Tin nông nghiệp Ngành nông nghiệp chạy đua cùng công nghệ cao

Ngành nông nghiệp chạy đua cùng công nghệ cao

Author Linh Anh, publish date Saturday. April 15th, 2017

Ngành nông nghiệp chạy đua cùng công nghệ cao

Với những ưu ái trong hỗ trợ phát triển và trước những khó khăn của ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đang rất được chú trọng. Với thủy sản, ngành này đang thể hiện sự nhập cuộc rất mạnh mẽ.

Trong ảnh: Thu hoạch tôm nuôi công nghệ cao ở Bạc Liêu. Ảnh: PTC  

Thủy sản rất “nóng”

Trong nuôi trồng thủy sản, ngành này đã chủ động nghiên cứu công nghệ sản xuất giống hầu hết đối tượng thủy sản nuôi như: tôm sú, tôm càng xanh, cá rô phi…; nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chọn tạo đàn giống bố mẹ có tính tăng trưởng nhanh đối với cá tra, cá rô phi, tôm thẻ chân trắng, tôm sú… Trong chế biến thủy sản, đã nghiên cứu và ứng dụng công nghệ làm lạnh nước biển, bể ngâm hạ nhiệt, khay chứa đựng, các phương tiện bốc dỡ. Làm chủ công nghệ bảo quản và vận chuyển sống đối với một số loài hải sản như cá, nhuyễn thể, giáp xác…

Còn tại địa phương, các tỉnh, thành cũng đang nhập cuộc rất khẩn trương. Đơn cử, Bạc Liêu vừa đề xuất và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm, với diện tích giai đoạn 1 là 200 ha, trở thành địa phương đầu tiên ở Việt Nam có khu nông nghiệp công nghệ cao cho con tôm.

Tại Bình Định, tập đoàn Kato (Nhật Bản) đang hợp tác thực hiện một dự án hơn 770.000 USD về đánh bắt cá ngừ, kéo dài đến năm 2020; Công ty Shudensha triển khai dự án trị giá 820.000 USD nhằm cải thiện chất lượng nuôi trồng thủy sản, được thực hiện trong giai đoạn 2015 - 2020… Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh này cũng cho biết, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đang được tỉnh ưu tiên phát triển để nâng cao năng suất, chất lượng, tăng năng suất lao động và bảo vệ môi trường, sản lượng khoảng 11.000 tấn.

Tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang cũng định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng ứng dụng công nghệ cao, không ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường sinh thái và phát triển du lịch. Phấn đấu đến năm 2020, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt trên 1.700 tấn, tăng gần gấp đôi so năm 2016; sản lượng ngọc trai 133.400 viên.

Ở tỉnh Cà Mau, “vựa” thủy sản của cả nước, tỉnh cũng đang chú trọng phát triển, nhất là với con tôm. Cụ thể, Cà Mau tiếp tục nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao hiện đã triển khai có hiệu quả như: Nuôi tôm lót bạt ứng dụng quy trình công nghệ cao, nuôi tôm công nghiệp có hố xi phông, nuôi tôm công nghiệp hai giai đoạn, mô hình tôm thẻ ương trong ao lót bạt…

Tháo gỡ “rào cản”

Theo Bộ NN&PTNT, phấn đấu đến năm 2020, tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm ít nhất 25% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của cả nước. Chủ trương đã có, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp gặp khó khăn khi tiếp cận với lĩnh vực công nghệ cao. Bởi, mặc dù hiện đã có nhiều ưu đãi để ngành nông nghiệp hoàn thành “giấc mơ” này, thế nhưng, vẫn còn nhiều khó khăn đang bủa vây. Trong đó, quy mô và vốn là “nóng” nhất.

Theo ông Ngô Tiến Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội các Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Việt Nam chỉ có khoảng hơn 20 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao trên tổng số hàng nghìn công ty nông nghiệp. Hiện, hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn về vốn và ưu đãi đầu tư. Qua khảo sát cho thấy, có tới 90% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có vốn dưới 10 tỷ đồng; quy mô nhỏ nên doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi mở rộng sản xuất. Trong khi, để phát triển nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi doanh nghiệp phải có những khoản đầu tư lớn.

Để giải quyết bài toán này, theo các doanh nghiệp, các địa phương cần tạo cơ chế rộng hơn để doanh nghiệp mở rộng diện tích sản xuất. Cùng đó, các ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi hơn về cơ chế và thủ tục giúp doanh nghiệp có thể vay số vốn tương đối với thời gian dài để họ yên tâm sản xuất. Bởi như tâm sự của một doanh nhân ngành nông nghiệp thì đến nay “với nông nghiệp, ngân hàng chỉ hoạt động theo kiểu tiệm cầm đồ”. Trước tình thế này, họ đang rất trông chờ vào gói hỗ trợ 100.000 tỷ đồng mà Chính phủ đã hứa cách đây không lâu.

Nếu được triển khai với cùng những ưu đãi cụ thể, thủ tục thông thoáng, có lẽ ngành nông nghiệp nói chung, thủy sản nói riêng sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp công nghệ cao hơn nữa và kéo theo đó, năng suất và chất lượng ngành cũng sẽ thay đổi.

>> Nông nghiệp công nghệ cao đang có nhiều cơ hội thuận lợi để phát triển. Mới đây, Thủ tướng đã chỉ đạo dành gói tín dụng khoảng 100.000 tỷ đồng cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Cùng đó, nhiều nhà đầu tư quốc tế cũng đang “để ý” vấn đề này. Theo Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), số doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam ngày càng tăng.


Nơi đất lành sinh trái ngọt Nơi đất lành sinh trái ngọt Ngành nuôi vịt đẻ Philippines: Hành trình tìm sức bật mới Ngành nuôi vịt đẻ Philippines: Hành trình tìm…