Người Nuôi Lợn Ngại Tái Đàn
Khi hàng nông sản nào được giá, bán chạy, nông dân lại đổ xô vào đầu tư nuôi, trồng. Vậy mà lần này, giá thịt lợn cao ngất ngưởng, người chăn nuôi ở miền Bắc vẫn chẳng muốn tái đàn, hoặc nếu có cũng chỉ nuôi cầm chừng.
Từ một trang trại nuôi gần trăm nái lợn, vài trăm đầu lợn thịt đủ các lứa tuổi kế tiếp nhau, mỗi lần xuất chuồng cũng khoảng gần chục tấn lợn hơi, gia đình chị Nguyễn Thị Phượng (Nông trường Tam Đảo, Vĩnh Phúc) giờ chỉ còn gần 30 con lợn nái.
Chuồng “treo”, nuôi cầm chừng
"Hiện giờ giá thịt lợn có tăng cao, nhưng thức ăn chăn nuôi còn tăng cao hơn. Đầu vào cho nuôi lợn rất lớn, tính ra chẳng có lãi bao nhiêu, chưa kể sau đó có thể giá lại sẽ giảm đi thì lỗ là cái chắc" - chị Phượng cho biết.
Ông Lưu Công Hòa - Giám đốc Trung tâm Giống Nghệ An, cũng thừa nhận hiện nay tình trạng “treo” trại, bỏ chuồng là khá phổ biến. Những trang trại lớn thì giảm quy mô chăn nuôi, còn xu hướng những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì không thích nuôi lợn nữa, nhiều hộ đã bỏ hẳn.
Ông Trần Đăng Phôi ở thôn Thái Thịnh, thị trấn Hòa Mạc (Duy Tiên, Hà Nam), một hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nhưng có thời điểm cũng nuôi đến hơn 200 con lợn thịt và nái, vậy mà đã bỏ chuồng không 3 tháng nay. "Giá thức ăn tăng cao từ 30-35%, lãi suất ngân hàng từ 20-25% nhưng vẫn khó tiếp cận nên phải đi vay lãi ngoài với lãi suất đến 30%, giờ chúng tôi cũng sợ nuôi lợn lắm rồi"- ông Phôi ngao ngán. Còn anh Trần Văn Lưu (thôn Nam Sơn, xã Thiện Phiến, Tiên Lữ, Hưng Yên) trăn trở: "Người nuôi lợn chúng tôi chẳng khác nào quanh năm đi đánh bạc. Khi giá lợn cao thì chưa xuất chuồng được, đến thời điểm xuất chuồng giá lại xuống".
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, xu hướng chăn nuôi nhỏ lẻ giảm là khá rõ rệt, khoảng 15-20%, thậm chí có địa phương lên tới 30%. Tuy nhiên, ông Sơn cũng trấn an rằng, số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tuy giảm, nhưng số đầu lợn vẫn tăng. "Trước đây, hộ gia đình chỉ nuôi 1-2 con nhưng bây giờ các hộ nuôi ít nhất cũng từ 5-10 con trở lên"- ông Sơn cho biết.
Tiềm ẩn thua lỗ nếu... tái đàn
Ông Nguyễn Văn Ry - Tổng Công ty Chăn nuôi VN cho biết, giá lợn tăng cao hiện nay chủ yếu là do mất cân đối cung - cầu. Theo ông Ry, việc thành lập Quỹ Bình ổn giá thịt lợn là cần thiết nhưng khó có thể làm trong một sớm một chiều. Để giải quyết những vấn đề trước mắt cần phải đặc biệt chú trọng ưu tiên "đầu vào" như kiểm soát giá thức ăn, ưu tiên cung cấp điện nước, hỗ trợ cho vay ưu đãi đối với các chủ trang trại và nông hộ.
Hiện tổng đàn lợn của Hà Nam giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc tái đàn gặp khó khăn do thiếu vốn vì ngân hàng siết chặt tín dụng, lãi suất cao (25%). (Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nam)
Ông Lê Văn Hiển - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Thanh Hóa cho biết, có một nghịch lý là tình hình sản xuất đã tương đối ổn định, giá thịt lợn có lợi cho nông dân, nhưng tổng đàn lợn trên địa bàn lại giảm khoảng 3%. Một thực tế khác là hiện nay là giá lợn giống quá cao. Theo Cục Chăn nuôi, giá lợn giống từ tháng 1 đến nay tăng từ 35-43%.
Ông Nguyễn Thanh Sơn cảnh báo: "Nếu 6 tháng cuối năm thị trường trong nước thiết lập mặt bằng giá mới và có thể xuất hiện chiều hướng giảm từ cuối tháng 8, nhất là với mặt hàng thịt lợn hơi, thì người chăn nuôi có nguy cơ thua lỗ do giá giống đầu vào quá cao"
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao