Mô hình kinh tế Nhắm Mắt Bắt Cua

Nhắm Mắt Bắt Cua

Publish date Thursday. August 21st, 2014

Nhắm Mắt Bắt Cua

“Con gì tám cẳng hai càng; không đi mà lại bò ngang cả ngày” - câu đố dân gian về con cua nay bỗng dưng trở thành thời sự tại xứ sở Cà Mau - nơi con cua biển đang “mang họa” vì cái tên “Trung Quốc”. Cách đây hơn một năm, con cua biển Năm Căn (Cà Mau) bầm giập vì thương lái thu mua quên trả tiền, nay người nuôi cua biển mang nỗi hàm oan “cua Trung Quốc” khiến con cua có nguy cơ “gãy càng” trước khi được công nhận thương hiệu quốc gia.

Khổ vì thương lái Trung Quốc

Còn nhớ tháng 5.2013, thương lái thu mua cua tại thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn (Cà Mau) mất ăn mất ngủ vì nghe theo lời của thương lái Trung Quốc thu mua cua với giá cao rồi không trả tiền. Xóm Miễu (thị trấn Năm Căn) – cái xóm nhỏ hình thành nghề mua bán cua nổi tiếng cả ĐBSCL như bị cơn bão quét qua mang tên thương lái Trung Quốc.

UBND thị trấn thống kê sơ bộ có đến 18 trại cua bị thương lái thu mua rồi không trả tiền với con số lên đến trên 10 tỉ đồng. Có trại cua bị thương lái Trung Quốc nợ đến 1,8 tỉ đồng. Đó là trại của anh Hùng, được mệnh danh là Hùng “cua”. Mất khả năng thanh toán, anh Hùng phải bỏ xứ ra đi. Theo một số lái cua, anh Hùng vì buồn chuyện nợ nần cộng với bực tức vì bị lừa, nên phát bệnh mà chết ở xứ người sau đó.

Bây giờ xóm Miễu không còn ai dám giao dịch trực tiếp với thương lái Trung Quốc, dẫu biết rằng thị trường Trung Quốc chiếm đến 2/3 lượng cua của tỉnh Cà Mau. Có được bài học này họ phải trả học phí bằng cả tài sản của mình tích cóp hàng chục năm.

Chi Thu - vợ của A Hủi, người Trung Quốc - thu mua cua lý giải: “Thật ra, vợ chồng tui hổng có lừa ai cả. Bởi vì mình ra mua sau người ta nên bắt cua giá cao hơn, vả lại áp lực từ phía Trung Quốc đề nghị thời gian ngắn phải giao đủ hàng nên mới lỗ vốn, mang nợ”.

Thấy nhân viên đang trói những con cua bằng những sợi dây nylon to đùng, trọng lượng có khi chiếm đến 1/4 con cua, chị giải thích: “Tùy theo đơn đặt hàng từ phía Trung Quốc mà chúng tôi trói dây như vậy. Giá cả phía người mua đã cho trước rồi, họ đưa ra quy cách trói dây như vậy, mình phải làm theo”. Hóa ra chuyện dây trói cua là như vậy, chớ nào phải thương lái gian lận.

Câu chuyện thương lái Trung Quốc vào Năm Căn thu mua cua mới lắng dịu thì đầu tháng 8 này, người nuôi cua Cà Mau lại đón một "áp thấp nhiệt đới" mới. Đó là thông tin cua Cà Mau giá chỉ 50.000 đồng/con được bán tràn lan ở Hà Nội, TPHCM. Giá rẻ đến mức người ta cho rằng đây là cua... Trung Quốc nên chẳng thèm mua ăn. Chi Thu chua chát: “Nào giờ tui nghe nói trái cây Trung Quốc, hàng tiêu dùng Trung Quốc chớ chưa bao giờ nghe nói cua Trung Quốc. Mà nếu như Trung Quốc họ có cua thì sang Việt Nam thu mua làm gì”.

Theo các thương lái tại Cà Mau, có đến gần 70% lượng cua được xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Gần đây, phía Trung Quốc hạn chế nhập khẩu nên mới bán trong nước. Còn chuyện cua Trung Quốc nào giờ họ chưa nghe. Hiệu ứng từ những mặt hàng Trung Quốc khiến người tiêu dùng vơ đũa cả nắm, khiến con cua Năm Căn thêm một phen bầm giập.

Tâm tư người trong cuộc

Chị Nguyễn Thị Thanh - chủ vựa cua Tư Tỷ ở khóm 1 (thị trấn Năm Căn) - lý giải: “Tui có xem trên truyền hình người ta nói cua Trung Quốc gì đó, nhưng theo tôi thì đây là những con cua óp mà người dân địa phương chúng tôi gọi là cua già hom. Tại đây, tôi mua loại này bằng giá cua xô với giá chỉ 60.000 đồng/kg. Nếu chuyển ra Hà Nội bán 50.000 đồng/con đã là quá lời rồi còn gì”. Tôi ngồi nghe, chăm chú ghi và... chẳng hiểu gì hết!

Trần Văn Bắc - cán bộ của Đài Truyền thanh huyện Năm Căn - lý giải: “Cua ở Năm Căn được chia ra làm nhiều cỡ khác nhau với giá rất khác nhau. Cua gạch thường 3 – 4 con/kg được mua với giá 260.000 đồng/kg; cua y được chia ra làm nhiều loại y nhất, y nhì; cua yếm vuông đều đồng giá với cua y khoảng 140.000 – 160.000 đồng/kg. Cua xô mà chị Thanh nói là con cua dạt, chẳng vào loại nào cả mặc dù nó rất to. Người không am hiểu về cua không thể lựa được cua ngon đâu!”.

Hóa ra lựa cua cũng lắm công phu. Thương lái Nguyễn Văn Hùng, quê huyện Cái Nước về Năm Căn thu mua cua thấy tôi ngẩn ngơ, anh cười chua chát: “Chúng tôi khổ sở bởi những người không hiểu gì về cua như các anh. Đời thuở nay tui chưa từng thấy con cua nào mà trước khi luộc không đâm chết mà còn nguyên càng, ngoe như hướng dẫn của một số anh nhà báo”.

Anh Nguyễn Văn Mây - chủ trại cua khóm 1 (thị trấn Năm Căn) - cam đoan: “Tui dám bảo đảm với anh, cua biển Năm Căn mà sôi bọt nước như xà phòng hay luộc chín thịt bở, đem đến bao nhiêu tui ăn hết cho. Cua Năm Căn nổi tiếng thơm ngon từ rất lâu rồi, làm gì có chuyện giá rẻ bất ngờ đến vậy”. Tôi hỏi vậy tại sao không hướng dẫn người tiêu dùng lựa chọn?”.

Anh Lê Hoàng Linh - Chủ tịch UBND thị trấn Năm Căn - lý giải: “Ngày 16.7, chúng tôi đã mời tất cả các trại cua ký thỏa ước thương hiệu tập thể cho con cua Năm Căn để lập hồ sơ tiến tới công nhận thương hiệu tập thể mang tên Cua biển Năm Căn, nhằm giúp người tiêu dùng truy suất được nguồn gốc, xuất xứ của con cua biển”.

Nỗi lo mình chẳng tin mình

Như vậy con cua biển sẽ có thương hiệu trong nay mai. Ngó con cua, rồi nhìn vào các loại thủy sản khác của vùng sông nước Cửu Long mới giật mình nhận ra rằng, từ lâu công tác này chưa được chú ý đến. Từ con mực ống, mực nang cho đến loại gọi là đặc sản là cá đuối đen, cá đỏ dạ, cá kèo, cá nâu cho đến cá ngát, cá thòi lòi... người tiêu dùng đã quá quen, nhưng soi kỹ chẳng tìm ra nguồn gốc của nó. Tất cả bởi vì chưa xây dựng thương hiệu cho các loại sản phẩm này.

Đem câu chuyện con cua và các loại thủy sản kể với ông Nguyễn Văn Hiện - Bí thư Huyện ủy Năm Căn. Ông Hiện trầm ngâm: “Thực tế con cua biển Năm Căn vẫn chưa đến nỗi như một số mặt hàng nông sản thực phẩm có yếu tố Trung Quốc nhập khẩu vào. Dù vậy nó ít nhiều gặp khó khăn trong tiêu thụ thị trường nội địa. Bởi ngoài xuất khẩu không được các thương lái bán tại thị trường trong nước khi chưa xây dựng cho mình hệ thống bán buôn đến bán lẻ phù hợp.

Rất khó trách những người ngồi lề đường, góc phố bán cua biển Cà Mau mà thực chất không phải là cua biển Cà Mau. Chúng tôi rất lo lắng người tiêu dùng quay lưng lại với chính những sản phẩm trong nước trước thông tin cái gì lạ đều cho là đến từ Trung Quốc”. Đồng quan điểm này, ông Tô Quốc Nam - Phó giám đốc Sở NNPTNT Cà Mau - tỏ ra lo lắng: “Khi dân của mình không tin vào sản phẩm do người nông dân mình làm ra là điều rất nguy hiểm”.

Bài học từ hệ thống bán lẻ của Việt Nam trước sự cạnh tranh của nước ngoài vẫn còn đó. Thị trường nội địa đối với các mặt hàng thủy sản của Việt Nam lâu nay gần như chưa chú ý đến, mà chăm bẵm cho việc xuất khẩu. Khi bán cho nước ngoài gặp khó mới giật mình nhận ra rằng cả một thị trường rộng lớn đang bị bỏ quên rồi quay sang bán tháo, bán đổ. Lý ra đây là cơ hội người bán và người mua gặp nhau, nhưng do thiếu thông tin thị trường vô tình làm hại sản phẩm trong nước vì thảm họa mang tên sản phẩm Trung Quốc.

Từ thực tế con cua biển Năm Căn, đã đến lúc cần chú ý đến thị trường tiêu thụ trong nước đối với các mặt hàng thủy sản vùng ĐBSCL. Để có được một thị trường tiêu thụ ổn định trong nước, trước tiên cần tạo lòng tin đối với khách hàng. Đừng vội nghĩ thị trường trong nước dễ tính, điều đó sẽ đẩy người tiêu dùng ra ngày càng xa hơn các sản phẩm thủy sản trong nước.


Ngao Chết Hàng Loạt, Ngư Dân Gặp Khó Ngao Chết Hàng Loạt, Ngư Dân Gặp Khó Gần 5.000 Máy Gặt Phục Vụ Sản Xuất Nông Nghiệp Gần 5.000 Máy Gặt Phục Vụ Sản Xuất…