Tin nông nghiệp Nghệ xuất khẩu được mùa

Nghệ xuất khẩu được mùa

Author Bình Nguyên, publish date Wednesday. March 1st, 2017

Nghệ xuất khẩu được mùa

Vụ thu hoạch năm nay, diện tích trồng nghệ ở Đồng Nai tăng mạnh, lên đến cả  ngàn hécta. Nông dân trồng nghệ rất phấn khởi vì vừa trúng mùa vừa trúng giá. Suốt vụ thu hoạch, giá nghệ luôn ổn định ở mức tốt và thương lái đang về tận ruộng mua nghệ tươi với giá từ 5.500-5.700 đồng/kg, tăng khoảng 2 ngàn đồng/kg so cùng kỳ năm ngoái.

Trong ảnh: Công nhân sơ chế củ nghệ tại Cơ sở chế biến nghệ Phạm Thời (xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất).

Tuy đã bước vào cuối vụ thu hoạch nhưng các vựa thu mua, chế biến nghệ trên địa bàn tỉnh vẫn đang hoạt động hết công suất để kịp đáp ứng những đơn hàng xuất khẩu.

* Trúng mùa, trúng giá

Năm nay nhờ thời tiết mưa kéo dài nên năng suất cây nghệ đạt rất cao, trung bình từ 40 - 45 tấn/hécta, cao hơn từ 12-15 tấn/hécta so với năm ngoái. Niềm vui của nông dân được nhân đôi vì giá bán tốt. Ông Vũ Đức Hòa, nông dân trồng nghệ tại xã Đông Hòa (huyện Trảng Bom), vui vẻ khoe: “Vụ này, tôi trồng được hơn 5 sào nghệ (tương đương 5 ngàn m2) xen canh trong vườn điều nhưng nhờ trúng mùa nên vẫn thu được hơn 10 tấn nghệ. Từ đầu vụ, rất nhiều thương lái đã tìm đến tận vườn đặt mua nên nông dân khỏe lắm”. Theo ông Hòa, trồng cây nghệ chi phí đầu tư và công chăm sóc ít nên lợi nhuận đạt cao hơn hẳn so với nhiều loại cây hàng năm khác. Vài năm trở lại đây, giá nghệ bán ra khá tốt nên nông dân vùng này tận dụng đất vườn sẵn có trồng xen canh thêm cây nghệ. 

Ông Phạm Thời, chủ Cơ sở chế biến nghệ Phạm Thời (xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất), chia sẻ: “Từ đầu vụ đến nay, vợ chồng tôi lúc nào cũng tất bật đi mua nghệ của nông dân. Có những ngày tôi không có thời gian nghĩ đến chuyện cơm nước. Tuy cơ sở cung cấp giống và có cam kết bao tiêu nghệ cho nông dân với giá ổn định, nhưng thương lái khắp nơi đổ về quá nhiều, cạnh tranh nhau mua nên tôi vừa phải điều chỉnh giá tăng theo thị trường, vừa tập trung cân nghệ cho nông dân để không mất nguồn nguyên liệu”.

Ông Võ Văn Hoàng, chủ Cơ sở Võ Bích (xã Đông Hòa, huyện Trảng Bom), nhận định: “Nhu cầu thị trường về các sản phẩm từ củ nghệ ngày càng lớn. Vụ thu hoạch năm nay, cơ sở tăng thêm 30% sản lượng nghệ nhưng vẫn không đủ hàng cung cấp cho các tỉnh miền Nam và miền Trung. Không chỉ phân phối cho thị trường bán lẻ mà các công ty dược phẩm, mỹ phẩm... cũng ngày càng chuộng nguồn nguyên liệu này”.

* Rộng cửa thị trường

Theo giới kinh doanh, chế biến củ nghệ, chưa năm nào thị trường đầu ra cho cây nghệ tốt như hiện nay. Nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm từ nghệ cũng ngày càng đa dạng. Bà Nguyễn Thị Liên, nông dân nhiều năm trồng nghệ tại xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất), cho hay: “Không chỉ gia đình tôi mà họ hàng cũng trồng nghệ rất nhiều. Thấy tinh bột nghệ được thị trường rất chuộng, tôi đầu tư máy móc, bỏ công tự chế biến tinh bột nghệ để bán cho người dân trong vùng. Nghệ trúng mùa nên từ đầu vụ đến giờ tôi làm được khoảng 70kg tinh bột nghệ. Tôi vừa nhập một đợt vài tấn nghệ tươi để tiếp tục chế biến, tuy sản lượng tinh bột nghệ tăng hơn rất nhiều so với mọi năm nhưng hàng ra tới đâu vẫn bán hết tới đó”.

Cùng quan điểm trên, ông Phạm Thời cho biết thêm: “Từ đầu vụ đến nay, đơn đặt hàng về tới tấp nhưng cơ sở chủ yếu ưu tiên cho những bạn hàng quen vì nguồn cung không đủ cầu. Cơ sở đang tăng công suất chế biến để kịp đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu. Vài năm trở lại đây, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu đều tăng, nhưng kênh tiêu thụ chính vẫn là xuất khẩu”.

Dẫn chứng về nhu cầu thị trường xuất khẩu củ nghệ còn rất giàu tiềm năng, ông Lê Văn Tiên, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên nông sản Hoàng Dũng (huyện Xuân Lộc), so sánh: “Chỉ tính từ đầu tháng 2 đến nay, công ty đã xuất khẩu được trên 55 tấn bột nghệ sang thị trường Ấn Độ. Trong tháng 3, sản lượng xuất khẩu của đơn vị ước đạt khoảng 100 tấn, cao hơn rất nhiều so với các năm trước. Tuy đã cuối vụ nhưng tất cả các cơ sở thu mua, chế biến bột nghệ ở huyện Xuân Lộc vẫn đang hoạt động hết công suất vì lượng đơn đặt hàng từ Ấn Độ đưa về còn rất nhiều”.


Bắc Ninh: Mô hình trang trại cho hiệu quả kinh tế cao Bắc Ninh: Mô hình trang trại cho hiệu… Hà Giang: Tìm hướng tiêu thụ cam sành cho người nông dân Hà Giang: Tìm hướng tiêu thụ cam sành…