Mô hình kinh tế Nhân Rộng Các Mô Hình Kinh Tế Ở Ninh Sơn

Nhân Rộng Các Mô Hình Kinh Tế Ở Ninh Sơn

Publish date Tuesday. July 30th, 2013

Nhân Rộng Các Mô Hình Kinh Tế Ở Ninh Sơn

Thời gian qua, huyện Ninh Sơn đã triển khai nhiều mô hình kinh tế trong sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả, nhằm giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, cũng như góp phần đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa của địa phương.

Theo báo cáo của huyện Ninh Sơn, từ năm 2008 đến nay địa phương đã xây dựng và triển khai được trên 40 mô hình kinh tế trên nhiều lĩnh vực, tập trung chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp. Nhiều mô hình mới, đã tạo được sức bật trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và được nông dân áp dụng hiệu quả.

Đa số các mô hình khi triển khai đều đạt kết quả tốt, năng suất cao hơn từ 10-20% so với đối chứng như: thâm canh bắp lai SSC 586, NK66, NK67 năng suất đạt 8 tạ/sào; trồng thâm canh giống mỳ mới năng suất đạt 60 tạ/sào; cải tạo đàn bò, mô hình nuôi heo rừng lai, nuôi gà theo hướng an toàn sinh học; nuôi cá điêu hồng, cá bống tượng, cá trê lai, cá lăng nha…

Việc triển khai thí điểm, phát triển các mô hình cũng đã tạo được một số giống mới đã và đang trở thành cây trồng chủ lực của địa phương như: một số giống bắp lai, giống mía mới, giống mì cao sản… được bà con nông dân áp dụng và nhân rộng trong sản xuất.

Từ thực tế cho thấy thời gian qua trên địa bàn huyện đã có rất nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp khi triển khai cho giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi việc nhân rộng các mô hình vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đa số các mô hình được đầu tư triển khai dàn trải, manh mún, thiếu định hướng về thị trường để phát triển lên quy mô sản xuất hàng hóa, trong khi đó đầu ra của sản phẩm không được đảm bảo ổn định nên nhiều mô hình sau khi triển khai vẫn chưa được nhân rộng hoặc nhiều mô hình khi đã triển khai nhân rộng, nông sản của người nông dân làm ra vẫn còn rơi vào tình trạng “nằm chờ” dẫn đến thua lỗ trong đầu tư.

Điển hình như việc triển các mô hình nuôi cá thương phẩm (điêu hồng, trê lai, bống tượng…) tại xã Lương Sơn. Qua triển khai thí điểm các mô hình nuôi cá rất hợp với điều kiện của địa phương, cá nuôi phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt cao… theo tính toán sau khi thu hoạch sẽ mang lại giá trị cao gấp 2 đến 3 lần so với tổng vốn đầu tư. Nhưng trong thực tế các mô hình này cũng chỉ “thí điểm thành công” chứ nhân rộng ra rất khó với thực tế của địa phương.

Bà Vương Thị Lam, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lương Sơn, cho biết: Mô hình nuôi cá thương phẩm cho giá trị kinh tế rất cao nhưng cũng chỉ phù hợp với những gia đình có điều kiện đầu tư vì vốn khá lớn và cái khó nhất vẫn chính là đầu ra. Bởi những loại cá nuôi theo kiểu thương phẩm này nguồn tiêu thụ chủ yếu bán cho các nhà hàng, nếu bán lẻ tại các chợ nông thôn thì giá trị sẽ thấp.

Thực tế, không chỉ các mô hình sản xuất nhỏ lẻ bị “ế” đầu ra, ngay cả các mô hình cây trồng chủ lực của địa phương như: mía, mỳ hằng năm vẫn thường vấp phải tình trạng “được mùa mất giá”. Ngoài bị ảnh hưởng điều kiện tự nhiên, thì một phần cũng do việc bà con nông dân mở rộng diện tích ngày càng quá lớn trong khi sản phẩm làm ra vẫn chỉ phụ thuộc vào “sức thu mua” của các công ty trên địa bàn tỉnh.

Một vấn đề khó khăn nữa đó chính là khi triển khai thí điểm các mô hình, đa số các hộ nông dân đều được hỗ trợ về vốn, giống và kỹ thuật do đó nhiều nông dân tham gia mô hình khuyến nông chủ yếu cũng để được nhận hỗ trợ, vẫn còn tư tưởng ỷ lại và trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước nên sau khi kết thúc các mô hình thí điểm cũng không tiếp tục bỏ vốn để sản xuất, dù đã có hiệu quả rất cao bước đầu.

Bên cạnh đó, việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất tập trung, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất của nông dân còn chậm, cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, kênh mương thủy lợi… ở một số xã vẫn còn khó khăn nên cũng ảnh hưởng đến việc hình thành các mô hình hiệu quả mang tính chuyên canh tại địa phương.

Có thể nói, Ninh Sơn là một trong những địa phương có nhiều điểm sáng về các mô hình kinh tế, khuyến nông trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, để thực hiện có hiệu quả và ngày càng nhân rộng các mô hình kinh tế giá trị cao trong nông nghiệp, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, địa phương vẫn còn nhiều việc phải làm.

Ngoài việc tập trung củng cố và nâng cao chất lượng cán bộ khuyến nông cơ sở, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; cần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Bên cạnh đó, khi tiến hành xây dựng và triển khai các mô hình cần chọn các đối tượng phù hợp có ý chí quyết tâm vươn lên và phải có định hướng cũng như tạo được liên kết giữa người nông dân với các đơn vị, doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm của người nuôi, trồng.


Sử Dụng Phụ Phẩm Trong Nông Nghiệp Làm Thức Ăn Cho Bò Sử Dụng Phụ Phẩm Trong Nông Nghiệp Làm… Phát Triển Sản Xuất Ở Các Khu Tái Định Cư Huyện Bác Ái Phát Triển Sản Xuất Ở Các Khu Tái…