Mô hình kinh tế Người làm truyền thông sản vật

Người làm truyền thông sản vật

Publish date Friday. June 19th, 2015

Người làm truyền thông sản vật

Tốt nghiệp Đại học Đà Lạt, chuyên ngành tiếng Anh, Lê Linh Duy từ chối rất nhiều cơ hội làm việc tại các công ty nước ngoài với mức lương vài ngàn “đô” để đi tìm một hướng kinh doanh riêng liên quan đến nông nghiệp.

Anh Duy mở công ty lấy tên Tam Nông, bắt tay tạo dựng thương hiệu, làm truyền thông cho sản vật của nhiều địa phương…

Khởi nghiệp từ dịch sách

Năm 1999, sau khi ra trường, Lê Linh Duy chọn TP.HCM để lập nghiệp. Khi đó, với ưu thế về ngoại ngữ, Duy đã tạo dựng một công ty tư vấn về ngôn ngữ, dịch thuật và quảng cáo, với cái tên rất… Tây: Openlad và cũng là tiền thân của công ty Tam Nông hiện nay.

Thời điểm đó, Duy nhận tổ chức dịch thuật và tư vấn thương hiệu cho nhiều DN lớn của nước ngoài khi họ mới sang Việt Nam đầu tư, như Mercedes, Isuzu, Prudential, Siemens, Bảo hiểm Bảo Long, thậm chí còn phối hợp với chuyên gia người Australia làm hiệu chỉnh cho tờ báo Vietnam Investment Review.

“Lúc đó, vừa làm công ty, vừa chạy sô thêm bên ngoài, mỗi tháng tôi cũng kiếm được vài ngàn USD”, Lê Linh Duy nhớ lại. Cũng nhờ các chuyến chạy sô mà Duy tư vấn cho khá nhiều chương trình về nông nghiệp như “Tỷ phú nhà nông”, “Bệnh viện đa khoa”…

Đồng thời, anh còn nhận ra rằng, chưa có bất kỳ đơn vị nào làm thương hiệu sản vật vùng miền. Tuy nhiên, khi anh tư vấn hoặc đề nghị, đề xuất các chương trình về nông nghiệp thì người ta không thực hiện khiến anh cảm thấy rất tiếc.

Do vậy, Duy âm thầm tìm hiểu sâu và bắt đầu chọn những sản vật địa phương đặc thù như gà ác, chim cút, bồ câu, đến gà ta, vịt đồng, thịt bò tơ… để tự mình bắt tay xây dựng thương hiệu.

Big C là đơn vị đầu tiên nhập sản phẩm của anh với thương hiệu “gà ác Tam Nông” để bán. Mới đầu chỉ tiêu thụ 40 con/ngày, nhưng đến nay Tam Nông đã phát triển mặt hàng cung cấp cho các hệ thống siêu thị trên địa bàn TP.HCM như Metro, Co.opMart, Lotte Mart… với hàng chục ngàn con/ngày.

Trại gà Tam Nông

Đồng thời, hiện có 6 - 7 tỉnh cung cấp nguồn hàng cho Tam Nông. Các sản phẩm này luôn được thu mua với giá cao và ổn định. Đặc biệt, trong mỗi gói sản phẩm gà ta của Tam Nông đều kèm theo lá chanh và ớt - những gia vị mang hồn vía của món ăn Việt. Chính sự tinh tế này khiến người tiêu dùng càng ủng hộ và nhớ đến một thương hiệu mới.

Tương tự, các sản phẩm thực phẩm tươi sống khác đều được Duy tính toán từng chi tiết để làm sao người tiêu dùng tiện lợi sử dụng và hài lòng nhất.

“Khác với những thực phẩm công nghiệp khác, tôi muốn những đặc sản vùng, miền dù vào siêu thị cũng phải giữ được nhiều nhất hồn vía của nó. Đó chính là sức sống bền vững của sản phẩm và cũng là sự phát triển bền vững của công ty chúng tôi!”, Duy tâm sự.

Sau khi thành công với các sản phẩm chim cút, thỏ, gà ác, bồ câu... anh bắt đầu hướng sang thực phẩm từ các sản vật địa phương. Đồng thời, anh có kế hoạch xây dựng cho mỗi vùng, miền phải có một sản vật đặc trưng và có thể đi ra nước ngoài qua đường siêu thị. Chẳng hạn, chả cá miền Trung, bò tơ Củ Chi, gà ác miền Tây, nem Thủ Đức (TP.HCM)…

Đàn bò nhập đang phát triển rất tốt trong trại nuôi

Xa hơn, Duy còn tính chuyển sang làm thương hiệu các mặt hàng nông sản đang được xuất khẩu thô với số lượng lớn, như gạo, cà phê, hạt tiêu… Việc đầu tư trang trại bò, nai giống chất lượng cao tại Buôn Ma Thuột cũng đã bắt đầu.

Xây dựng thương hiệu sản vật

Sau nhiều lần hẹn, cuối cùng chúng tôi cũng có dịp được Lê Linh Duy dẫn đi tham quan thực tế khu trang trại bò, nai giống của Tam Nông, quy mô khoảng 4.500 m2, ở làng nghề Châu Sơn (thôn 3, xã Cư Êbur, TP.Buôn Ma Thuột).

Vừa đến tới cổng trang trại chúng tôi chứng kiến khung cảnh đàn bò, nai được nuôi nhốt theo từng khu riêng rất bài bản. Nhóm công nhân đang tập trung dọn dẹp vệ sinh chuồng trại và cho bò, nai ăn bữa cỏ chiều.

