Ngành điều bất ngờ nhập siêu sau 16 năm liên tục xuất siêu
Theo số liệu của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), 4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu điều nhân đạt 152 nghìn tấn và 894 triệu USD, tăng 8,6% về khối lượng nhưng giảm 7,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
NHẬP KHẨU 4 THÁNG ĐẦU NĂM 2021 GẦN BẰNG CẢ NĂM 2020
Hoa Kỳ, Trung Quốc và EU vẫn duy trì là 3 thị trường tiêu thụ điều lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt là 26,8%, 17,7% và 20,5% trong tổng giá trị xuất khẩu của ngành hàng này.
Xuất khẩu hạt điều sang thị trường Hoa Kỳ giảm 10,1% về lượng và 30,5% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu hạt điều sang thị trường EU tăng 14% về lượng nhưng giảm 21,2% về giá trị. Xuất khẩu hạt điều sang thị trường Trung Quốc tăng 136,4% về lượng và 140,2% về giá trị.
Trong khi đó, tháng 4/2021, các doanh nghiệp chế biến điều nước ta đã nhập khẩu 480.000 tấn hạt điều thô nguyên liệu, tiêu tốn tới 772 triệu USD, tăng mạnh 375% về lượng và 470,5% về trị giá so với tháng 4/2020.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã nhập khẩu tổng cộng 1,19 triệu tấn hạt điều với trị giá lên tới 1,88 tỷ USD, tăng 300% về lượng và tăng 323,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá nhập khẩu bình quân hạt điều thô trong 4 tháng đầu năm 2021 khoảng 1.580 USD/tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, lượng điều thô nhập khẩu sau 4 tháng đầu năm 2021 đã gần bằng tổng nhập khẩu trong cả năm 2020, trong khi kim ngạch đã cao hơn do giá điều nguyên liệu tăng.
Một số doanh nghiệp chế biến điều cho biết thời gian qua do tác động của dịch Covid-19, hàng Việt Nam xuất khẩu đi gặp tình trạng thiếu container, trong khi chiều nhập hàng về lại thừa container rỗng, nên họ tranh thủ khối container rỗng này để nhập hàng về.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường nông sản, việc gia tăng nhập khẩu điều thô đang khiến nông dân trồng điều trong nước lâm vào cảnh khó tiêu thụ sản phẩm, giá thu mua hạt điều tươi tại thị trường trong nước biến động giảm.
Cụ thể, điều khô mua xô tại Bình Phước từ 29.500 đồng/kg của tháng trước, hiện đã giảm xuống 24.000 đồng/kg. Bình Phước và một số tỉnh trồng điều ở Đông Nam bộ hiện đang vào vụ thu hoạch. Sở dĩ các doanh nghiệp thờ ơ với mua điều nguyên liệu trong nước, theo giải thích là bởi các doanh nghiệp không có hệ thống thu mua đến từng làng xã, từng hộ nông dân. Nếu mua qua thương lái, chi phí trung gian sẽ lên cao, trong khi nhập khẩu thì sẽ luôn có ngay những lô hàng nguyên liệu lớn với hàng chục, hàng trăm container.
CÁC NHÀ MÁY CHẾ BIẾN ĐIỀU "ĐÓI" NGUYÊN LIỆU
Đã 16 năm liền kể từ 2006, Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu nhân điều số 1 thế giới. Các sản phẩm điều nhân xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm trên dưới 80% lượng điều nhân xuất khẩu trên thế giới. Năm 2020, xuất khẩu điều nhân đạt 511 nghìn tấn, trị giá 3,19 tỷ USD, tăng 12,1% về lượng, nhưng giảm 3% về trị giá so với năm 2019.
Số lượng nhà máy chế biến điều ở Việt Nam phát triển quá nhanh, hiện có khoảng 500 nhà máy chế biến điều với tổng công suất đạt hơn 4 triệu tấn (quy theo nguyên liệu hạt điều thô), bằng 50% tổng sản lượng điều thô toàn cầu.
Ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết dịch Covid-19 làm giá điều nhân xuất khẩu liên tục đi xuống. Giá xuất khẩu bình quân hạt điều tháng 12/2020 ở mức 5.957 USD/tấn, giảm 2,9% so với tháng 11/2020 và giảm 15,2% so với tháng 12/2019. Tính cả năm 2020, giá xuất khẩu bình quân hạt điều 6.245 USD/tấn, giảm 13,5% so với mức giá xuất khẩu hạt điều bình quân năm 2019.
“Giá xuất khẩu nhân điều giảm nhưng giá nhập khẩu điều thô vẫn tăng do công suất chế biến điều của các nhà máy chế biến điều quá lớn nên luôn trong tình trạng "đói" nguyên liệu. Do đó, dẫn đến chuyện các nhà máy tranh nhau mua nguyên liệu" ông Công nêu nghịch lý .
Có thời kỳ, cây điều là cây trồng chủ lực, giúp nhiều hộ dân ở các tỉnh khu vực Ðông Nam Bộ vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, giá điều bấp bênh, lợi nhuận từ trồng điều quá thấp, nhiều nông dân bỏ điều để trồng cây khác.
Ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam
Do các doanh nghiệp Việt Nam tranh mua nguyên liệu từ các quốc gia trồng điều ở châu Phi, khiến các nhà bán điều thô lợi dụng, đẩy giá bán lên cao, ép các doanh nghiệp nước ta phải chấp nhận. "Việc chỉ trông chờ vào nguyên liệu nhập khẩu, đã tạo cơ hội làm giàu do nông dân trồng điều và các nhà buôn điều nguyên liệu ở Tây Phi, nhưng lại khiến nông dân trồng điều ở Việt Nam khó sống với cây điều" ông Công bày tỏ quan ngại.
Năm 2021, ngành điều đặt mục tiêu xuất khẩu 3,6 tỷ USD, tăng 12,9% so với năm 2020. Hiệp hội Điều Việt Nam dự báo lượng hạt điều nhập khẩu trong năm 2021 gần 2 triệu tấn. Nhưng với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, con số nhập khẩu có thể cao hơn. Như vậy, nếu đúng như tính toán của Hiệp hội Điều Việt Nam, thì chi phí nhập khẩu điều nguyên liệu trong năm 2021 có thể lên tới 3,2-3,5 tỷ USD.
Như vậy, năm 2021, có thể lần đầu tiên xảy ra kịch bản sau 16 năm đứng đầu thế giới về xuất khẩu: ngành chế biến điều không còn thặng dự thương mại. Thậm chí, nếu tình trạng nhập nguyên liệu tiếp tục tăng cao như những tháng vừa qua, sẽ rơi vào tình thế nhập siêu trong cả năm.
Việc này, cũng đồng nghĩa với lợi nhuận của chế biến điều gần như không còn. Nguy cơ xảy ra nhiều nhà máy rơi vào tình trạng nguyên liệu nhập về sử dụng không hết, đầu ra xuất khẩu điều nhân tiêu thụ không kịp, lượng nguyên liệu tồn kho lâu ngày sẽ giảm chấp lượng, thậm chí phải đổ bỏ.
Câu hỏi đặt ra: tranh nhau ồ ạt nhập khẩu nguyên liệu về là khôn hay dại? Điều này, cuối năm mới rõ. Thực tế, từ giữa năm 2020 đã có không ít nhà máy chế biến hạt điều quy mô vừa và nhỏ đã phải tạm dừng sản xuất không mua thêm nguyên liệu do giá điều thô quá cao so với giá nhân điều có thể bán được.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao