Tin thủy sản Nguy cơ cạn kiệt nguồn cá đồng

Nguy cơ cạn kiệt nguồn cá đồng

Author Ngọc Quý, publish date Thursday. May 5th, 2016

Nguy cơ cạn kiệt nguồn cá đồng

Đến thời điểm này, hầu hết các ao, đìa tại vùng ngọt hoá của huyện U Minh (Cà Mau) đều đã khô cạn hoàn toàn nên môi trường sống của cá đồng gần như không còn. Không chỉ vậy, nhiều tuyến kinh, mương trên lâm phần lượng nước không còn nhiều nên cá đồng cũng kém phát triển, ảnh hưởng đến quá trình sinh sản khi mùa mưa đến.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Ấp 18, xã Khánh Thuận, huyện U Minh, được xem là một trong những hộ có nhiều năm khai thác và bảo vệ nguồn lợi cá đồng hiệu quả, năm nay gia đình ông phải khai thác cả cá giống vì nước không còn. Ông Tiến cho biết: “Những năm trước, sau khi khai thác tôi trữ lại nguồn cá giống cho mùa sau, nhưng mùa khô năm nay không thể nào để cá giống lại được vì các ao, đìa xung quanh nhà và các kinh, mương đã cạn, có bao nhiêu cá đành phải khai thác hết”.

Cũng là một trong những hộ dân được cho là quản lý tốt nguồn lợi cá đồng, nhưng những ngày này gia đình ông Huỳnh Văn Tiềm, Ấp 11, xã Khánh Thuận cũng tiến hành thu hoạch đợt cá đồng cuối cùng vì các kinh, mương trên lâm phần đang khô cạn. Ông Tiềm chia sẻ: “Hổm rày thấy trời chuyển mưa, tính ráng thêm vài bữa nữa nhưng chờ hoài có thấy mưa đâu. Các kinh ngày càng cạn, nếu không khai thác thì trộm cũng bắt hết, không thì cá cũng chết khi không còn nước. Mấy hôm trước bắt về thả vào đìa nuôi làm giống nhưng được mấy bữa thì đìa cạn, dùng mô-tơ điện bơm nước xuống cũng chẳng được mấy ngày nên đành khai thác chứ biết sao bây giờ”.

Không chỉ có ông Tiến, ông Tiềm mà hàng trăm hộ dân vùng ngọt hoá huyện U Minh cũng chịu cảnh tương tự. Những ngày này, ai có dịp về thăm lại các lâm phần xã Khánh Lâm hay Hợp tác xã 19/5, thuộc Ấp 20, xã Nguyễn Phích sẽ thấy cảnh khô cạn của các kinh, mương. Những nơi còn nước thì lượng cá cũng giảm đi rất nhiều so với những năm trước, do nước cạn nên người dân dễ dàng khai thác.

Anh Dư Hoàng Chơn, xã viên Hợp tác xã 19/5, cho biết: “Năm nay mùa mưa kết thúc sớm nên việc sinh sản của cá đồng cũng bị ảnh hưởng, rồi nắng hạn gay gắt nên lượng cá đồng giảm hơn rất nhiều so với mọi năm. Những năm trước, tháng này tôi vào rừng giăng câu một đêm kiếm vài ký cá là chuyện bình thường, còn giờ mỗi đêm cắm hơn 60 dây câu mà kiếm không được 1kg cá. Nếu tình trạng nắng nóng tiếp tục diễn ra thì lượng cá đồng năm sau chắc chẳng còn được bao nhiêu”.

Do lượng cá đồng giảm mạnh, luôn trong tình trạng hút hàng nên giá liên tục tăng cao. Hiện cá lóc loại 1 được bán với giá 120.000 đồng/kg, cá trê có giá 80.000 đồng/kg, riêng cá rô, mặc dù ốm nhưng vẫn được bán với giá 60.000 đồng/kg.

Qua đó cho thấy, nguồn lợi cá đồng đã và đang trở thành nguồn tài nguyên quý giá của huyện U Minh nói riêng và tỉnh Cà Mau nói chung nên cần được bảo vệ và phát triển trong thời gian tới. Thiết nghĩ, ngay từ bây giờ, chính quyền địa phương cần vạch ra hướng đi cụ thể cho con cá đồng để người dân có hướng đi đúng hơn và mở rộng diện tích. Ðặc biệt, phải có chính sách khuyến khích người dân khai thác, bảo vệ nguồn lợi cá đồng một cách hợp lý, đảm bảo đầu ra ổn định cho người dân. Có như thế con cá đồng không chỉ là mặt hàng chủ lực của huyện, của tỉnh, mà còn có thể vươn xa hơn trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Ông Ðinh Tấn Ðịnh, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện U Minh, cho biết: "Thời gian tới phòng sẽ tham mưu cho UBND huyện xây dựng, chuyển giao mô hình nuôi cá đồng cho người dân ở những vùng ngọt hoá nhằm bảo vệ và phát triển nguồn lợi cá đồng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Ðồng thời, tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia khai thác và bảo vệ nguồn lợi cá đồng một cách hợp lý. Phối hợp với các ngành có liên quan kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình khai thác cá đồng trái với quy định để nguồn cá đồng thật sự trở thành đặc sản của vùng đất U Minh Hạ”.


Nhiều hoạt động hỗ trợ, chia sẻ với ngư dân vùng cá chết Nhiều hoạt động hỗ trợ, chia sẻ với… Nuôi thủy sản thời hạn mặn Nuôi thủy sản thời hạn mặn