vững trong hội nhập thì vấn đề liên kết cần được quan tâm và thực hiện quyết liệt.
Đồng thời cập nhật kịp thời các tiêu chuẩn mới về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm của các thị trường nhập khẩu.
Ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết thêm, sản xuất cá tra theo chuỗi giá trị vùng ĐBSCL là mô hình tiên tiến nhất hiện nay nhằm mang lại lợi ích cho những hộ nuôi nhỏ lẻ cũng như DN.
Theo đó, cả 2 bên đều an tâm trong quá trình nuôi, DN cung cấp sản phẩm cho mình.
Tuy nhiên, để chuỗi giá trị này đạt được lợi ích cao nhất đòi hỏi đôi bên phải tuân thủ nghiêm túc hợp đồng ký kết, có như vậy mới đảm bảo được tính bền vững.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao