Mô hình kinh tế Nghề Sản Xuất Nước Mắm Truyền Thống Phú Quốc Khởi Sắc Trở Lại

Nghề Sản Xuất Nước Mắm Truyền Thống Phú Quốc Khởi Sắc Trở Lại

Publish date Friday. August 1st, 2014

Nghề Sản Xuất Nước Mắm Truyền Thống Phú Quốc Khởi Sắc Trở Lại

Huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đang vào mùa khai thác cá cơm, các tàu cá của huyện và nhiều phương tiện khác trong và ngoài tỉnh Kiên Giang đang tập trung đánh bắt cung cấp nguyên liệu cho nhà thùng sản xuất chế biến nước mắm trên đảo.

Theo ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, nghề nước mắm truyền thống Phú Quốc sau hơn một năm rơi vào tình cảnh lao đao khiến nhiều nhà thùng “treo thùng” thì nay đã hoạt động sản xuất ổn định trở lại và tiếp tục phát triển.

Hiện nay, tùy theo chủng loại và chất lượng, giá cá cơm dao động 8.000-12.000 đồng/kg, giảm 30-50% so với cùng kỳ năm trước.

Tình trạng thương lái mua gom cá cơm với giá cao để hấp, phơi khô, sấy khô hoặc chuyển đi nơi khác như trước đây đã giảm đáng kể, không còn gây “sốt giá,” thiếu nguyên liệu nghiêm trọng cho sản xuất chế biến nước mắm.

Ông Huỳnh Quang Hưng cho hay, vào thời điểm này năm 2013, giá cá cơm tăng gần gấp đôi so với hiện nay do thương lái Trung Quốc và các cơ sở chế biến cá cơm khô tranh mua, khiến cho nghề sản xuất nước mắm thiếu hụt nguyên liệu trầm trọng.

Nhiều doanh nghiệp nước mắm ở Phú Quốc không khả năng cạnh tranh về giá lâm vào khó khăn, thiếu nguyên liệu nên cơ sở sản xuất, có lúc chỉ hoạt động khoảng 50% công suất, thậm chí treo thùng.

Điều này dẫn đến sản lượng nước mắm Phú Quốc hơn nửa đầu năm nay giảm khoảng 30% so cùng kỳ năm 2013.

Hiện tình trạng thiếu nguyên liệu đã được khắc phục, giá giảm mạnh nên nhiều nhà thùng mua cá cơm ủ chượp chế biến nước mắm, tăng công suất hoạt động.

Đây là tín hiệu đáng mừng cho nghề sản xuất nước mắm truyền thống Phú Quốc hoạt động ổn định, khởi sắc trở lại và tiếp tục phát triển, nhất là đạt kế hoạch chế biến 11 triệu lít nước mắm (30 độ đạm) năm 2014.

Cũng theo ông Hưng, để nghề truyền thống nước mắm Phú Quốc phát triển ổn định, bền vững và hiệu quả trong thời gian tới, huyện tập trung đầu tư, tổ chức lại việc khai thác cá cơm trên ngư trường, gắn cơ sở sản xuất nước mắm với các đội tàu đánh bắt, nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu cung ứng cho nhà thùng.

Huyện cũng triển khai thực hiện các giải pháp bảo vệ, tái tạo nguồn lợi cá cơm để phát triển làng nghề và thương hiệu nước mắm Phú Quốc.

Tháng 8/2013, nước mắm Phú Quốc trở thành sản phẩm đầu tiên của các nước ASEAN được chính thức bảo hộ tên gọi xuất xứ tại 28 nước thành viên Liên minh châu Âu, là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được công nhận và bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại thị trường này.

Huyện đã tăng cường quản lý, kiểm soát và hướng dẫn cách sử dụng chỉ dẫn địa lý “Phú Quốc” đúng quy định cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nước mắm trên đảo; khuyến khích nhà thùng nâng cao chất lượng trong quy trình sản xuất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tạo dựng uy tín của nước mắm Phú Quốc trên thị trường trong và ngoài nước, đồng thời tăng cường đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái.

Cùng với việc đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu thương hiệu, sản phẩm nước mắm Phú Quốc tại các kỳ hội chợ tổ chức trong nước và thế giới, huyện giới thiệu với du khách quốc tế đến Phú Quốc và người tiêu dùng trong nước các tư liệu về quá trình hình thành, phát triển nghề nước mắm Phú Quốc và sản phẩm nước mắm Phú Quốc đặc trưng, thơm ngon độc đáo của đảo ngọc mà không nơi nào có được.


Để Thương Hiệu Măng Cụt Lái Thiêu Vang Xa... Để Thương Hiệu Măng Cụt Lái Thiêu Vang… Táo Mỹ Rẻ Như Táo Tàu? Táo Mỹ Rẻ Như Táo Tàu?