Nhìn cả trại giống với hàng trăm con bò, nai đều được quản lý theo quy trình chặt chẽ, có mã số bấm thẻ tai, con nào cũng khỏe mạnh sung sức và bắt đầu đến thời kỳ sinh sản. Chẳng kịp nghỉ ngơi, Duy vội bắt tay ngay vào công việc, rồi chỉ đạo nhóm công nhân gia cố lại khu vực chuồng trại mới để chuẩn bị nhập thêm giống về.

Duy tâm sự: “Từ hơn chục năm trước tôi đã từng ấp ủ ý tưởng về đầu tư phát triển nuôi nai công nghiệp đến bảo quản chế biến sản phẩm và xây dựng thương hiệu nhung nai, nhưng đến bây giờ mới có điều kiện để thực hiện. Triển khai dự án này sẽ giúp người dân giữ lại nghề truyền thống của địa phương cũng như có thể làm giàu được bằng nghề chăn nuôi".

Theo anh Duy, Châu Sơn nổi tiếng có nghề truyền thống nuôi nai và kéo dài từ trước giải phóng đến nay. Con nai cũng từng giúp rất nhiều hộ dân trở thành triệu phú, tỷ phú. Tuy nhiên, những năm gần đây nghề nuôi nai ở địa phương đang gặp bế tắc khi sản phẩm nhung nai không tiêu thụ được.

Sản phẩm mới nhung nai của Tam Nông sẽ ra mắt thị trường vào cuối năm nay

Thực tế, khi nai đực đến ngày vẫn phải cắt nhung nhưng không có ai mua nên đành phải bảo quản trong tủ lạnh. Nai con không bán được thì cũng phải làm thêm chuồng để nuôi, thậm chí nhiều hộ không đủ điều kiện nuôi đã chấp nhận bán rẻ cả đàn giống thành nai thịt.

Anh Lê Linh Duy cho biết, trang trại Tam Nông đã đi vào hoạt động từ giữa năm 2014, với quy mô khoảng 1.500 con giống bò, nai và phát triển theo cơ cấu đàn gồm 70% con cái và 30% con đực nhằm tạo nền giống tốt nhất và ổn định.

Đến nay, ở giai đoạn 1 đã triển khai nhập được 100 con nai giống địa phương và nhập khẩu được 140 con bò giống sinh sản từ Australia chất lượng cao về nuôi. Dự kiến, từ nay đến cuối năm 2016 sẽ phát triển đạt tổng đàn bò, nai theo dự định.

Đồng thời, công ty sẽ tiếp tục đầu tư thêm 2 trang trại ở quận Thủ Đức (TP.HCM) và tỉnh Tiền Giang nhằm phát triển thương hiệu sản vật các địa phương và giải quyết đầu ra cho người chăn nuôi.

Cầm trên tay vỏ hộp mẫu, Duy hào hứng khoe: Nhung nai không chỉ có giá trị kinh tế cao mà còn là một trong 4 loại danh dược quý “Sâm, nhung, quế, phụ” chữa nhiều bệnh. Chỉ cuối năm nay công ty sẽ kịp cho ra mắt những sản phẩm mới và lần đầu tiên có mặt trên thị trường Việt Nam với thương hiệu “Nhung nai Tam Nông”.

Để chuẩn bị sẵn nguồn thức ăn chăn nuôi, Duy đã đầu tư hẳn một cánh đồng cỏ (10ha) và trồng thêm bắp, đậu nành đồng thời đặt vấn đề thu mua thêm rơm khô, các loại phế phẩm nông nghiệp tại địa phương cho bò, nai ăn.

“Với điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật chăn nuôi bò, nai theo quy trình khép kín, chúng tôi sẽ dần phát triển nghề nuôi nai truyền thống và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nhung nai trên thị trường. Đồng thời, sẵn sàng chia sẻ nguồn giống tốt với người chăn nuôi ở địa phương hoặc thu mua lại con giống nếu họ không đủ điều kiện nuôi và muốn bán!”, anh Duy khẳng định.

Hỏi về lý do thôi thúc anh theo đuổi công việc làm thương hiệu cho sản vật, Lê Linh Duy bộc bạch: “Bản thân tôi xuất thân trong một gia đình nông dân, tôi không muốn chứng kiến người nông dân phải chịu cảnh bế tắc với những sản phẩm của họ làm ra bằng chính sức lao động chân chính và tôi cũng không muốn những sản vật quê hương bị mai một…!”.

“Có thể thấy, báo chí nói chung và Báo NNVN nói riêng đã có những ảnh hưởng tích cực đối với sự phát triển KT-XH, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nhu cầu của nông dân về thông tin, nhất là KHKT, giá cả thị trường rất cao.

Khi người nông dân “đói” thông tin sẽ rất khó phát triển sản xuất, rất khó nắm bắt nhu cầu thị trường. Vì vậy, làm sao để nông dân tiếp cận được nhiều hơn với báo chí truyền thông là điều không chỉ nông dân mà ngay cả chúng tôi, những doanh nghiệp cũng hết sức cần thiết”, anh Lê Linh Duy nói.


Ra đồng trong tâm thế mới Ra đồng trong tâm thế mới Yêu cầu bỏ 31 loại phí, lệ phí kiểm dịch thú y Yêu cầu bỏ 31 loại phí, lệ phí…