Nghệ An Nỗi Lo Tôm Giống
Những năm gần đây, cùng với quá trình mở rộng diện tích tăng mật độ nuôi tôm, môi trường nuôi ngày càng ô nhiễm, diễn biến dịch bệnh trên tôm khó kiểm soát. Năm 2014, người nuôi tôm Quỳnh Lưu (Nghệ An) đối diện với tình trạng tôm bị bệnh gan tụy, tôm chậm lớn, gây thiệt hại cho người chăn nuôi.
Thực trạng thiếu tôm giống trầm trọng vào mỗi vụ thả tập trung cao khiến người dân sử dụng giống trôi nổi cũng tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh.
Ông Nguyễn Đức Nội (xóm Quyết Tiến xã Quỳnh Bảng) nuôi tôm đã 14 năm, nay tuổi cao sức khoẻ hạn chế, ông chỉ nuôi gần 4.000 m2 ao tôm ở sát bên vườn nhà.
Vụ 1 năm 2014, ông Nội thả nuôi 4 vạn tôm giống, cũng chăm sóc cẩn trọng, cung cấp đầy đủ thức ăn như các vụ nuôi trước nhưng tôm chậm lớn. Sau khi nuôi được 60 ngày, ông quyết định bán tháo vì càng nuôi lâu càng lỗ nặng tiền thức ăn, thu hoạch được 2,3 tấn, bán với giá 80.000 đồng/kg được 184 triệu đồng.
“Chừng đó mới đủ tiền giống và thức ăn, còn lỗ hơn 20 triệu đồng tiền thuê lao động và một số chi phí khác. Đó là nhà tui còn may mắn cứu được vốn, còn nhiều hộ khác lỗ nặng do không có thu hoạch hoặc sản lượng quá ít.” - ông Nội bộc bạch.
Hiện ông Nội đang tiếp tục thả nuôi tôm vụ 2 được hơn 50 ngày, song tôm cũng chậm lớn tương tự vụ 1 mà không rõ nguyên nhân do đâu? Những năm trước, thường thì nuôi 50 ngày trọng lượng đạt 80 con/kg, năm nay nuôi 50 ngày trọng lượng 180 con/kg. Năm nay thời tiết không thuận, con giống còi chậm lớn, môi trường nuôi ô nhiễm khiến người nuôi tôm lao đao.
Ông Hoàng Xuân Tin (xóm Mai Giang, Quỳnh Bảng) - người nổi tiếng trong nghề nuôi tôm xứ Quỳnh cho rằng, nghề nuôi tôm phụ thuộc vào môi trường. Con tôm là loài vật nuôi rất nhạy cảm, chỉ biến động về thời tiết hoặc môi trường ao nuôi đã khiến tôm có thể bị nhiễm bệnh.
Trong vụ 1 năm 2014, tôm chậm lớn, nhiều người hoang mang đánh giá về chất lượng tôm giống. Nhưng trong vụ 2 này người dân lấy giống của nhiều công ty khác nhau, tôm cũng chậm lớn, từ thực tế các ao nuôi của nhà mình, tôi nhận thấy do môi trường và thời tiết, tôm bị bệnh đường ruột không lớn được. Vụ 1, nhà tôi nuôi 8 ha tôm, thu hoạch gần 30 tấn nhưng không có lãi vì tôm bị bệnh.
Vụ 2 này chỉ nuôi 4 ha, đến nay tôm đã phát triển được hơn 50 ngày, trọng lượng đạt 120 - 130 con/kg, nếu thuận lợi thì nuôi 40 ngày nữa sẽ đạt 70 con/kg.
Rút kinh nghiệm từ vụ 1, nuôi vụ 2 tôi đặc biệt chú trọng vấn đề môi trường bằng cách giảm ao nuôi, tăng diện tích ao lắng trữ nước sạch để thay nước thường xuyên nhằm tạo môi trường sạch để tôm phát triển, hạn chế dịch bệnh.
Ngoài nuôi tôm, ông Tin còn có trại ương giống, chuyên lấy giống từ Công ty Thông Thuận (tỉnh Bình Thuận) đưa về ương gièo cung ứng giống cho người dân, mỗi năm nhập về địa bàn từ 70 - 100 triệu con giống. Khi chuyển từ miền Nam ra, tôm giống được ương gièo trong 3 ngày để làm quen với môi trường địa phương; đồng thời được ngành chức năng lấy mẫu kiểm tra con giống, giống đảm bảo khoẻ mạnh, sạch bệnh mới cho ương bán.
