Tin thủy sản Nhân rộng mô hình nuôi tôm kết hợp tại Bạc Liêu

Nhân rộng mô hình nuôi tôm kết hợp tại Bạc Liêu

Author Trần Thanh Hải, publish date Friday. May 29th, 2020

Nhân rộng mô hình nuôi tôm kết hợp tại Bạc Liêu

Thời gian qua, nông dân huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu đã hình thành được nhiều mô hình nuôi trồng kết hợp mang lại hiệu quả cao, trong đó có mô hình nuôi tôm sú – cua – cá và mô hình nuôi tôm sú – lúa – tôm càng xanh.

Thu hoạch tôm càng xanh trong mô hình nuôi ghép với lúa

Đây là 2 mô hình sinh thái, bền vững, phù hợp với trình độ canh tác và nguồn vốn  đầu tư của đa số nông dân.

Mô hình nuôi kết hợp tôm – cua – cá

Năm 2019, diện tích thả cua kết hợp với tôm sú tại huyện Phước Long là 13.300 ha. Theo đó, mùa vụ sản xuất và mật độ thả như sau: Tôm sú thả 03 vụ/năm, mật độ 2 - 3 con/m2; Cua thả 01 vụ/năm từ tháng 1- 6, mật độ thả 1-2 con/20m2; Cá thả 01 vụ/năm từ tháng 6 đến tháng 12, mật độ thả 0,5 – 1 con/20m2.

Mô hình cho năng suất như sau:

Tôm đạt năng suất đạt từ 140 - 150 kg/ha/vụ, lãi từ 10 - 30 triệu đồng/ha/vụ

Cua đạt năng suất 100 - 120 kg/ha/năm, lãi từ 10 - 20 triệu đồng/ha/năm

Cá đạt năng suất 800 – 1.000 kg/ha/năm, lãi từ 7 - 10 triệu đồng/ha/năm

Riêng năm 2019 có trên 90% số hộ thành công. Đây cũng là mô hình sản xuất chi phí đầu tư thấp, phù hợp với điều kiện canh tác của đa số nông dân có ít vốn sản xuất. Các đối tượng nuôi ghép hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình sinh trưởng và phát triển, thu được nhiều sản phẩm trên cùng diện tích, dễ tiêu thụ sản phẩm và hạn chế được rủi ro.

Điển hình thành công với mô hình này là ông Ngô Minh Kỷ ở ấp 1 B, xã Phong Thạnh Tây A. Ông Kỷ là một trong những hộ đầu tiên nuôi cua kết hợp với tôm sú ở huyện Phước Long. Với diện tích 02 ha, mỗi năm ông thu trên 130 triệu đồng, trừ chi phí ông lãi trên 90 chục triệu đồng. Không chỉ ông Kỷ còn rất nhiều hộ trên địa bàn huyện Phước Long khá lên nhờ mô hình tôm - cua - cá. 

Tuy nhiên muốn cho mô hình tôm - cua - cá phát triển và đạt hiệu quả cao thì bà con phải chú ý một số điểm sau: công trình nuôi phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật; mật độ thả ghép thích hợp (ví dụ: tôm 20.000 con, cua 1.000 con, cá: 10.000 con tính cho 1 ha/vụ), đối với tôm thì thả định kỳ 30-60 ngày/lần, cua và cá rô phi thả 1 lần/năm. Ngoài ra, để góp phần tăng hiệu quả và hướng đến sự bền vững của mô hình, bà con nên trồng cỏ lông tượng (năng tượng) hoặc các loài cây có giá trị kinh tế sống được trên đất tôm, chiếm khoảng 30% diện tích nuôi vừa làm nơi cho cua trú ẩn, vừa giúp cải thiện được đáy ao. Không sử dụng thuốc bảo vệ thực thực vật, thuốc cấm trong nuôi trồng thuỷ sản.

Mô hình nuôi kết hợp tôm - lúa - tôm càng xanh, trồng màu trên bờ liếp vuông tôm

Trong năm 2019, diện tích sạ lúa trên đất tôm của huyện Phước Long là 12.500 ha, thả tôm càng xanh xen với lúa là 7.100 ha. Mô hình này được thực hiện nhiều ở các xã: Vĩnh Phú Tây, thị trấn Phước Long, Phước Long và một phần xã Phong Thạnh Tây A.

Ưu điểm của mô hình này là sản xuất ngắt vụ nên hạn chế được mầm bệnh phát sinh trong ao. Khi sạ lại lúa, lúa sẽ hấp thu các mùn bã hữu cơ trong ao nuôi, các sản phẩm thải của tôm, cá giúp cải tạo lại ao nuôi. Thu hoạch được nhiều loại sản phẩm trên cùng diện tích sản xuất.

Mùa vụ sản xuất của mô hình: từ tháng 1 đến tháng 8 thả 2 vụ tôm sú, tháng 8 chuẩn bị sạ lúa kết hợp thả tôm càng xanh, trồng màu trên bờ liếp vuông tôm.

Mật độ thả nuôi: tôm sú (2 - 3 con/m2), tôm càng xanh từ (1 - 2 con/20 m2), lúa sạ: 7 kg/1.000m2.

Năng suất và lợi nhuận: Tôm sú thu 210 - 280 kg/ha (02 vụ), lãi từ 15 - 30 triệu đồng/ha/năm; Lúa bình quân từ  4 - 4,5 tấn/ha, lãi từ 12 - 16 triệu đồng/ha/vụ; Tôm càng xanh từ 100 – 150 kg/ha/vụ, lãi từ 8 - 15 triệu đồng/ha/vụ.

Qua số liệu thống kê, trên địa bàn huyện có khoảng 20 ha trồng màu trên bờ tập trung. Các đối tượng cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao như: khổ qua, bắp, bí đỏ, dưa hấu, đu đủ,… Sau khi trừ chi phí sản xuất, mỗi hộ lãi ròng gần 15 triệu đồng/1.000 m2 từ trồng rau trên bờ trong thời gian 3 tháng.

Hiện nay huyện Phước Long đang vận động nông dân bố trí sản xuất theo qui hoạch, đầu tư kỹ thuật, tạo sự phát triển hài hòa, bền vững của mô hình này. Để mô hình phát triển bền vững và đạt hiệu quả cao, bà con phải chú ý một số yêu cầu sau:  Khi bước vào thời vụ thả giống bà con phải tuân theo sự khuyến cáo của ngành chuyên môn, tiến hành cải tạo, thả giống, thu hoạch đồng loạt nhằm đảm bảo thời vụ sản xuất luân canh với lúa; Nên chọn những giống lúa chịu mặn, kháng bệnh, có thời gian sinh trưởng ngắn và cho năng suất cao; Đối với tôm càng xanh nên bố trí thả giống vào khoảng tháng 7 dương lịch, nếu thả tôm càng xanh trễ (vào khoảng tháng 8 – 9), thời gian nuôi ngắn, khi thu hoạch kích cỡ tôm càng xanh không được lớn, bán giá không được cao; Đối với cây màu phải biết nắm bắt thị trường, chọn loại rau màu phù hợp và hiểu biết kỹ thuật chăm sóc đối với từng loại cây trồng.

Hiện nay, tại huyện Phước Long, hai loại mô hình này đang phát triển mạnh mẽ và có sự thành công nhất định. Bà con đã tận dụng tối đa diện tích canh tác kết hợp các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế làm tăng hiệu quả sản xuất; đồng thời làm giảm thiểu sự rủi ro do độc canh tôm sú.


Nguyên nhân nào khiến xuất khẩu mực, bạch tuộc sang thị trường Hàn Quốc giảm sâu? Nguyên nhân nào khiến xuất khẩu mực, bạch… Trị rận biển trên cá hồi Trị rận biển trên cá hồi