Mô hình kinh tế Nhân Giống Cây Thủy Tùng Hành Trình Nhiều Gian Khó

Nhân Giống Cây Thủy Tùng Hành Trình Nhiều Gian Khó

Publish date Tuesday. January 27th, 2015

Nhân Giống Cây Thủy Tùng Hành Trình Nhiều Gian Khó

Là loài cổ thực vật có lịch sử phát triển hàng triệu năm nay, những cây thủy tùng ít ỏi còn sót lại trong tự nhiên đang có xu hướng thoái hóa, nhất là trong điều kiện sinh thái thay đổi như hiện nay.

Theo ghi nhận trong gần 40 năm qua, không có cây sinh trưởng mới khiến loài cây này đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Để bảo tồn và phát triển loài cây này thì việc nhân giống để trồng bổ sung là hết sức cần thiết; tuy nhiên việc nhân giống thủy tùng trong những năm qua vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.
Theo ghi nhận, thủy tùng trong tự nhiên hiện trên thế giới chỉ còn sót lại hai quần thể tại tỉnh Dak Lak. Đó là quần thể thủy tùng ở Ea Ral (xã Ea Ral, huyện Ea H’leo) và Trấp K’sơr (xã Ea Hồ, huyện Krông Năng) với số lượng 162 cây. Để bảo vệ loài cây quý hiếm này, năm 2012, Ban quản lý Khu bảo tồn loài - sinh cảnh thông nước (BQL) được thành lập. Dẫn chúng tôi đi tham quan quần thể thủy tùng Ea Ral, anh Thiều Giang Ly, Trạm trưởng Trạm quản lý bảo vệ thủy tùng Ea Ral nói vui: “Chúng tôi đang bảo tồn loài cây chết dần”.
Anh nói như vậy có cái lý của nó, bởi theo ghi nhận thì từ khoảng gần 40 năm trở lại đây, không có cây non nào được phát hiện. Trong khi đó, hầu hết các cây thủy tùng còn lại thì đang bị thoái hóa nghiêm trọng do già cỗi, sức sinh trưởng kém, cành nhánh thưa thớt, cây vẫn ra hoa, có quả và kết hạt nhưng hạt lép.
Anh Ly cho biết, trong những năm qua, đã có nhiều nhà khoa học trong và ngoài tỉnh tiến hành nhiều biện pháp như ghép, giâm hom, nuôi cấy mô để nhân giống loài cây này nhưng thành công mới chỉ ghi nhận ở trong phòng thí nghiệm, vườn ươm, còn khi trồng ra thực địa thì vẫn chưa phát triển được như kỳ vọng. Nhiều cây sau khi di thực từ vườn ươm đến trồng ở khu bảo tồn trong môi trường đất ngập nước (môi trường phù hợp với đặc trưng sinh trưởng của cây thủy tùng) đã chết.
Theo đó, từ khi thành lập khu bảo tồn đến nay, đơn vị đã trồng 130 cây thủy tùng ghép với cây bụt mọc nhưng hiện chết 50 cây, số còn lại phát triển rất chậm. Ngoài ra, còn trồng thêm 7 cây con thủy tùng nhân giống bằng phương pháp giâm hom (cắt một cành cây thủy tùng sau đó nhúng vào hóa chất nuôi trong phòng thí nghiệm cho ra rễ sau đó đưa ra thực địa trồng) thì sống được 4 cây nhưng phát triển rất chậm.
Tháng 7-2014, sau một thời gian mày mò nghiên cứu, anh Ly đã tiến hành thử nghiệm ghép mắt thủy tùng vào rễ thở của chính loài cây này, kết quả bước đầu những mắt ghép đã sống được, sinh trưởng phát triển tốt. Anh chia sẻ: “Tôi dùng một mắt ghép lấy từ một cây thủy tùng sống, rồi ghép vào rễ thở của cây thủy tùng mẹ. Những mắt ghép này sau khi liền vết ghép với rễ thở sẽ nhận được chất dinh dưỡng từ rễ thở sẽ nảy mầm, về lâu dài nếu chúng sinh trưởng và phát triển tốt sẽ đảm bảo thuần chủng 100%.
Dù mới trong quá trình thử nghiệm nhưng đã cho những kết quả khả quan, ở vị trí ghép vết thương liền nhanh, các chồi ghép đều nảy mầm và phát triển”. Đến nay, anh Ly đã tiến hành ghép 10 mắt thủy tùng vào rễ thở, trong đó có 4 mắt ghép phát triển cao khoảng 50 cm, những mắt ghép khác đã nảy chồi.
Dù bước đầu đã có những thành công từ việc ghép mắt thủy tùng vào rễ thở, tuy vậy, để những mắt ghép thủy tùng phát triển thành cây theo anh Ly còn nhiều vấn đề đặt ra và cần thời gian để kiểm chứng như: mắt ghép khi lớn lên có thể chịu đựng được những tác động vật lý của tự nhiên; rễ thở có đủ chất dinh dưỡng để nuôi lớn cây con… hay không?
Ông Trần Xuân Phước, Giám đốc BQL Khu bảo tồn loài - sinh cảnh thông nước cho biết, từ khi thành lập đến nay, BQL vẫn chưa có một dự án bài bản nào để nhân giống cây loài cây này, mà chủ yếu là các công trình nghiên cứu của các cá nhân đưa về đây trồng thử nghiệm, nhưng chưa mang lại kết quả khả quan vì một số phát triển tốt trong vườn ươm nhưng khi về đây trồng thực địa thì phát triển chậm, một số cây chết.
Để việc bảo tồn, nhân giống thủy tùng có hiệu quả đang cần một đề tài cấp Nhà nước, một dự án đủ lớn cả về tài chính lẫn khoa học kỹ thuật. “Mới đây, chúng tôi đã xây dựng đề án trình cấp trên xin kinh phí để đào tạo cán bộ, xây dựng vườn ươm, phòng thí nghiệm để nghiên cứu nhân giống loài cây này nhưng vẫn đang phải chờ phê duyệt”, ông Phước cho biết thêm.


Đồng Tháp Phòng, Chống Sâu Bệnh Gây Hại Lúa Đông Xuân 2014-2015 Đồng Tháp Phòng, Chống Sâu Bệnh Gây Hại… Xanh Um Những Vườn Tiêu Hội Phú (Bình Định) Xanh Um Những Vườn Tiêu Hội Phú (Bình…