Mô hình kinh tế Người Nuôi Heo Treo Chuồng Vì Sợ Lỗ

Người Nuôi Heo Treo Chuồng Vì Sợ Lỗ

Publish date Tuesday. May 21st, 2013

Người Nuôi Heo Treo Chuồng Vì Sợ Lỗ

Tiền Giang có hơn 550.000 con heo và sản lượng thịt hơi hằng năm cung cấp cho thị trường trên 120.000 tấn. Tuy nhiên, giá heo hơi trên thị trường giảm mạnh một thời gian dài, khiến nông dân chăn nuôi trên địa bàn tỉnh thua lỗ nặng, nhiều hộ không còn khả năng tái đầu tư đành ngậm ngùi "treo chuồng".

Giá heo giảm: Người nuôi lo !

Những ngày này, chúng tôi đi đến các trang trại hay hộ chăn nuôi heo nào cũng nghe người dân than thở, ngao ngán vì giá heo quá thấp. Hiện tại, giá heo hơi trên thị trường chỉ còn 37.000 – 38.000 đồng/kg (đối với trang trại lớn) và 33.000 – 34.000 đồng/kg (đối với hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ), khiến người chăn nuôi rơi vào hoàn cảnh khó khăn, nợ nần chồng chất. Bà Nguyễn Thị Hồng, ấp 10, xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy cho biết hơn 10 năm nuôi heo, chưa thấy năm nào giá heo hơi lại xuống thấp hơn giá thành nuôi và lâu phục hồi như năm nay.

"Hiện tại, gia đình tôi có 30 con heo thịt chuẩn bị xuất chuồng nhưng với mức giá này thì không thể bán được. Nếu bán với giá 37.000 đồng/kg, sẽ bị lỗ vốn khoảng 500.000 đồng/con. Gia đình chỉ còn cách neo lại với hy vọng trong thời gian tới, giá heo hơi nhích lên để bớt thua lỗ" - bà Hồng bức xúc. Trước đây, khi giá heo ở mức cao, trang trại của bà Hồng lúc nào cũng không dưới 300 con heo thịt và heo nái; mỗi lần xuất chuồng 70 - 80 con heo thịt. Thời gian qua, giá heo liên tục xuống thấp, lỗ lã triền miên nên bà phải bỏ bớt 1 số ô chuồng và chỉ nuôi cầm chừng khoảng 150 heo thịt, nái. Theo bà Hồng, nếu giá cả vẫn thấp như hiện nay, bà và nhiều người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh còn tiếp tục thua lỗ.

Giá heo giảm mạnh, nhiều hộ nông dân rơi vào cảnh túng quẫn vì không biết xoay xở đâu ra tiền để trả cho chủ đại lý thức ăn, chưa kể một số hộ còn vay tiền ngân hàng, khiến cho khó khăn thêm chồng chất. Trang trại của bà Trương Thị Lệ, ấp Bình Phú, xã Bình Trưng, huyện Châu Thành có khoảng 900 con heo nái, thịt và heo con. Trung bình, mỗi tháng bà phải xuất bán trên 100 con heo thịt. Từ đầu năm 2013 đến nay, gia đình bà vay trên 1 tỉ đồng để sửa chữa trang trại và bù vào khoảng thua lỗ do nuôi heo của những năm trước. "Giá heo giảm 700.000 đồng/tạ so với tháng 8-2012 và giảm 300.000 đồng so với thời điểm Tết Nguyên đán. Giá heo giảm nhưng giá thức ăn lại tăng 20.000 đồng/bao 25 kg so với 3 tháng trước. Hiện mỗi con heo xuất bán với giá 38.000 đồng/kg, người nuôi phải chịu lỗ trên 500.000 đồng" - bà Lệ nói.

Không chỉ có các trang trại mà những hộ nuôi heo nhỏ lẻ cũng đang gặp phải cảnh lỗ vốn triền miên. Ông Nguyễn Văn Tâm, ấp Chà Là, xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy cho biết, trước đây thấy heo hơi có giá cao nên đã mua 13 con heo giống về nuôi, với hy vọng tăng thêm thu nhập. Nào ngờ đến khi xuất bán, giá heo hơi lại tuột dốc mạnh. Ông Tâm tính toán: "Mỗi con heo giống có giá trên 2 triệu đồng, cộng thêm chi phí thức ăn, tiền thuốc thú y khoảng 2,5 triệu đồng/con trong thời gian từ 4 - 5 tháng nuôi. Bình quân chi phí đầu tư cho mỗi con từ lúc nuôi cho đến khi xuất bán lên đến 4,5 triệu đồng. Nhưng heo bán chỉ được giá 35.000 đồng/kg, tính ra gia đình tôi lỗ 1 triệu đồng/con".

