Nhà Nông Khóc Ròng Với Giá Ngô
Trong khi lượng ngô (bắp) nhập khẩu những tháng đầu năm tăng đột biến thì trong nước, nông dân nhiều nơi đang khóc ròng vì ngô vào chính vụ nhưng giá giảm mạnh.
Ngô nhập khẩu rẻ hơn ngô nội địa
Thông tin từ Trung tâm Tin học và Thống kê (Bộ NNPTNT), trong 3 tháng đầu năm 2014, lượng nhập khẩu các loại nguyên liệu chính làm thức ăn chăn nuôi tăng mạnh. Trong đó, nhập khẩu ngô 1,62 triệu tấn, trị giá 419 triệu USD, tăng gấp 3 lần về lượng và hơn 2 lần về giá trị so cùng kỳ năm ngoái. Riêng tháng 3, cả nước bỏ ra gần 107 triệu USD nhập hơn 417.000 tấn ngô. Brazil và Thái Lan là 2 thị trường chiếm hơn 80% tổng giá trị nhập khẩu.
Lý giải việc doanh nghiệp (DN) tăng nhập khẩu ngô trong quý I/2014, ông Lê Bá Lịch – Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho rằng, sử dụng ngô nhập khẩu để sản xuất thức ăn chăn nuôi thì DN không phải qua nhiều công đoạn xử lý phơi, sấy rườm rà như khi mua nguyên liệu trong nước. Giá nhập khẩu cũng tương đương, thậm chí thấp hơn giá ngô “nhà”.
Theo ông Lịch, từ sau Tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng thức ăn chăn nuôi trong nước có phần tăng do bà con nông dân tái đàn nhiều. Hơn nữa, tình hình thị trường nhập khẩu một số sản phẩm như tôm, cá tra… cũng có dấu hiệu phục hồi. Do đó, DN trong nước tăng nhập khẩu bắp, phục vụ phát triển sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Một nguyên nhân nữa là, giá ngô trên thế giới cũng đang giảm mạnh do vào chính vụ thu hoạch, DN tranh thủ nhập khẩu để giảm chi phí. Theo tính toán, giá ngô nhập khẩu hiện ở mức khoảng 5.400 đồng/kg, sau khi cộng với các chi phí khác như thuế nhập khẩu, cước vận chuyển, thậm chí cả ‘tiêu cực phí’ nữa thì về tới kho DN, giá ngô nguyên liệu 13% độ ẩm chỉ khoảng 6.300 đồng/kg.
“Trong khi đó, ngô thu mua tại ruộng hầu hết có độ ẩm trên 20%. Sau khi mua về, DN phải phơi sấy, đến khi đạt độ ẩm 14% thì giá đã đội lên 6.400 đồng/kg mà lại rất mất công, rườm rà phức tạp. Còn nguyên liệu nhập khẩu, DN chỉ cần ra cảng, xúc về là có thể chế biến ngay, tiện hơn rất nhiều” - ông Lịch giải thích.
“Đó là chưa kể các đơn vị đang đấu tranh để thuế VAT đối với sản phẩm ngô nhập khẩu bằng 0%, khi đó, giá ngô nhập khẩu sẽ còn rẻ hơn nữa. Dự đoán năm nay, có khả năng lượng nhập khẩu ngô sẽ tăng từ 15 – 20% so với năm ngoái” - ông Lịch thông tin thêm.
“Hàng nội địa” lép vế
Trong khi lượng ngô nhập khẩu cho sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản ngày một tăng thì trong nước, bà con trồng ngô lại khóc ròng vì giá ngày càng giảm, thương lái chậm mua. Ông Đoàn Văn Minh (ngụ ấp Nam Hà, xã Xuân Bảo, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai) cho biết, gia đình có gần 1ha trồng ngô lai, năng suất đạt xấp xỉ 12 tấn/ha. Vụ đông xuân này chỉ tại thu hoạch trễ vài ngày mà ông hụt mất khoản tiền gần 35 triệu đồng mỗi công (1.000m2) ngô.
Ông Minh cho biết, 2 tháng nay, giá thu mua ngô tại địa phương liên tục sụt giảm. Hồi đầu tháng Giêng, nông dân thu hoạch vụ ngô sớm bán được với giá từ 5.500 – 5.700 đồng/kg, hiện chỉ còn từ 5.000 – 5.100 đồng/kg. “Giá đã liên tục giảm mà thương lái còn kỳ kèo, mua rất chậm. Bà con không bán được phải phơi đi phơi lại nhiều ngày, rất mất công” - ông Minh cho biết.
Ông Nông Văn Quý (ấp Đồng Minh, xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) cũng đồng ý rằng, giá ngô đã giảm “sát nút” so với giá thành sản xuất. Theo đó, so với mùa vụ trước, tiền đầu tư hạt giống, phân bón, thuốc BVTV các loại… để trồng ngô hiện đã lên mức 3.500 – 3.700 đồng/kg, đó là chưa tính tiền thuê công phụ phun thuốc trừ sâu, bẻ bắp, công vận chuyển… Còn hộ nào thuê đất để sản xuất, coi như “chết chắc”. “Giá thu mua ngô mùa vụ 2013 còn ở mức 6.500 – 6.700 đồng/kg, đến nay, giá thu mua đã giảm khoảng 1.500 đồng/kg. Nếu cứ đà này, trồng ngô ra không bán được quá” - ông Quý tiếp lời.
Giải thích tình trạng giá ngô liên tục giảm, tiêu thụ chậm, anh Hai Chinh – một thương lái chuyên thu mua ngô tại các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Trảng Bom (Đồng Nai) cho biết, từ cuối năm 2013 đến nay, các “mối” ăn hàng của anh, phần lớn là các DN sản xuất thức ăn gia súc trong vùng, đều từ chối nhận hàng. Lý do họ đưa ra là ngô nhập khẩu về nhiều, giá rẻ hơn so với sản phẩm nội địa. “DN họ nói giá ngô trong nước cao hơn nhập khẩu, lại không đồng chất lượng nên chê” - anh Chinh cho biết.
Trong khi đó, GS - TS Bùi Chí Bửu – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam cho biết, năng suất ngô các tỉnh phía Nam hiện đang rất cao, đạt từ 7 – 10 tấn/ha. Hiện tại, cả nước đã có khoảng 1 triệu ha bắp, nếu năng suất tăng thêm được 1 tấn/ha thì sẽ không phải nhập khẩu bắp. Ngoài ra, khi năng suất tăng, chi phí giá thành cũng sẽ giảm, đẩy mạnh tính cạnh tranh của bắp nội địa.
“Vấn đề còn lại là các cơ quan chức năng phải có định hướng đầu ra cho nông dân, chứ như hiện nay nông dân trồng nhiều mà DN thì vẫn ào ào nhập khẩu cho sản xuất chế biến thì nông dân biết phải làm sao?” - ông Bửu phân tích.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao