Ngư dân vẫn khốn khổ vì tín dụng đen
Thấp thỏm hệt chơi hụi
Gần 30 năm mưu sinh trên biển, ngư dân Trần Hiểu Văn (trú xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, Bình Định), chủ tàu BĐ 96561 TS (330 CV) vẫn đang đau đầu vì không tiếp cận được hợp đồng với doanh nghiệp (DN) nên phải bán thủy sản cho đầu nậu.
Anh Văn cho biết: “Giữa tháng 5 vừa rồi, tàu chúng tôi gồm 6 thuyền viên, đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa. Nếu cùng thời điểm đó, tháng trước giá cá ngừ đại dương được thu mua khoảng 90.000 đồng/kg thì cập bến chỉ còn 84.000 đồng/kg. Việc bán qua đầu nậu không chỉ bấp bênh về giá mà ngư dân còn chịu cảnh nguy hiểm giống hệt chơi hụi”.
"Ngoại trừ một số anh có máu mặt, hình thành từng đội tàu, bao luôn cả tàu hậu cần, có kinh tế vững may ra không dựa vào nậu. Anh em chúng tôi, thoát sao được”.
Anh Hồ Ngọc Phước
(chủ tàu ĐNa 90449)
Nhiều thuyền trưởng ở Bình Định cho hay, khi đang đánh bắt trên biển, đầu nậu trong bờ đã điện thoại trực tiếp cho chủ tàu để làm giá.
“Họ ở bờ gọi điện làm giá trước, chúng tôi là ngư dân đang mưu sinh trên biển có biết giá bao nhiêu là chuẩn đâu, chỉ nắm thông tin thị trường qua đầu nậu. Tàu cập bến chỉ mong bán được hàng, họ nói giá sao thì mình nghe vậy. Nếu hợp đồng với công ty sẽ chắc ăn hơn, vì bán cho đầu nậu giống như thuê họ ở lại lấy tiền giúp để mình ra khơi và họ sẽ ăn tiền hoa hồng. Bán xong nhiều ngày sau đầu nậu mới thanh toán đủ. Nếu đầu nậu thua lỗ họ viện đủ lý do như công ty chưa có tiền nên việc trả tiền cho chủ tàu chậm, phải chờ đợi… Chẳng may, đầu nậu ôm tiền chạy, chúng tôi lâm vào cảnh vỡ hụi”- anh Văn nói.
Theo ngư dân Nguyễn Văn Việt (Hoài Hương, Hoài Nhơn, chủ tàu BĐ 97244), cái khó hiện nay của ngư dân Bình Định là chưa có DN nào đứng ra thu mua sản phẩm trực tiếp cho ngư dân mà đều thông qua trung gian. Vì vậy, bắt buộc ngư dân phải bán cho nơi duy nhất là đầu nậu, từ đó phát sinh rất nhiều bất cập.
“Khi tàu bán sản phẩm xong, đầu nậu ứng khoảng 25% số tiền bán được để chủ tàu trang trải chi phí cho anh em lao động. Rồi sau đó, nếu nhanh thì 1 tuần, chậm có khi mất 1 tháng đầu nậu mới thanh toán đủ. Cũng có trường hợp ngư dân thiếu vốn, đầu nậu đầu tư trang thiết bị để chủ tàu tham gia đánh bắt và khi làm ra sản phẩm bắt buộc phải bán cho họ. Lâu nay, ngư dân đa số bán cho đầu nậu chứ không hợp đồng được với DN nên giá cả rất bấp bênh, khó kiểm soát. Chủ yếu những ngư dân tham gia đánh bắt theo chuỗi bằng ngư lưới cụ Nhật Bản mới được DN thu mua trực tiếp nhưng số lượng tàu này rất ít” - ngư dân Việt cho hay.
Lỗ, nhưng không thể bỏ
Ngư dân cập cảng cá Quy Nhơn (Bình Định) để bán sản phẩm cho đầu nậu. Ảnh: D.T
Khác với Bình Định, mặc dù ngư dân Đà Nẵng sống cạnh hàng chục nhà máy chế biến, xuất nhập khẩu thủy hải sản nhưng vẫn không thể vắng bóng đầu nậu. “Ngoại trừ một số anh có máu mặt, hình thành từng đội tàu, bao luôn cả tàu hậu cần, có kinh tế vững may ra không dựa vào nậu. Anh em chúng tôi, thoát sao được” - anh Hồ Ngọc Phước (chủ tàu ĐNa 90449) nói.
Phước từ xưa đến nay nổi tiếng làng biển Xuân Hà (Thanh Khê, Đà Nẵng) là tự làm tự ăn, không vay mượn ai, nhưng chỉ cần một cú tai nạn lãng xẹt vào năm 2011, tàu bị sét đánh ở Hoàng Sa, lập tức sa vào nợ nần.
