Nhãn Hưng Yên mất mùa sau mưa bão
Theo Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hưng Yên, toàn tỉnh có gần 1.300 ha nhãn bị thiệt hại do mưa bão, trong đó hơn 550 ha thiệt hại trên 80% sản lượng quả, còn lại hơn 730 ha bị thiệt hại dưới 50%.
Thất thu lớn nhất là thành phố Hưng Yên với 800 ha trong tổng diện tích gần 900 ha nhãn đang cho thu hoạch bị thiệt hại nặng nề.
Ông Nguyễn Tuấn Cường, Chủ tịch UBND thành phố Hưng Yên cho hay, mưa bão đã làm các diện tích nhãn của thành phố bị rụng quả nhiều, sản lượng giảm tới 60% so với ban đầu. Thiệt hại về nhãn và một số hoa màu khác lên tới gần 500 tỷ đồng.
Theo người trồng nhãn ở phường Lam Sơn và các xã Phương Chiểu, Hồng Nam, Quảng Châu (thành phố Hưng Yên), tỷ lệ nhãn ra hoa đậu quả năm nay nhiều hơn các năm trước khoảng 20%. Tuy nhiên sau khi bão số 1 xảy ra, hầu hết diện tích nhãn chuẩn bị cho thu hoạch ở các xã Hồng Nam, Quảng Châu, Phương Chiểu, Hoàng Hanh, Tân Hưng và phường Lam Sơn bị bão tàn phá, với hơn 550 ha bị rụng quả, thiệt hại hơn 80% sản lượng, hơn 200 ha bị rụng từ 30 đến 50% lượng quả.
Ông Nguyễn Văn Lâm và nhiều hộ trồng nhãn ở thôn Nễ Châu, xã Hồng Nam cho hay, sau mưa bão, nhãn non gãy cành treo trên cây còn rất nhiều, quả khô và không vào cùi. Những cây không bị gãy cành thì quả nứt vỏ, thối đen và rụng do mưa lớn và kế tiếp là nắng gắt. Nhiều cây mới trưởng thành đến thời kỳ cho quả thì bị bật gốc nên quả hỏng hoàn toàn phải chặt bỏ.
Cùng với thành phố Hưng Yên, tại các huyện Tiên Lữ và Kim Động có 500 ha nhãn bị mưa bão làm thiệt hại từ 30 đến 50% sản lượng quả. Huyện Khoái Châu là nơi có diện tích nhãn lớn nhất tỉnh với hơn 1.500 ha nhãn cũng bị ảnh hưởng với hơn 10% lượng quả bị rụng.
So với các năm trước, thời điểm đầu tháng 8 là vụ thu hoạch rộ nhãn chính vụ, nhưng năm nay tại các vùng nhãn ở Hưng Yên mới cho thu hoạch nhãn chín sớm sản lượng không đáng kể. Hiện tại, nhiều hộ trồng nhãn vẫn đang phải khắc phục hậu quả mưa bão với các công việc như chặt bỏ, thu gom các cây nhãn bị gãy đổ, cắt tỉa các cành và quả non bị chết héo; chống buộc lại các cây bị đổ nghiêng và bổ sung thêm đất để đảm bảo chất lượng quả còn lại.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao