Tin thủy sản Nghề nuôi biển phải chuyển mạnh sang quy mô lớn, công nghiệp

Nghề nuôi biển phải chuyển mạnh sang quy mô lớn, công nghiệp

Author Sơn Trang, publish date Thursday. May 11th, 2017

Nghề nuôi biển phải chuyển mạnh sang quy mô lớn, công nghiệp

Ông Lucas Manomaitis, GĐ Kỹ thuật nuôi khu vực Đông Nam Á thuộc USSEC, cho hay, nuôi ven bờ đang ngày càng chịu áp lực bởi ô nhiễm môi trường...

Nuôi cá lồng bè trên biển

“Phát triển nghề nuôi cá biển quy mô lớn bền vững phục vụ xuất khẩu tại Việt Nam”, là hội thảo do Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam phối hợp với Hội đồng Xuất khẩu Đậu tương Hoa Kỳ (USSEC) tổ chức ở TP.HCM cuối tuần qua. Những thông tin tại hội thảo cho thấy nghề nuôi biển Việt Nam cần phải chuyển mạnh sang quy mô lớn, công nghiệp để tăng mạnh sản lượng cũng như giá trị XK.

Ông Nguyễn Bá Sơn (Tổng cục Thủy sản), cho biết, trong những năm qua, nuôi trồng thủy sản trên biển và hải đảo đã có những bước tiến đáng kể, diện tích và sản lượng không ngừng tăng. Đến năm 2016, diện tích cá biển nuôi ao, đầm trên cả nước đạt 6.300 ha và hơn 1,164 triệu m3 lồng, với sản lượng 28.293 tấn; diện tích nuôi nhuyễn thể là 47.129 ha, sản lượng 294.472 tấn; nuôi tôm hùm là 58.990 lồng, sản lượng 1.321 tấn; diện tích nuôi ghép cua ghẹ hơn 220 ngàn ha, sản lượng khoảng 40.000 tấn…

Tuy liên tục phát triển trong những năm qua, nhưng so với tiềm năng, nghề nuôi biển ở Việt Nam còn khá khiêm tốn. Nước ta có tổng diện tích nuôi trồng hải sản trên biển và hải đảo lên tới 244.190 ha, trong đó diện tích nuôi vùng bãi triều ven biển khoảng 153.300 ha; diện tích nuôi vũng, vịnh, eo ngách và ven đảo là 79.790 ha; nuôi vùng biển hở 11.100 ha.

Dầu vậy, nhờ sự phát triển liên tục như trên mà theo TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, từ năm 2012, Việt Nam đã có mặt trên bản đồ những nước nuôi cá biển hàng đầu thế giới. Nếu Nhà nước có chính sách khuyến khích và ưu tiên thu hút đầu tư thì sản lượng nuôi biển hàng năm (bao gồm tôm và tôm hùm, cá biển, trai ngọc, nhuyễn thể khác, tảo và rong biển, các hải sản khác) sẽ có thể tăng mạnh trong những năm tới. Cụ thể, có thể đạt 1,6 triệu tấn vào năm 2020 và 4,7 triệu tấn năm 2030.

Nhưng để đạt được những mục tiêu như trên, ông Dũng cho rằng, ngành nuôi biển không thể tiếp tục phát triển theo kiểu tự phát, nhỏ lẻ như hiện nay, mà phải chuyển sang nuôi công nghiệp, quy mô lớn bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện với sinh thái và môi trường biển, đảm bảo phát triển bền vững.

Mặt khác, theo ý kiến của một số chuyên gia trong và ngoài nước, để tăng mạnh được sản lượng, phải mạnh dạn phát triển nuôi xa bờ thay vì chỉ nuôi ven bờ như hiện nay.

Ông Lucas Manomaitis, GĐ Kỹ thuật nuôi khu vực Đông Nam Á thuộc USSEC, cho hay, nuôi ven bờ đang ngày càng chịu áp lực bởi ô nhiễm môi trường, sự phát triển của các khu dân cư ven biển… nên sẽ không còn phù hợp trong tương lai. Việt Nam có đủ điều kiện để phát triển nuôi xa bờ và có thể tiến hành nuôi quanh năm.

Xa bờ không có nghĩa là nuôi giữa đại dương mênh mông, mà là xác định vị trí đủ xa để có độ sâu và dòng chảy cần thiết, đủ gần với các hỗ trợ hậu cần trên đất liền và nên ở những vùng đã được định sẵn cho thủy sản.

Hiện nay, công nghệ nuôi lồng biển xa bờ đã có và rất tiên tiến, có thể đáp ứng mọi điều kiện nuôi. Nhiều công ty sẵn sàng đáp ứng nhu cầu nuôi xa bờ ở khu vực Đông Nam Á. Sự hiểu biết căn bản về dinh dưỡng của thức ăn cho cá biển đã có và sẽ tiếp tục được hoàn thiện.

Theo Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, để phát triển mạnh nghề nuôi biển, cần có những chính sách khuyến khích và thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, bởi hiện nay còn rất ít doanh nghiệp tham gia, mà chủ yếu là các trại nuôi nhỏ, quy mô nông hộ. Nghiên cứu, sản xuất các giống cá biển phải là ưu tiên hàng đầu, vì không có bộ giống tốt sẽ không thể phát triển nghề nuôi tốt…


Ngư dân Quảng Bình thu hơn nửa tỷ đồng từ chuyến đi biển Hoàng Sa Ngư dân Quảng Bình thu hơn nửa tỷ… Xuất khẩu cá biển có thể đạt mốc 8 tỷ USD vào năm 2030 Xuất khẩu cá biển có thể đạt mốc…