Mô hình kinh tế Ngô, Lạc Mất Mùa Vì Hạn Ở Nghệ An

Ngô, Lạc Mất Mùa Vì Hạn Ở Nghệ An

Publish date Saturday. May 12th, 2012

Ngô, Lạc Mất Mùa Vì Hạn Ở Nghệ An
Đi khắp vùng bãi dọc sông Lam huyện Hưng Nguyên, vùng đồi núi của Nam Đàn, hay những diện tích lạc vùng đất cát pha Nghi Lộc, tất cả là một màu vàng trắng do cháy của ngô, màu xanh héo rũ xơ xác của lạc. Đã lâu lắm, chưa bao giờ cây màu vụ xuân của tỉnh Nghệ An đối mặt với hạn hán khốc liệt và thiệt hại nặng nề đến thế.

Ông Phan Bá Vinh (xóm Hưng Thành - Nam Hưng - Nam Đàn - Nghệ An) đứng giữa vườn ngô, lạc xác xơ, mà lòng rối bời. Được chia đất trồng 1 sào ngô và 1 sào lạc, nhưng là vùng đồi núi khô cằn, từ một tháng rưỡi nay, cả hai loại cây trồng này đều gặp hạn.

Tuy nhiên, “nếu không có hai đợt nắng nóng khốc liệt vừa rồi thì dù không bằng mọi năm, cũng vẫn còn có thu hoạch. Đằng này, ngô vừa bắt đầu trổ cờ thì gặp hạn nặng, không thụ phấn được, nếu bình thường bắp ngô đã có hạt sữa, nhưng bây giờ cả ruộng ngô cháy xác xơ, hầu như không có bông. Lạc được trỉa từ đợt ra giêng, vừa nhú mầm lên đã gặp hạn, cây phát triển kém, đến lúc ra hoa thì nắng nóng 41 - 42 độ C, coi như mất trắng” - ông Vinh buồn bã cho biết.

Là xã vùng miền núi của huyện Nam Đàn, nên gặp hạn diễn ra khá thường xuyên ở Nam Hưng. Tuy nhiên, theo ông Phan Đình Sơn - Chủ tịch UBND xã, thì hạn vụ xuân nặng nề như năm nay là khá hiếm. Hạn xuất hiện ngay từ đầu tháng 4, nhưng hai đợt nắng nóng cao điểm đã làm toàn bộ 50 ha lạc và 40 ha ngô của 10/10 xóm trong xã mất trắng.

Ông Sơn cho biết: Bình thường những năm được mùa, năng suất ngô ở đây khoảng 45 tạ/ha, lạc 22 tạ/ha. Nếu không có hai đợt nắng đó, diện tích trồng màu của xã có khả năng đạt được 50% năng suất bình thường. Tuy nhiên, bây giờ hầu hết ngô đã bị cháy héo, lạc chết rải rác khoảng 5 ha, số còn lại tuy chưa chết hẳn nhưng cũng không có thu hoạch vì lúc ra hoa gặp hạn, độ ẩm chỉ có thể nuôi sống thân cây mà không đủ để cây phát triển, tạo hạt.

Đến thời điểm này, theo thống kê của huyện Nam Đàn, toàn huyện đã có gần 700 ha lạc, gần 350 ha ngô bị hạn, tập trung chủ yếu ở các vùng đồi tại các xã Nam Hưng, Nam Thái, Nam Nghĩa... Đi khắp các xã vùng đồi, thậm chí cả những vùng đất sét như Kim Liên, Nam Cát..., đến đâu cũng thấy những vạt ngô cháy vàng, lạc thì héo rũ.

Người dân cho biết: Mọi năm nếu có hạn hè thu, cũng phải đến khoảng tháng 5, tháng 6. Mặc dù nhiều vùng hạn quá, đất đai khô cứng không nhổ được phải dùng đến cày để cày đất lên lấy lạc, nhưng năng suất không bị ảnh hưởng vì lạc đã cho thu hoạch. Còn năm nay, lạc cũng có củ nhưng hầu như không có hạt, ngô thì bị cháy. Nếu những ngày tới, dù trời có mưa thì cũng không ăn thua gì, vì chỉ có tác dụng nuôi cây chứ củ không ra được nữa.

Xuôi về Hưng Nguyên, đi khắp một dọc các xã vùng bãi của huyện như Hưng Lĩnh, Hưng Long, Hưng Xá, Hưng Lam..., vùng bãi cách đây mươi ngày vốn phủ một màu xanh mướt mát của ngô, của lạc thì bây giờ xơ xác. Những vùng ngô trải dài toàn một màu vàng cháy nắng, cảm giác như chỉ cần một mồi lửa là sẵn sàng bùng cháy. Những ruộng lạc dù vẫn còn màu xanh nhưng héo rũ xuống như bị luộc.

Trên bãi, nhiều người dân đã cầm liềm đi cắt ngô và lạc non về làm thức ăn cho gia súc. Theo trưởng phòng Nông nghiệp huyện - ông Phan Văn Trường, thì hạn xuất hiện từ khoảng 10 ngày nay và các loại cây màu đã bắt đầu chết héo cách đây 5 ngày. Toàn huyện có 560 ha lạc thì hiện 450 ha lạc vùng bãi đều bị hạn. “Chưa bao giờ có một đợt hạn “lịch sử” như thế này. Nắng nóng gay gắt, nước sông xuống thấp, trong khi các xã vùng bãi lại có hàm lượng cát trong đất khá cao, thoát hơi nước mạnh, cây ngô và lạc không đủ nước nên bị héo, đến lúc gặp nắng nóng đã nhanh chóng bị táp cháy. Dù đã chỉ đạo gieo trồng sớm hơn ở vùng đất bãi để tránh nắng cuối vụ,thế nhưng đến lúc gặp nắng hạn, lại gặp lúc ngô bắt đầu vào chắc, lạc đang giai đoạn củ non, vẫn đang ở giai đoạn quan trọng quyết định đến năng suất. Đến thời điểm này, ước tính Hưng Nguyên đã mất 40% - 50% năng suất và sản lượng lạc, cây ngô đỡ hơn vì trồng ở triền thấp hơn và rễ sâu hơn, nhưng khả năng cũng sẽ giảm 30% - 40% năng suất và sản lượng. Nếu những ngày tới vẫn nắng hạn, không mưa thì thiệt hại sẽ còn tiếp tục tăng lên” - ông Trường lo lắng.

Được coi là địa phương chịu ảnh hưởng khá nặng nề từ đợt hạn hán khốc liệt này, hiện toàn bộ 3.700 ha lạc và 2.300 ha ngô của Nghi Lộc đều bị hạn. Ông Nguyễn Đức Thọ - trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Trong 3.700 ha lạc bị hạn, đã có 2.000 ha bị hạn nặng, tập trung ở các xã Nghi Lâm, Nghi Văn, Nghi Kiều, Nghi Trường… Hiện khoảng 500 ha coi như mất trắng, nếu thời tiết tiếp tục diễn biến như thế này trong mấy ngày nữa, khả năng diện tích lạc mất trắng sẽ tăng lên 1.000 ha. Ngoài ra, toàn bộ 2.300 ha ngô đang giai đoạn trổ cờ phun râu thì gặp lúc nhiệt độ lên đến 41 - 42 độ C, làm ảnh hưởng quá trình thụ phấn, ngô có bông nhưng hầu như không có hạt. Tại các xã vùng bán sơn địa, người dân đã bứt ngô làm thức ăn cho gia súc, theo thống kê, hiện Nghi Lâm đã phá hoàn toàn 50 ha ngô xen và 20 ha ngô thuần, Nghi Văn 200 ha ngô xen, 20 ha ngô thuần…

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT - ông Nguyễn Thọ cảnh, đợt hạn này xảy ra trước hết do thời tiết nắng nóng khốc liệt. Thống kê mới nhất đến ngày 9/5, toàn tỉnh đã có 24.778 ha cây màu bị hạn, nhiều huyện có diện tích hạn lớn như Tân Kỳ 3.300 ha, Thanh Chương 2.500 ha, Anh Sơn 2.300 ha. Trong thiết kế công trình thủy lợi, cây lạc thường trồng ở vùng đất bạc màu, đất cát ven biển, tỉnh không chủ trương dùng biện pháp tưới và công trình nhưng vẫn đưa ra giải pháp khá hữu hiệu, đó là biện pháp công nghệ, phủ nilon để giữ ẩm, chống hạn trong vụ xuân và chống trôi rửa ở vụ thu đông.

Thực tế, đây là biện pháp phát huy hiệu quả rất rõ ở những năm gặp hạn. Thế nhưng, ngoài Diễn Châu là địa phương thực hiện khá tốt việc che phủ nilon, thì tại các huyện khác vẫn còn nhiều hạn chế, dù tỉnh đã có chính sách hỗ trợ. Bên cạnh đó, ông Cảnh cũng khuyến cáo: Đối với cây ngô, trừ những diện tích vùng đồi núi được coi là bất khả kháng, các địa phương và người dân cần thực hiện tất cả các biện pháp như bơm dầu, bơm tát thủ công để lấy nước sông lên tưới cho ngô vùng bãi, vì với đặc thù sinh trưởng của mình, cây ngô chỉ cần được tưới ẩm là đã có thể phát triển.

Trồng Mía Trên Vùng Phèn, Mặn Trồng Mía Trên Vùng Phèn, Mặn Hội Thảo Mô Hình Canh Tác Mè Trên Nền Đất Lúa Ở Đồng Tháp Hội Thảo Mô Hình Canh Tác Mè Trên…