Người Đưa Vàng Từ Biển Vào Bờ
Có một “xã tỏi” ở Khánh Hòa chẳng khác gì những “xã tỏi” nổi tiếng ở huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Từ khi cây tỏi bén duyên, những vết tích cằn cỗi của cả một dải ven biển dần được xóa đi và thay màu áo mới…
Bén duyên vùng đất mới
Nói đến Lý Sơn, người ta thường nghĩ ngay đến thương hiệu tỏi Lý Sơn, đặc sản mà người dân ví là “vàng trắng”. Ấy vậy nên, thời đó người làm tỏi ở Lý Sơn có câu cửa miệng đùa đùa thật thật rằng “làm vua thua làm tỏi”. Nhưng rồi, thời gian trôi đi, tỏi Lý Sơn không còn độc tôn nữa, thay vào đó là điều kiện sản xuất trên đảo ngày càng khắc nghiệt, chi phí cao.
Diện tích trồng tỏi ở vùng đảo khó mở rộng, khi dân số ngày càng tăng, đặc biệt là lớp trẻ sinh sau đẻ muộn rất khó có chỗ để canh tác. Nhận thấy những khó khăn, và nguy cơ mai một của nghề tỏi, nhiều người con Lý Sơn, đặc biệt là những trung niên đã làm liều bỏ chốn đi tìm vận hội mới ở những vùng cát ven biển miền Trung. Trong số đó, anh Võ Ái Nhân có lẽ là người gặt hái được thành công nhất, nhiều “chiến tích” nhất trên những vùng đất mới.
Anh Nhân kể, năm 1994, anh ba lô trên vai đi dọc biển miền Trung từ Quảng Bình đến Vũng Tàu. Sau hơn 2 năm lăn lộn, đi đến không biết bao nhiêu bãi biển có cát để tìm nơi làm tỏi nhưng không kiếm đâu ra cái nơi có cát vôi - loại cát thích hợp nhất mà người Lý Sơn đang trồng tỏi.
Thế rồi, mãi đến một ngày cuối năm 1995 đầu 1996, khi giấc mơ đi tìm đất mới cho cây tỏi dường như khép lại, trên đường từ Vũng Tàu trở ra, may thay khi anh ghé đến xã miền biển Ninh Phước (thị xã Ninh Hòa) thì bắt gặp và nhận ra đó là vùng đất không có nơi nào tốt hơn để trồng tỏi. “Ngày đặt chân đến Ninh Phước, lộ ra trước mắt tôi là cả một cánh đồng cát vôi phẳng lì. Tôi bốc từng nắm cát lên như vui sướng đến tột cùng. Tôi biết rằng, kết quả 2 năm rong ruổi nay đã có chốn dừng chân, tôi muốn biến nơi đây thành một Lý Sơn thứ hai” - anh Nhân vui sướng kể lại.
Sau khi tìm được đất thích hợp để trồng tỏi, năm 1996, anh Nhân đưa vợ con cùng người cha vào lập nghiệp ở Ninh Phước, bắt đầu trồng thử nghiệm gần nửa hécta tỏi. Không phụ lòng người, ruộng tỏi gia đình anh xanh ngát giữa một vùng cát khô cằn. Người dân Ninh Phước tò mò, trố mắt nhìn vợ chồng ông Nhân thu hoạch hàng tấn củ tỏi trắng phau, thơm, cay dịu không thua gì tỏi ở đảo Lý Sơn. Thành công ngoài mong đợi, ông Nhân mở rộng diện tích trồng tỏi lên 1,2ha, thu lãi hàng trăm triệu đồng/vụ.
Không chỉ có tài trồng tỏi, anh Nhân còn là một thầy thuốc đông y tận tụy chữa bệnh giúp dân. Cũng chính nhờ nghề thuốc, anh Nhân càng có thêm điều kiện để vận động người dân Ninh Phước trồng “vàng”. “Ngày mới vào đây, cuộc sống còn bộn bề, ngoài thời gian lăn lóc trên những ruộng tỏi, tôi đi đến các gia đình để vận động họ cùng tham gia trồng tỏi, tuy nhiên, mấy năm đầu còn khó khăn lắm, vì dân chưa tin. Nhưng rồi, qua những vụ mùa bội thu, những lần khám chữa bệnh cho nhiều gia đình, có thời gian tiếp xúc, vận động nên nhiều người đã theo nghề trồng tỏi”, anh Nhân kể.
Làng nghề “kiểu mẫu”
Tin lành đồn xa, trong vòng hơn 10 năm qua, có gần cả trăm người dân Lý Sơn đã vào Ninh Phước để làm giàu từ... “vàng trắng”. Thấy hiệu quả, người dân địa phương cũng bắt tay vào làm tỏi, theo kinh nghiệm từ anh Nhân và những người dân Lý Sơn.
Đến nay, Ninh Phước có hơn 130ha ruộng tỏi cho thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm, cái quý hơn là Ninh Phước dần hình thành một làng nghề điển hình tại Khánh Hòa. Bây giờ đến Ninh Phước, nhìn những cánh đồng tỏi xanh tốt nằm bao quanh những căn nhà biệt thự, nhà cao tầng trị giá cả tỷ đồng thật khó nhận ra đó là vùng biển vốn khốn khó.
Ông Lê Minh Đến, một người dân ở thôn Ninh Yển, bày tỏ: “Trước đây người dân Ninh Phước sống nhờ biển, nhưng khi biển động thì việc kiếm miếng ăn khó khăn lắm. Từ ngày theo anh Nhân trồng tỏi, nhiều gia đình đã có nguồn thu ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi năm”.
Nếu như trồng tỏi ở đảo Lý Sơn phải vất vả tưới nước, bón phân, thì đồng tỏi ở Ninh Phước bây giờ đều được tưới bằng hệ thống phun sương thay cho sức người. Trồng tỏi công nghiệp với vốn đầu tư cao, từ 500 - 700 triệu đồng/ha, nhưng bù lại nhờ thuận lợi có điện, nước đầy đủ, nên phun tưới thoải mái, giảm công chăm sóc, tưới nước, vậy nên quanh năm suốt tháng, cây tỏi xanh tốt, năng suất đạt từ 7 - 8 tấn/ha. Anh Nguyễn Thế Cường, một người gốc Lý Sơn khoe: “Nếu giờ đường sá ở Ninh Phước được bê tông hóa, mở rộng thêm thì hàng trăm hộ trồng tỏi có thể mua ô tô”.
Mười năm, thời gian không dài để cây tỏi bén duyên trên vùng đất Ninh Phước, nhưng mảnh đất này đã thực sự thay đổi. Cây tỏi lên ngôi ở Ninh Phước đã làm đổi đời nhiều hộ dân nghèo. Song, dân trồng tỏi ở đây vẫn trăn trở là chưa xây dựng được thương hiệu “tỏi Khánh Hòa”.
Vì bấy lâu nay, thương hiệu tỏi Lý Sơn dường như đã quá lớn và nổi tiếng, vậy nên tỏi Ninh Phước, dù chẳng thua kém gì tỏi Lý Sơn là bao nhưng chưa được người tiêu dùng tiếp nhận mạnh mẽ. Vậy nên, hàng năm vào mùa tỏi, lại có chuyện tỏi Ninh Phước được thương lái ồ ạt thu mua và bán ra thị trường với mác “tỏi Lý Sơn”.
Với người dân, họ chỉ biết làm ra những sản phẩm ngon, chất lượng, còn chuyện xây dựng thương hiệu, thì đó là câu chuyện quá tầm tay, cần các ngành chức năng tiếp sức.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao