Mô hình kinh tế Nhân rộng mô hình chăn nuôi xanh

Nhân rộng mô hình chăn nuôi xanh

Publish date Tuesday. October 13th, 2015

Nhân rộng mô hình chăn nuôi xanh

Để định hướng người chăn nuôi hướng đến hình thức “chăn nuôi xanh”, nghĩa là tăng cường áp dụng các ứng dụng công nghệ sinh học vào chăn nuôi để vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa hạn chế được dịch bệnh;

Thời gian qua, tỉnh ta đã chú trọng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong xử lý chất thải chăn nuôi, như xây dựng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học; hỗ trợ xây dựng hầm biogas hoặc hầm xử lý chất thải chăn nuôi…

Hầm biogas tiếp tục được đầu tư xây dựng ở nhiều địa phương trong tỉnh.

Tính đến thời điểm này, sau 8 năm thực hiện Dự án “Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi Quảng Ngãi”, đã có 4.000 hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ xây dựng hầm biogas.

Cũng thông qua nguồn vốn từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường, đã có 2.000 hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh được hướng dẫn, lắp đặt hầm biogas để xử lý chất thải trong chăn nuôi.

Cách làm này vừa đem lại cho người dân nguồn khí đốt tiện dụng, vừa góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi gây ra, nhất là ở vùng dân cư đông đúc, tập trung.

Chia sẻ niềm vui khi được hỗ trợ xây hầm biogas, ông Nguyễn Thiệt, xã Long Hiệp (Minh Long) cho biết: “Nhà tôi nằm trong khu dân cư đông đúc và gần trường học.

Nên nếu không được hỗ trợ lắp đặt hầm biogas, chắc chắn chúng tôi sẽ không phát triển chăn nuôi được, vì lượng chất thải trong nuôi heo rất lớn, sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống của mọi người”.

Với mục tiêu nâng cao nhận thức, hướng dẫn người dân gắn chăn nuôi với bảo vệ môi trường, từ năm 2012 đến nay, Trạm Khuyến nông huyện Minh Long đã hỗ trợ cho 20 hộ gia đình tại xã Long Hiệp, Long Sơn... lắp đặt hầm biogas composite- loại hầm biogas bằng nhựa tổng hợp có thể di chuyển, thay đổi vị trí lắp đặt khi cần và tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân về hiệu quả của mô hình.

Bởi theo ông Nguyễn Linh Quý - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Minh Long thì các mô hình thí điểm này sẽ là "người thật, việc thật" cho các hộ dân trong vùng nhìn thấy được hiệu quả của việc sử dụng hầm biogas vào chăn nuôi.

Hỗ trợ hầm biogas cho các hộ chăn nuôi, không chỉ giúp người dân xử lý được chất thải vật nuôi, mà còn là giải pháp hữu hiệu để người dân miền núi thay đổi tập quán sản xuất- xây dựng chuồng trại kiên cố, thay vì thả rông như trước đây.

Định hướng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi, giúp người dân hướng đến chăn nuôi bền vững, Sở KH&CN cùng trạm khuyến nông các huyện cũng đã và đang áp dụng thành công mô hình nuôi heo bằng đệm lót sinh học.

Cách chăn nuôi mới này vừa giúp người chăn nuôi xử lý trực tiếp được chất thải vật nuôi thông qua đệm lót, vừa là giải pháp giảm thiểu được dịch bệnh cho vật nuôi.

Theo ông Võ Thanh Thoại - Giám đốc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KH - CN (thuộc Sở KH&CN):

“Theo lộ trình, từ nay đến năm 2016, trung tâm sẽ đảm nhận nhiệm vụ nhân rộng mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học tại địa bàn huyệnTư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức và Sơn Tịnh  nhằm giúp người chăn nuôi giảm chi phí, tăng lợi nhuận và hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường”.


Mô hình thâm canh cây mè trên đất lúa chuyển đổi ở Vân Canh triển vọng nhân rộng Mô hình thâm canh cây mè trên đất… Kiếm nửa tỷ đồng mỗi năm từ trồng bèo, nuôi gà Kiếm nửa tỷ đồng mỗi năm từ trồng…