Mô hình kinh tế Nhà Nông Năng Động

Nhà Nông Năng Động

Publish date Friday. January 2nd, 2015

Nhà Nông Năng Động

Chủ động tìm tòi, sáng tạo và chắt lọc những mô hình sản xuất mới lạ để có thể tạo ra các sản phẩm độc đáo thích ứng nhu cầu thị trường nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình, chính là sự năng động thường thấy đối với không ít nhà nông ở  Hậu Giang ngày nay.

Độc đáo trái cây tạo hình

Với lòng đam mê, cùng sự quyết tâm thực hiện mục tiêu sản xuất ra sản phẩm “độc nhất vô nhị” mà các nhà vườn trong Câu lạc bộ (CLB) sản xuất trái cây tạo hình ở ấp Phú Trí A (xã Phú Tân, huyện Châu Thành) đã nhanh chóng đổi đời. Theo đó, bằng cách tạo hình nghệ thuật, họ đã “biến” những loại trái cây thông thường gồm bưởi Năm Roi, dưa hấu; thậm chí là dùng để làm kiểng như đào tiên thành “chiếc bình hồ lô”, lộ rõ hai chữ vàng tài - lộc rất tinh tế, mang đậm nét phong thủy, ý nghĩa nhân sinh thiết thực nên đã làm thỏa mãn được nhu cầu chưng trên bàn thờ gia tiên của người dân mọi miền đất nước trong 3 ngày Tết cổ truyền dân tộc.
Ông Võ Trung Thành, Chủ nhiệm CLB, cũng chính là “cha đẻ” của bưởi Năm Roi hồ lô, kể rằng: “Trong lần thăm vườn, tôi tình cờ phát hiện ra trái bưởi kẹt giữa 2 nhánh cây mà vẫn lớn tự nhiên, đặc biệt là có hình dáng lạ mắt. Từ đó đã khơi gợi nên ý tưởng và ngày đêm thôi thúc tâm trí tôi đi đến quyết định thay đổi hình dạng cho loại trái cây đặc sản ngay trên mảnh đất quê nhà”.
Ngoài việc ngày đêm tìm tòi nghiên cứu để tạo ra sản phẩm mới lạ thì ông Thành đã chủ động đăng ký mẫu mã độc quyền về kiểu dáng khuôn bưởi hồ lô với Cục Sở hữu trí tuệ nhằm lưu truyền và phát huy giá trị trái cây truyền thống tại địa phương vào “mỗi độ xuân về tết đến”.
Đặc biệt là 3 năm qua, ông Thành còn hợp tác với Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu Nguyễn Gia ở Hà Nội tiến hành thử nghiệm kỹ thuật tạo hình bưởi Năm Roi bàn tay phật. Đến nay, đã thành công như mong đợi và ông cùng với đối tác thống nhất tên gọi cho sản phẩm này là “Bưởi Lễ Cát Tường”.
Theo ông Thành, tất cả khuôn mẫu để tạo hình “Bưởi Lễ Cát Tường” có hình hai bàn tay trên vỏ đều do công ty cung cấp cho nhà vườn sản xuất và tiến hành thu mua lại toàn bộ sản phẩm. Tính toán sơ bộ bước đầu, làm “Bưởi Lễ Cát Tường” sẽ giúp tăng lợi nhuận cho nhà vườn trên từng trái lên gấp 5 lần so với bưởi thông thường.
Chưa kể là các sản phẩm dưa hấu, bưởi hồ lô “tài - lộc”, rồi “phúc - lộc - thọ”, gần đây nhất là đào tiên hồ lô hứa hẹn sẽ mang lại khoản thu nhập mỹ mãn cho những nhà vườn tâm huyết với nghệ thuật tạo hình của CLB ngay trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 tới đây.
Ông Võ Hồng Quốc, thành viên CLB, cho biết: Hiện nay, đào tiên hồ lô được các doanh nghiệp đến từ TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Bắc hợp đồng bao tiêu hết sản phẩm với giá 400.000 đồng/trái. Như vậy, ước tính tết năm nay sau khi trừ chi phí, 1.500 trái đào tiên được định hình hồ lô có chữ nổi “Tài - Lộc” màu vàng, vốn được trồng từ các khoảng đất trống và đất dọc theo các mé liếp bưởi Năm Roi nhà ông sẽ thu về lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.
Hiệu quả mô hình kết hợp

Còn tại xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, vùng đất được xem là kém màu mỡ, khó phù hợp cho cây ăn trái phát triển, chỉ có cây tràm là sinh sôi. Từ đó mà nhiều nông dân đã nghĩ đến cách làm sao tăng thu nhập từ cây tràm. Ông Dương Thanh Bình, ở ấp 1 được xem là khá thành công với mô hình trồng tiêu dưới tán rừng tràm tại địa phương. Ông Bình tâm sự: “Khoảng 10 năm trước, khi được người quen cho 2 dây tiêu, tôi đem về trồng thử và cho trái nên từ đó mới có ý định trồng. Sau nhiều lần đi tham quan ở các nơi thấy tiêu rất dễ trồng nên mới mua giống và chiết được 170 dây về trồng thử nghiệm, nhưng số lượng sống cũng chỉ còn 70 dây tiêu và cho trái từ năm ngoái”.
Với 70 nọc tiêu cho trái, chỉ riêng năm rồi, ông Bình cho thu hoạch được khoảng 120kg tiêu hạt, giá bán 220.000 đồng/kg, tính ra có nguồn thu khoảng 20 triệu đồng. Hiện tại, ông đã trồng hơn 1.000 nọc tiêu trên diện tích khoảng 4.000m2 đất, trong đó có khoảng 300 nọc đang có bông và trái. Theo dự kiến năm sau, ông Bình sẽ thu về trên 250kg tiêu hạt để bán ra thị trường.
Không chỉ dừng lại ở việc bán tiêu hạt, năm qua, ông Bình còn bán trên 4.000 nọc tiêu giống với giá 6.000 đồng/dây cho người dân ở các vùng lân cận. Số lượng tiêu giống còn lại tại vườn cũng trên 10.000 dây được người dân ở vùng Phụng Hiệp và xã Long Phú, huyện Long Mỹ đặt mua với số lượng lớn. Hiện tại, dưới các mương, ông còn thả nuôi ốc bươu đen, cá sặc rằn..., năm sau sẽ cho thu hoạch.
Theo ông Bình, tuổi thọ của tiêu có thể kéo dài đến 20 năm, còn tràm càng lâu năm thì cây càng lớn, nếu kết hợp thì đến khi tiêu không còn cho trái thì người dân sẽ có thêm thu nhập từ bán cây tràm, tính ra có lợi đôi bề. Hiện tại, ông đã chuẩn bị đất để đặt thêm 500 dây tiêu giống và từng bước sẽ nhân rộng mô hình tràm - tiêu này ra diện tích đất của gia đình khoảng 3,5ha.
Theo Hạt Kiểm lâm liên huyện Long Mỹ - Vị Thanh, trồng tiêu dưới tán rừng tràm được đánh giá là mô hình hay để giúp địa phương giữ và phát triển diện tích rừng tràm.
Ngành đang có hướng nhân rộng mô hình này bằng cách hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ giống ốc bươu đen và cá sặc rằn để bà con thả nuôi trong vườn nhằm lấy ngắn nuôi dài, phát triển kinh tế gia đình. Ông Lê Hoàng Thái, Trưởng phòng Kinh tế huyện Long Mỹ, cho rằng: Trồng tiêu là mô hình không mới, nhưng kết hợp với cây tràm là cách làm mới của nông dân tại địa phương. Tràm là cây chịu phèn, rễ sâu hút nước và có khả năng lọc được phèn nên dây tiêu ít bị xâm hại bởi phèn, từ đó tiêu càng phát triển và tăng được hiệu quả trên cùng đơn vị diện tích canh tác.
Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Hậu Giang, cho rằng: Trong điều kiện cạnh tranh hàng hóa ngày càng gay gắt nên nông dân tỉnh nhà buộc phải năng động, sáng tạo, đoàn kết, hợp tác sản xuất đưa hàm lượng chất xám cao vào sản phẩm để thích ứng với nhu cầu thị hiếu và thị trường đa dạng như hiện nay.
Do đó, song song với việc chuyển giao khoa học kỹ thuật canh tác những mô hình sản xuất mới lạ trong và ngoài tỉnh thì cán bộ kỹ thuật khuyến nông luôn đồng hành, khuyến khích nông dân thực hiện các ý tưởng sản xuất do bản thân họ đúc kết được, góp phần tăng thu nhập cho gia đình như mô hình trồng tiêu leo cây tràm, hoặc kỹ thuật tạo hình trên trái cây nói chung đang phát huy hiệu quả kinh tế tích cực ở nhiều địa phương trong tỉnh.


Thêm Sức Sống Cho Đồng Ruộng Thêm Sức Sống Cho Đồng Ruộng Giá Bưởi, Quýt Đường Tăng Vào Cuối Năm Giá Bưởi, Quýt Đường Tăng Vào Cuối Năm