Nhân Rộng Mô Hình Trồng Nấm Cần Sự Chung Tay Bốn Nhà
Dù đã phát triển hơn mười năm, nhưng mô hình trồng nấm rơm vẫn chỉ dừng lại ở xã Phú Lương (huyện Phú Vang - Thừa Thiên Huế). Nhân rộng mô hình trồng nấm, góp phần phát triển kinh tế là vấn đề cần quan tâm.
Xây nhà... nhờ trồng nấm
Tại thôn Lê Xá Đông, hầu như nhà nào cũng đều có từ hai đến ba vòm nấm rơm. Gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc làm ba vòm, có một vòm cho thu hoạch khoảng 30 kg. Với giá bình quân mỗi kg từ 50 ngàn đến 75 ngàn đồng, gia đình chị Ngọc thu được gần 1,8 triệu đồng. Mỗi vòm nấm từ khi ủ rơm đến khi ra sản phẩm và thu hoạch chỉ trong vòng 20 - 25 ngày. Mỗi năm gia đình chị Ngọc làm 24 vòm thu lãi từ 25 triệu đến 30 triệu đồng.
Nhờ nghề trồng nấm, nhiều hộ nghèo ở xã Phú Lương vươn lên khá, có điều kiện xây nhà kiên cố, mua sắm các phương tiện phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Gia đình chị Trương Thị Tằm ở thôn Lê Xá Đông trước đây là hộ nghèo. Nhờ trồng nấm, gia đình chị thoát được nghèo đã ba năm nay. Ngôi nhà mới xây kiên cố khá khang trang cách đây hai năm nhờ tích luỹ từ nghề trồng nấm là minh chứng. “So với trồng lúa và chăn nuôi lợn, trồng nấm rơm không đòi hỏi nhiều công sức, chi phí đầu tư không cao, lại có thể thu lãi gấp năm đến mười lần”, chị Tằm nói. Toàn xã Phú Lương hiện có trên 500 hộ trồng nấm rơm. Nơi có hộ trồng nhiều nhất là thôn Lê Xá Đông khoảng 200 hộ, sản lượng bình quân mỗi năm từ 80 ngàn tấn đến 100 ngàn tấn, doanh thu từ 4 tỷ đến 5 tỷ đồng.
Dễ mà khó
Gần 10 năm tích luỹ kinh nghiệm, nhưng người dân xã Phú Lương vẫn cho rằng trồng nấm tuy dễ mà khó. Dễ nhất là nguồn nguyên liệu rơm sẵn có sau mỗi vụ thu hoạch lúa. Các công đoạn làm vòm, ủ rơm, đạp rơm vào khuôn, gác khuôn lên vòm… đối với họ đã trở thành kỹ năng nên không mất nhiều thời gian, công sức. Bà con cũng đã có nhiều kinh nghiệm trong việc giữ nhiệt độ trong vòm đảm bảo cho nấm nảy mầm và phát triển tốt. Thời tiết quá nóng, bà con tưới nước thường xuyên để hạ nhiệt độ, còn quá lạnh thì đốt than để duy trì nhiệt độ theo yêu cầu từ 30 đến 320C… Theo chị Nguyễn Thị Ngọc ở thôn Lê Xá Đông, sản phẩm làm ra cũng rất dễ bán. Từ 4 giờ đến 5 giờ sáng hằng ngày, các lái buôn về tận từng nhà để hỏi mua nấm. Những ngày mồng một và ngày rằm giá nấm có thể lên đến 75 ngàn đồng/kg. Ngày thường, mỗi kg nấm giá bình quân khoảng 50 ngàn đồng.
Khó khăn lớn nhất đối với người trồng nấm là việc chọn vùng đất thích hợp với sự phát triển của nấm. Chị Nguyễn Thị Ngọc chia sẻ, gia đình chị làm ba vòm cùng trên một khu đất, ứng dụng các biện pháp, kỹ thuật sản xuất đều như nhau, nhưng năng suất có vòm rất cao, vòm rất thấp. Lâu nay người dân vẫn chưa sản xuất được nguồn meo giống để chủ động phục vụ sản xuất tại chỗ. Các hộ trồng nấm phải mua meo giống ở các tỉnh khác không đảm bảo chất lượng. Mặc dù tích luỹ nhiều kinh nghiệm, nhưng đến nay bà con vẫn không thể nhận biết, xác định được đâu là nguồn meo chất lượng, meo kém chất lượng. Đây cũng là khó khăn gây ảnh hưởng đến năng suất, hiệu quả sản xuất nấm của người dân. Ông Nguyễn Thụ, Chủ nhiệm HTX Phú Lương 1 cho hay, trong số trên 200 hộ trồng nấm của hợp tác xã vẫn có khoảng 20% số hộ đạt hiệu quả thấp và khoảng 10% hộ không hiệu quả.
Cần sự chung tay “bốn nhà”
Trưởng phòng Trồng trọt, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - ông Trần Quang Phước cho hay, trên địa bàn tỉnh có nhiều địa phương rất thuận lợi trong việc phát triển mô hình trồng nấm, như đất đai, khí hậu, nguồn nguyên liệu tại chỗ... Nhưng đến nay mô hình mới chỉ phát triển trong phạm vi xã Phú Lương và một số địa phương lân cận. Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, phạm vi hộ gia đình. Kỹ thuật sản xuất vẫn còn hạn chế nên chưa phát huy tối đa hiệu quả. Sản phẩm chủ yếu bán thô nên giá trị kinh tế thấp. Hệ thống tiêu thụ chủ yếu là các lái buôn tự do nên giá cả bấp bênh...
Để mở rộng và phát triển nghề trồng nấm trên đất Thừa Thiên Huế, rất cần sự chung tay của “bốn nhà” (nhà nông, nhà khoa học, nhà quản lý và nhà doanh nghiệp), trong đó Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đơn vị quản lý đóng vai trò “cầm chịch”. Ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương tổ chức khảo sát tiềm năng đất đai, quy hoạch vùng trồng nấm phù hợp. Sau khi khảo sát và chọn vùng đất, các ban ngành, địa phương tổ chức tham quan, chuyển giao kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm sản xuất cho người dân. Các ban ngành nghiên cứu tổ chức sản xuất nguồn giống meo tại chỗ, đảm bảo số lượng và chất lượng. Về lâu dài, các địa phương cần liên kết tổ chức sản xuất có quy mô lớn, nhằm tạo nguồn sản phẩm dồi dào đáp ứng nhu cầu thị trường và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Sản xuất gắn với tổ chức tiêu thụ sản phẩm và hướng đến việc xây dựng nhà máy chế biến tại chỗ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm là vấn đề cũng cần quan tâm.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao