Tin nông nghiệp Ngành chăn nuôi tỉnh Bình Dương từng bước đẩy lùi chất cấm trong chăn nuôi

Ngành chăn nuôi tỉnh Bình Dương từng bước đẩy lùi chất cấm trong chăn nuôi

Author QUỲNH NHIÊN, publish date Wednesday. April 13th, 2016

Ngành chăn nuôi tỉnh Bình Dương từng bước đẩy lùi chất cấm trong chăn nuôi

Bình Dương là một trong những tỉnh có ngành chăn nuôi phát triển mạnh trong cả nước, với nhiều trang trại chăn nuôi lớn. Tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn đang diễn ra nhưng theo chiều hướng giảm dần đối với chăn nuôi quy mô trang trại, chủ yếu xảy ra ở các hộ chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ sử dụng thức ăn thừa, thu gom từ các bếp ăn tập thể.

Tăng cường công tác kiểm tra, quản lý

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 440 trại chăn nuôi heo với tổng đàn hơn 457.000 con; trong đó có 293 trại chăn nuôi gia công, 147 trang trại tư nhân. Đối với hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, toàn tỉnh có gần 3.160 hộ chăn nuôi với tổng đàn hơn 94.000 con.

Theo ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, nguyên nhân dẫn đến tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi một phần do giá heo tăng cao đã tác động đến tư tưởng hám lợi của không ít người chăn nuôi.

Bên cạnh đó, áp lực của thương lái ép người chăn nuôi sử dụng chất cấm để heo thịt có ngoại hình đẹp, nhiều nạc, màu sắc thịt nạc đẹp và mua heo hơi với giá cao. Trước tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi ở một số tỉnh trên cả nước đang diễn ra phức tạp, năm 2015, chi cục đã tăng cường thực hiện kiểm tra cơ sở chăn nuôi và giết mổ.

Theo đó, lực lượng chức năng đã kiểm tra 107 cơ sở chăn nuôi heo/122 mẫu nước tiểu và 52 mẫu thức ăn (lấy trực tiếp từ trại chăn nuôi). Kết quả, có 5 cơ sở chăn nuôi heo vi phạm sử dụng chất cấm Salbutamol, chiếm tỷ lệ 5,55% tổng số cơ sở kiểm tra.

Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh cũng thực hiện lấy mẫu kiểm tra đối với heo đang chờ giết mổ ở các cơ sở giết mổ trên địa bàn tỉnh. Kết quả cho thấy, tình hình heo đưa vào cơ sở giết mổ có sử dụng chất cấm vẫn còn cao.

Qua số liệu kiểm tra ở 6 lò mổ/26 mẫu nước tiểu trên địa bàn các thị xã Tân Uyên, Thuận An và Dĩ An cho thấy, tỷ lệ mẫu dương tính chất cấm là 8 mẫu, chiếm tỷ lệ 30,76%; mức độ tồn dư chất cấm (Salbutamol) trong nước tiểu heo vượt mức độ cho phép từ 2,6 đến 120 lần. Nguồn gốc heo có sử dụng chất cấm chủ yếu đến từ tỉnh Đồng Nai (chiếm khoảng 80%), còn lại một số heo có nguồn gốc trong tỉnh và các tỉnh lân cận.

Trong 3 tháng đầu năm 2016, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh còn tổ chức kiểm tra thường xuyên đối với các cơ sở chăn nuôi heo và cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn tỉnh bằng phương pháp “test nhanh” nước tiểu heo, sau đó gửi Trung tâm Kiểm tra vệ sinh thú y Trung ương 2 (TP.Hồ Chí Minh) đối với những mẫu nghi dương tính muốn kiểm tra định lượng. Kết quả cho thấy, số trường hợp cơ sở chăn nuôi heo có sử dụng chất cấm vẫn đang ở mức cao (chiếm tỷ lệ 17,39% tổng số cơ sở được kiểm tra).

Nói không với chất cấm trong chăn nuôi

Hiện đang làm chủ 2 trang trại heo theo mô hình khép kín chuồng lạnh với tổng số lên tới 6.000 con, bao gồm cả heo nái và heo thịt, ông Phạm Mạnh Cường, chủ trang trại chăn nuôi Linh Cường (TX.Bến Cát) cho rằng, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi hiện nay chỉ ở quy mô nhỏ chứ không phải là đại trà.

Nhưng thông tin này đã ảnh hưởng đến cả ngành chăn nuôi, kinh doanh thực phẩm. Khi thị trường vẫn đang tồn tại song hành cả heo sạch và heo bẩn được chăn nuôi bằng các chất cấm độc hại thì người dân hoàn toàn có quyền nghi ngờ nguồn heo trên thị trường. Chính điều đó đã làm ảnh hưởng lớn đến những người chăn nuôi chân chính.

Nói về những giải pháp để kiểm soát việc sử dụng hóa chất, chất cấm và kháng sinh cấm trong chăn nuôi, ông Trần Phú Cường cho biết, nhiệm vụ đặt ra cho các cấp, các ngành trong tỉnh là cần triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn chặn, tiến tới giải quyết dứt điểm những hành vi vi phạm về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Về phía đơn vị, tới đây công tác tuyên truyền, phổ biến cho người chăn nuôi, người tiêu dùng nắm rõ được tác hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ tiếp tục được triển khai thường xuyên.

Bên cạnh đó, đường dây nóng của chi cục luôn duy trì để nhận tất cả thông tin phản ánh từ người dân liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi, thú y và an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời vận động người dân cung cấp thông tin khi phát hiện tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán, sử dụng hóa chất, chất cấm và kháng sinh cấm trong chăn nuôi.

Hơn hết, việc triển khai để các hộ, trang trại chăn nuôi, cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y trên địa bàn tỉnh ký cam kết không sử dụng, buôn bán chất cấm trong chăn nuôi cũng là một biện pháp hữu hiệu để đẩy lùi chất cấm trong chăn nuôi. “Nói không với chất cấm trong chăn nuôi” là thông điệp để ngành chăn nuôi phát triển một cách bền vững và tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Sáng nay (12-4), tại Bình Dương, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Cục Chăn nuôi tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp quản lý chất cấm và chống lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm ở các tỉnh phía Nam”. Diễn đàn được tổ chức đúng vào đợt cao điểm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai kế hoạch kiểm soát chất lượng vật tư và an toàn nông sản.

Thời gian qua, nhiều chương trình hành động đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức từ Trung ương đến cơ sở nhằm cung cấp thông tin, kiến thức về chất cấm và kháng sinh cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhận thức của nhiều người chăn nuôi vẫn còn hạn chế, cố tình hay vô tình sử dụng chất cấm hoặc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi nhằm thu lợi nhuận bất chính. Vì vậy, diễn đàn này là dịp để các nhà quản lý, người chăn nuôi, doanh nghiệp… tiếp cận được thông tin hai chiều, từ đó thống nhất tiếng nói chung trong quản lý và ngăn chặn việc sử dụng chất cấm và kháng sinh trong chăn nuôi.


Huy động hơn 850.000 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới Huy động hơn 850.000 tỷ đồng xây dựng… Lợi nhiều bề với lò sấy lúa đa năng Lợi nhiều bề với lò sấy lúa đa…