"Treo chuồng" vì sợ lỗ nữa

Thời gian trước đây, người nuôi heo phấn khởi vì giá heo hơi luôn ở mức cao, có lúc lên đến gần 55.000 - 58.000 đồng/kg, mang lại nguồn lợi nhuận hấp dẫn, đã đẩy mạnh hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh thêm sôi động. Nhưng đến thời điểm này, giá heo hơi biến động theo chiều hướng giảm dần, gây ảnh hưởng đến đời sống kinh tế nên nhiều người đã chọn cách "treo chuồng" là một giải pháp an toàn nhất để không tiếp tục lỗ vốn. Bà Hồ Thị Hà, ấp Mỹ Trinh B, Xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè cho biết: "Chưa có năm nào người nuôi heo phải lao đao như năm nay. Mọi năm, giá có xuống thấp nhưng ít ra cũng còn lời chút đỉnh, còn năm nay coi như trắng tay, thậm chí lỗ vốn nặng.

Nếu tình hình này kéo dài, chắc tôi phải bỏ chuồng để tránh rủi ro cho gia đình". Cùng cách nghĩ với bà Hà, ông Nguyễn Văn Hùng, ấp Chà Là, xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy cũng quyết định nghỉ nuôi heo một thời gian vì giá cả bấp bênh. Bao nhiêu vốn liếng, ông Hùng đổ hết vào 8 con heo thịt, nhưng vừa xuất bán, ông lỗ 8 triệu đồng. Một nghịch lý khác là giá bán heo hơi thấp, nhưng gá thịt heo ngoài chợ luôn "đứng" ở mức cao. Những tiểu thương kinh doanh thịt heo ở chợ lý giải rằng do họ mua từ thương lái giá cao, nên bán ra phải đảm bảo lợi nhuận, vì đã đến chợ thì đủ thứ chi phí, nào là thuế, kiểm dịch, tiền thuê sạp!

Trước tình trạng giá heo hơi liên tục giảm mạnh, tình hình dịch bệnh diễn biến khá phức tạp ở một số tỉnh, thành trên cả nước đã làm hàng loạt hộ chăn nuôi nhỏ lẻ buộc phải bỏ trống chuồng trại. Ông Nguyễn Vĩ Nhân, Chủ tịch Hội Chăn nuôi tỉnh Tiền Giang cho biết: "Người chăn nuôi cần có một giải pháp tốt nhất. Bởi một thực tế, giá heo lên cao thì người chăn nuôi ào ạt tái đàn, đến khi xuất bán thì giá heo lại giảm mạnh do cung vượt cầu. Cái vòng lẩn quẩn đó đã giết chết rất nhiều trang trại hay hộ chăn nuôi heo thời gian qua. Nhà nước chưa thể trợ giá để giúp người chăn nuôi mà người chăn nuôi phải phụ thuộc vào thị trường". Theo ông Nhân đã đến lúc, nông dân phải tự cứu mình bằng cách chuyển đổi nghề; còn nếu muốn tiếp tục nuôi thì phải giảm được chi phí, tăng năng suất và phải hội đủ các điều kiện như đất đai, vốn, có chuyên môn, hiểu được cơ chế thị trường…

Những năm gần đây có nhiều trang trại nuôi heo quy mô lớn được xây dựng, hướng đến một nền chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Tuy nhiên, người chăn nuôi luôn gặp khó khăn, hết dịch bệnh rồi đến hóa chất độc hại làm cho ngành chăn nuôi heo rơi vào cảnh khốn đốn. Tỉnh Tiền Giang cũng có chương trình phát triển ngành chăn nuôi giai đoạn 2011 - 2015 nhưng việc triển khai còn chậm và chưa thể "cứu cánh" được cho người chăn nuôi tỉnh nhà. Do vậy, rất cần gải pháp thiết thực hơn từ chương trình này để tạo động lực mới giúp người nuôi heo vượt khó.


Giải Pháp Cứu Người Nuôi Gà: Bế Tắc? Giải Pháp Cứu Người Nuôi Gà: Bế Tắc? Xóa Nghèo Từ Nuôi Dê Ở Ba Tri (Bến Tre) Xóa Nghèo Từ Nuôi Dê Ở Ba Tri…