“Muốn ra khơi phải tân trang tàu, sắm máy mới. Còn lao động nữa, thời buổi này họ làm cao lắm, mỗi lần đi bắt ứng trước 7 - 10 triệu đồng. Làm trừ dần, anh tính một tàu 12 người, mỗi người hết chục là 120 triệu đồng, rồi chi phí dầu đèn, gạo, gas, không vay chủ nậu thì lấy đâu. Mùa này cá mú ế ẩm tận cổ, nậu được thể càng ép. Cá đẹp còn đỡ, cá xấu xuống tận 5 giá. Nghĩ muốn bỏ biển, nhưng luật chơi thế rồi, phải chấp nhận thôi” - Phước nói.
Thuyền trưởng Phạm Văn Xinh - tàu ĐNA 90189 (Thanh Khê Đông), sau nhiều chuyến biển bầm dập, đầu năm 2010, anh Xinh mạnh dạn vay tiền đầu tư nâng cấp để đi câu mực xa bờ. Trong tay không có một đồng vốn, anh quyết định vay một vài chủ nậu gần nửa tỷ đồng. Chuyến mực đầu trúng lớn, nhưng dần dần, tỷ lệ ăn chia, rồi lãi vay lớn khiến anh không thể cầm cự, và bây giờ là cho thuê con tàu. “Làm gì có chuyện không tiền mà ra khơi nếu vắng chủ nậu. Dân biển, ai cũng cầm nhà hết rồi. Giờ đây muốn ra khơi phải vay thôi, luật rồi. Tui không đi nữa là vì không thể tiếp tục vay. Lãi lớn và tỷ lệ ăn chia, giá cả làm mình thấy thiệt thòi quá. Thôi thì gắng cho thuê, kiếm 20% trên mỗi chuyến, đủ trả lãi và chi phí. Chờ lúc nào đến thời sẽ quay trở lại biển”.
Giải quyết việc thương lái, đầu nậu ép giá là chuyện rất khó. Tại Bình Định có 5-10 đầu nậu thu mua sản phẩm của ngư dân. Hiện nay, các công ty thu mua qua đầu nậu vì họ ít người mà số lượng ngư dân thì quá đông. Nếu công ty mua trực tiếp 100 tấn cá bắt buộc phải gặp 5-10 ngư dân, trong khi đó cùng 1 số lượng nhưng khi mua đầu nậu thì họ chỉ cần tiếp xúc 1. Để giải quyết tình trạng trên, hiện nay, tỉnh đã cho xây dựng và bắt đầu hoạt động HTX Khai thác đánh bắt thủy sản Hoài Nhơn, tạo chuỗi liên kết hỗ trợ ngư dân.
Ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định
Để hỗ trợ ngư dân, hàng năm, các cấp Hội đã mở lớp và phối hợp mở khoảng 250 lớp dạy nghề trên lĩnh vực thuỷ sản với hơn 7.500 người tham gia. Phối hợp các ngân hàng tín chấp cho ngư dân vay vốn mua sắm ngư lưới cụ, cải hoán đóng mới tàu thuyền khoảng 200 tỷ đồng với gần 6.000 hộ vay, cho vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân 5 dự án với 1,15 tỷ đồng”.
Bà Lê Thị Kim Mai - Chủ tịch Hội Nông dân Bình Định
Cần tổ chức liên kết giữa các DN chế biến thuỷ sản và ngư dân, để DN có thể hỗ trợ vốn ứng trước và tiêu thụ sản phẩm giúp ngư dân. Tại các cảng cá, cũng nên hình thành một khu đấu giá cá, sau mỗi chuyến biển, ngư dân có thế đấu giá cá của mình, không bị tư thương ép giá. Để tháo gỡ phần khó khăn cho ngư dân, Hội cũng đang cố gắng xây dựng, tạo sự liên kết hỗ trợ dịch vụ ở cơ sở cho ngư dân như hỗ trợ xăng dầu, đá, các nhu yếu phẩm cho mỗi chuyến biển.
Ông Đặng Công Thắng - Chủ tịch Hội Nông dân Đà Nẵng
Thiết nghĩ Đảng, Nhà nước cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân, nhất là nguồn quỹ đầu tư, quỹ hỗ trợ ngư dân. Hai là cần có một hệ điều hành dưới dạng HTX, tập đoàn, có đủ các thành phần với từng nhóm người như ngư dân, những người chịu trách nhiệm hậu cần, cung ứng thức ăn. HTX này có đủ tư cách pháp nhân đứng ra vay vốn cho ngư dân. Nhà nước cũng cần có cơ chế hỗ trợ để những HTX này có thể tín chấp, vay được ngân hàng. Ba là cần có một hệ thống bảo hiểm rủi ro riêng cho nghề biển, bởi đây là nghề cực kỳ rủi ro.
Ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản Thuận Phước
Dũ Tuấn - Kim Oanh
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao