Tin thủy sản Nghệ An thành công từ mô hình nuôi cua thương phẩm

Nghệ An thành công từ mô hình nuôi cua thương phẩm

Author Vũ Xuân Nam, publish date Monday. March 7th, 2016

Nghệ An thành công từ mô hình nuôi cua thương phẩm

Năm 2015, Trạm Khuyến nông thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đã xây dựng thành công mô hình “Nuôi cua thương phẩm” nhằm đánh giá hiệu quả kinh tế của việc chuyển đổi những vùng nuôi tôm kém hiệu quả sang nuôi cua, góp phần tìm ra đối tượng thủy sản nuôi hợp lý, để nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân nuôi trồng thủy sản, đồng thời chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật đến cho bà con nông dân làm cơ sở mở rộng nuôi các loại giống thủy sản có giá trị kinh tế cao.

Đây là mô hình nuôi mới nên việc chuẩn bị chọn địa điểm, chọn hộ nông dân tham gia trình diễn được Trạm Khuyến nông TP Vinh phối hợp chặt chẽ với UBND xã tổ chức chức họp dân công khai, dân chủ để chọn ra chủ hộ theo tiêu chí là người có kinh nghiệm, có tiềm năng về tài chính, nhiệt huyết trong công việc, dám đầu tư để nuôi thử nghiệm đối tượng mới. Qua đó, Trạm Khuyến nông đã thống nhất chọn hộ ông Đinh Cao Quế ở xóm Thuận 2 - xã Hưng Hòa - TP Vinh thực hiện mô hình có quy mô 4.000 m2.

Thời gian đầu mới triển khai mô hình, thời tiết có nhiều thay đổi thất thường, nguồn nước lấy vào phụ thuộc vào tự nhiên, giá thức ăn, vật tư và thuốc thú y ngày một tăng cao nên ít nhiều cũng ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cua. Nhưng được sự chỉ đạo kịp thời của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông huyện và sự đầu tư tích cực từ ban đầu, hộ dân tham gia mô hình tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật nên kết quả đạt được cho tỷ lệ sống khá (60%), cỡ cua đạt 3 - 4 con/kg, năng suất thu hoạch đạt 1.8 tấn/ha.

Với số giống thả là 4.000 con/4000m2, kích cỡ cua ≥ 2cm/con, sau 05 tháng nuôi, chủ hộ đã thu được 2400 con cua thương phẩm, cỡ bình quân 300g/con, sản lượng là 720 kg. Giá bán bình quân cho cả vụ nuôi là 270.000 đồng/kg, chủ mô hình thu về 194,4 triệu đồng, lợi nhuận sau khi trừ chi phí mua cua giống, thức ăn, thuốc chế phẩm nuôi cua, công chăm sóc và chi khác là 108,6 triệu đồng.

Chủ mô hình cho biết, để đạt hiệu quả kinh tế cao như vậy, trước hết phải cải tạo ao đầm theo đúng quy trình kỹ thuật, chọn con giống đảm bảo có chất lượng tốt để đạt được tỷ lệ sống cao tránh hao hụt, cỡ cua giống thả ban đầu phải lớn hơn 2cm/con, mật độ thả phù hợp nhất là 1 con/m2, thời vụ nên thả nuôi vào tháng 3, kéo dài đến tháng 7 - 8. Thức ăn hàng ngày của cua chủ yếu là cá tạp và phải chủ động giữ được thức ăn tươi sống, môi trường ao nuôi phải trong sạch, không để thức ăn dư thừa làm ô nhiễm môi trường ao nuôi, thường xuyên vệ sinh đáy ao để loại bỏ thức ăn thừa thối rữa, nên thay nước theo thuỷ triều để đảm bảo môi trường ao nuôi trong sạch và kích thích cua bắt mồi và lột xác giúp cua sinh trưởng và phát triển nhanh.


Các thương vụ thâu tóm đình đám Các thương vụ thâu tóm đình đám Hạ thủy tàu vỏ thép 67 đầu tiên đóng tại Quảng Trị Hạ thủy tàu vỏ thép 67 đầu tiên…