Sau khi chia tách Thị xã Hoàng Mai, hiện nay huyện Quỳnh Lưu chỉ có 2 cơ sở ương gièo tôm giống, mỗi năm cung ứng khoảng 130 triệu post, đạt khoảng 20 - 25% nhu cầu tôm giống trên địa bàn huyện. Tổng nhu cầu thả giống của toàn huyện từ 400 - 500 triệu post/năm.
Do đó vào mỗi vụ nuôi, tính thời vụ cao, người dân phải lấy giống từ các cơ sở khác ở Thị xã Hoàng Mai và mua giống trôi nổi chuyển từ miền Nam ra (chưa qua ương gièo), chất lượng không kiểm soát được. Do thiếu giống, người dân phải mua ngoài luồng nhiều, giống trôi nổi, khó kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ cũng như chất lượng.
Dù biết vậy, nhưng vào đầu vụ người dân đã chuẩn bị ao đầm, xử lý nước, tốn kém nhiều chi phí ban đầu, đến ngày thả không có giống, phải liều mua giống trôi nổi.
Chỉ thị 01 của UBND tỉnh ngày 5/1/2012 quy định về tăng cường công tác quản lý chất lượng tôm giống và vùng nuôi tôm mặn lợ tại Nghệ An.
Theo đó quy định, tôm giống về địa bàn tỉnh ít nhất phải qua ương gièo 2 ngày và kiểm tra chất lượng trước khi thả ra ao nuôi. Tuy vậy, vào vụ thả tập trung, lượng giống trên địa bàn không cung cấp đủ, người nuôi bắt giống ngoài luồng về thả để kịp thời vụ, con giống không qua kiểm tra, chất lượng tôm không đảm bảo, phát triển không đồng đều dễ xảy ra dịch bệnh.
Theo ông Bùi Xuân Trúc- phụ trách thuỷ sản Phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu cho biết: Tổng diện tích nuôi tôm toàn huyện hiện có 450 ha, vụ 1 năm 2014 thả nuôi 430 ha, tổng sản lượng thu hoạch hơn 1.200 tấn, đạt 57,5% kế hoạch.
Sản lượng đạt thấp do một số diện tích bị dịch bệnh còi (tôm chậm lớn) và một số diện tích bị bệnh gan tuỵ. Vụ 2, toàn huyện mới thả nuôi được hơn 200 ha, dự kiến tổng diện tích nuôi trong vụ 2 tối đa cũng chỉ đạt 250 ha, nhưng trong vụ này lo thời tiết bấp bênh, năng suất tôm đạt thấp. Nếu không có thiên tai, dịch bệnh xảy ra, dự kiến đạt sản lượng thu hoạch trên 600 tấn.
Tin vui đến với người nuôi tôm, đầu năm 2014 UBND tỉnh có quyết định về việc chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án: Khu sản xuất và nuôi trồng thuỷ sản tại xã Quỳnh Minh - Quỳnh Lưu, do Công ty TNHH Việt Úc làm chủ đầu tư. Với quy mô dự án 4 ha, công suất khoảng 3 tỷ con giống/năm.
Như vậy, khi dự án này ra đời sẽ cung cấp nguồn tôm giống tại chỗ dồi dào cho người nuôi tôm, và không còn nỗi lo về tôm giống mỗi vụ nuôi.
Để chủ động ứng phó với bão, lũ lụt và quản lý tốt các ao nuôi tôm, khống chế dịch bệnh nhằm hạn chế tối đa thiệt hại cho người sản xuất, ngày 27/8/2014, Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản có văn bản chỉ đạo: Yêu cầu các hộ nuôi tôm ở các địa phương đang có kế hoạch thả nuôi tiếp theo phải tạm dừng thả giống.
Sau mùa mưa bão, khi điều kiện thời tiết thuận lợi, các vùng nuôi đảm bảo điều kiện cơ sở hạ tầng và môi trường thích hợp mới tiến hành thả nuôi vụ tiếp theo.
Còn đối với diện tích đã thả nuôi, giai đoạn này thời tiết thay đổi bất thường làm biến động lớn môi trường ao nuôi, làm cho tôm nuôi bị sốc về môi trường, các hộ nuôi phải thường xuyên kiểm tra theo dõi chặt chẽ và quản lý tốt các yếu tố môi trường như nhiệt độ, PH, DO, độ mặn,… bằng cách rải vôi ở xung quanh bờ ao trước và sau khi mưa để làm giảm độ đục, ổn định pH của ao nuôi, đồng thời đánh CaCO3 hoặc Dolomite vào ban đêm từ 3 - 5 ngày/lần, nhằm duy trì và ổn định độ kiềm,…
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao