Ngành Trồng Trọt Với Bài Toán Chuyển Từ Lượng Sang Chất
Những năm qua, mặc dù ngành nông nghiệp luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng (bình quân 4%/năm), năng suất, sản lượng cây trồng đạt khá. Tuy nhiên, đời sống của người nông dân vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Nhiều câu hỏi đang đặt ra trong sản xuất và đang rất cần những giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất bằng giá trị và lợi nhuận.
Làm ruộng khó giàu…
Ruộng vườn là tư liệu sản xuất không thể thiếu đối với người nông dân. Xưa kia, những gia đình nào nhiều ruộng sẽ no ấm, khá giả. Thế nhưng, thực tế hiện nay lại không phải vậy, những hộ nông dân chỉ chuyên tâm sản xuất nông nghiệp chắc không thể giàu bởi làm ruộng bấp bênh mà lãi ít.
Nói về hiệu quả của việc canh tác lúa truyền thống hiện nay, chị Nguyễn Thị Chín, xã Ninh Giang (Hoa Lư - Ninh Bình) khẳng định: Với đồng đất Ninh Giang, cấy một sào lúa cũng chỉ lãi từ 200.000 đến 300.000 đồng mỗi vụ.
Cụ thể trong vụ đông xuân 2014 vừa qua, 5 sào lúa gia đình thu về 1 tấn thóc, với giá bán 8.000 đồng/kg thu được 8 triệu đồng, tuy nhiên công cày bừa, thuê cấy cộng với các chi phí phân bón, giống, thuốc trừ sâu… đã hết 1,4 triệu đồng/sào, tương đương với 7 triệu đồng. Chị Chín cho biết: Hiện nhiều gia đình trong thôn cho mượn ruộng hoặc chỉ cấy vài sào để đảm bảo lương thực cho gia đình còn lại đi làm thuê để kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Theo ông Tống Vạn Tường, Chủ tịch UBND xã Ninh Giang: “Là một xã thuần nông, thu nhập của bà con chủ yếu phụ thuộc vào cây lúa mà mỗi sào lúa chỉ lãi được 2-3 trăm nghìn, do vậy chính quyền xã thực sự băn khoăn, trăn trở trong việc thực hiện tiêu chí thu nhập khi triển khai xây dựng nông thôn mới”.
Có thể nói, thu nhập thấp, công việc vất vả, lam lũ đã khiến cho hàng nghìn người “ly nông” để đi làm công nhân ở các nhà máy, khu công nghiệp. Nhiều năm nay, ở những hội nghị triển khai sản xuất nông nghiệp người ta thường xuyên nhắc đến khó khăn của việc thiếu lao động. Giờ đây, ở các làng quê, phần lớn chỉ còn lại người già, trẻ nhỏ, những người có sức khỏe yếu không thể đi làm công nhân mới ở nhà làm ruộng.
Một cán bộ chủ nhiệm HTX nông nghiệp ở thị xã Tam Điệp cho hay: “Lâu nay, việc chỉ đạo sản xuất hết sức khó khăn, đến vụ người ta thuê cấy rồi để đấy chẳng chăm bón gì bởi họ còn mải đi xây, đi làm thêm. Hai buổi đi làm thêm bằng cả 5 tháng cấy lúa nên HTX có phát động phun thuốc, bón phân họ cũng mặc kệ, thuê được người thì làm, không thì thôi”.
Chuyển từ “lượng” sang “chất”
Năng suất lúa hiện nay đã cơ bản chạm đến mức “kịch trần”, do vậy muốn tăng giá trị của ngành trồng trọt không còn cách nào khác là phải chuyển đổi cơ cấu, lúa cấp thấp chuyển sang lúa chất lượng cao (CLC), đất lúa chuyển sang rau màu có giá trị, đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu. Thực tế, nhiều địa phương đã và đang triển khai việc chuyển đổi này và ở đó thu nhập của người nông dân được nâng lên đáng kể.
Trên các cánh đồng của xã Trường Yên (huyện Hoa Lư), giống lúa lai, Khang dân, Q5 không còn được nông dân lựa chọn để cấy trong vụ mùa năm nay, tất cả đã được chuyển sang cấy lúa CLC. Bà Trịnh Thị Sen, xóm Hoàng Long có 4 sào đều cấy giống lúa Bắc thơm số 7. Những nhà cấy 1-2 sào lúa cấp thấp chỉ là để phục vụ phát triển chăn nuôi. Năm nay là năm đầu tiên người dân ở đây có khái niệm rõ ràng về sản xuất lúa hàng hóa.
Bà Sen cho biết: Giống lúa “Bắc thơm cấy nhiều lắm, có nhà 4 sào cấy tất, có nhà 6 sào thì người ta cấy đến 5 sào Bắc thơm, chăn nuôi thì người ta cấy thêm 1 sào khang dân hay Thục hưng gì đó. Lúa thơm vụ này được mùa thì năng suất cũng chỉ đạt 1,8 tạ/sào thôi nhưng giá thành lại cao hơn giống lúa cấy thấp.
Còn tại cánh đồng xã Đồng Phong (huyện Nho Quan), vụ mùa này thay vì cấy lúa, nhiều hộ nông dân đã chuyển sang sản xuất lạc giống để cung cấp cho Công ty theo hợp đồng. Ông Trịnh Văn Thanh, một nông dân cho hay: “Trồng màu thắng lợi hơn cấy lúa nhiều, 1 sào cấy 2 tạ thóc được 1,2 triệu đồng nhưng trồng lạc giống này thu mấy triệu đồng.
Như năm ngoái, 5 sào ruộng của gia đình tôi thu được 15 triệu đồng. Tiếp tục trồng lạc vụ đông thu được hơn chục triệu đồng”. Theo lãnh đạo xã, việc phát triển cây màu hàng hóa trên đất lúa đã góp phần nâng mức thu nhập bình quân đầu người của xã tăng lên đáng kể. Nếu như năm 2010 là 9,8 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2013 đạt 15 triệu đồng người/năm.
Đi đôi với chuyển đổi, việc dồn điền, đổi thửa, xây dựng các cánh đồng mẫu lớn trong những năm gần đây đã tạo được sức bật mạnh mẽ. Theo tính toán của Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Yên Khánh, trong cánh đồng mẫu lớn, người sản xuất có thể thu lời thêm từ 4,6-5,5 triệu đồng/ha.
Chi phí sản xuất giảm 10-15%, trong khi năng suất lúa tăng khoảng 10%. Mô hình chung, cánh đồng mẫu lớn đã tạo ra sự thay đổi từ “lượng” sang “chất” và làm cho người nông dân gắn bó hơn với cây lúa, họ chưa giàu được nhưng ít nhất thu nhập do trồng lúa đã tăng.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp & PTNT, diện tích lúa CLC trên địa bàn tỉnh đang tăng lên nhanh chóng. Nếu như năm 2010 chỉ đạt 24,29%, năm 2012 nâng lên 41% thì đến năm 2013, 2014 con số này đạt khoảng 45-50% tổng diện tích gieo trồng ở các địa phương.
Cùng với đó, thời gian gần đây nhiều mô hình chuyển đổi đất lúa sang rau màu có giá trị cũng đã hình thành như: mô hình trồng cà chua bi trong vụ đông xuân ở xã Khánh Nhạc, mô hình xen canh lúa, cá, rau màu ở xã Khánh Thành (Yên Khánh), mô hình đa canh ở xã Yên Thắng (Yên Mô)… Thu nhập bình quân của nông dân trên địa bàn tỉnh từ gần 30 triệu đồng/ha/năm (2005) hiện đã tăng lên 80-90 triệu đồng/ha.
Cần có sự định hướng cụ thể
Trong bối cảnh tỉnh Ninh Bình đang đẩy mạnh công cuộc xây dựng nông thôn mới, việc chuyển đổi đất lúa để nâng cao thu nhập của người nông dân là yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, việc chuyển đổi sao cho hiệu quả vẫn là bài toán của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền ở nhiều địa phương bởi họ không trả lời được câu hỏi trồng cây gì, bán ở đâu. Câu chuyện được mùa rớt giá vẫn là nỗi lo với nhiều nông dân.
Đơn cử như vụ đông năm 2013, nông dân trồng rau “khóc dở, mếu dở” vì cung vượt cầu, giá su hào, bắp cải chỉ khoảng 200-500 đồng một cái. Nhiều ruộng rau để quá lứa, thậm chí vất bỏ cho trâu bò ăn.
Và ngay trong vụ đông xuân năm 2014, một bài học quý giá cũng đã được rút ra cho việc chuyển đổi đất lúa sang trồng cây dưa bở không theo quy hoạch ở xã Gia Phương (huyện Gia Viễn). Bình thường một sào dưa bở nếu được mùa người trồng dưa thu lãi 4-5 triệu đồng/sào.
Chính vì vậy, nông dân ở đây đã đổ xô trồng dưa, đưa diện tích, sản lượng tăng cao. Nhiều nông dân còn phá vỡ quy hoạch, đưa dưa xuống ruộng trũng để trồng. Tuy nhiên, do không lường trước được những khó khăn về thời tiết cũng như những bấp bênh của thị trường nên trong vụ đông xuân 2014 nông dân ở đây đã có một mùa dưa đắng bởi dưa vừa mất mùa vừa rớt giá.
Rõ ràng là việc quyết định trồng cây gì là phụ thuộc vào các địa phương mà cụ thể là người nông dân nhưng phải có sự định hướng cụ thể, phải có dự báo và tiên lượng về thị trường mới có thể giúp cho người nông dân định hướng và sản xuất bền vững, hiệu quả.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ nhiệm HTX Hợp Tiến, xã Khánh Nhạc (Yên Khánh), một trong những đơn vị tiên phong trong việc chuyển đổi đất lúa sang trồng cây rau màu cho rằng: Để chuyển đổi thành công phải đảm bảo 3 yếu tố.
Thứ nhất là ruộng đất phải được dồn đổi thành thửa lớn và phải được quy hoạch lại hệ thống thủy lợi, tưới tiêu. Thứ hai là yếu tố con người, nông dân phải có kỹ thuật vì chuyển đổi cây trồng có nghĩa là thay đổi cả một tập quán canh tác đã có từ lâu đời. Thứ ba là vấn đề thị trường, phải kết nối được các công ty, doanh nghiệp để ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Thiếu một trong ba yếu tố này chuyển đổi khó có thể thành công.
Nhiều câu hỏi đang đặt ra trong sản xuất và đang rất cần những giải pháp đồng bộ ngay từ lúc này nhằm chuyển mạnh từ phát triển theo chiều rộng, lấy số lượng làm mục tiêu phấn đấu sang nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất bằng giá trị và lợi nhuận.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao