Thống kê chăn nuôi Nhập khẩu thức ăn chăn nuôi tăng mạnh

Nhập khẩu thức ăn chăn nuôi tăng mạnh

Author Chu Khôi, publish date Tuesday. August 14th, 2018

Nhập khẩu thức ăn chăn nuôi tăng mạnh

Nhiều loại vật tư nông nghiệp tăng giá cao, gây bất lợi cho nông dân, người sản xuất nông nghiệp …

7 tháng đầu năm 2018, cả nước đã chi tới 17,83 tỷ USD để nhập khẩu vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản.

Trong 7 tháng qua, cả nước đã phải chi tới 2,2 tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, trong đó riêng nhập ngô đã tốn hơn 1 tỷ USD. Nhập khẩu vật tư nhiều đã khiến thâm hụt thương mại của ngành chăn nuôi quá lớn, lên tới 1,9 tỷ USD. Cùng với biến động tỷ giá USD/VND, thực tế này đang ảnh hưởng bất lợi cho sản xuất nông nghiệp.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong 7 tháng đầu năm 2018, cả nước đã chi tới 17,83 tỷ USD để nhập khẩu vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, riêng nhóm mặt hàng phân bón ước tính khối lượng nhập khẩu trong tháng 7 đạt 235 nghìn tấn với giá trị 66 triệu USD.

Sức ép lên các doanh nghiệp nhập khẩu

Tỷ giá tăng liên tục từ giữa tháng 7 đến nay đang gây sức ép rất lớn với các doanh nghiệp nhập khẩu trong khi nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lại mừng. Giá hàng hóa, và các nguyên phụ liệu cho sản xuất và hàng hóa trong nước nhập khẩu dự báo sẽ tăng mạnh…

Nhóm mặt hàng nguyên liệu thức chăn nuôi chứng kiến sự tăng rất mạnh về giá trị kim ngạch nhập khẩu, lên tới 2,2 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2017. Ba thị trường nhập khẩu chính của nhóm mặt hàng này là Argentina, Hoa Kỳ  và Brazil, chiếm thị phần lần lượt là 32,9%, 16,2% và 14,5%.

Nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng mạnh ở nhiều thị trường: từ Brazil tăng gấp 4,2 lần, Hoa Kỳ tăng 90,7% và Trung Quốc tăng 47,4%.  

Ước khối lượng đậu tương nhập khẩu trong tháng 7/2018 đạt 314 nghìn tấn với giá trị 138 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị đậu tương nhập khẩu trong 7 tháng đạt 1,15 triệu tấn và 504 triệu USD, tăng 12,4% về khối lượng và tăng 13,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Với mặt hàng ngô, ước tính khối lượng ngô nhập khẩu trong tháng 7/2018 đạt 333 nghìn tấn với giá trị đạt 72 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị ngô nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm 2018 đạt 5,22 triệu tấn và giá trị lên tới 1,06 tỷ USD, tăng 23,3% về khối lượng và tăng 25% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Đối với mặt hàng lúa mì, ước tính khối lượng nhập khẩu trong tháng 7/2018 đạt 363 nghìn tấn, tiêu tốn 85 triệu USD. Lũy kế khối lượng và giá trị lúa mì nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm  đạt 3,13 triệu tấn và 743 triệu USD, tăng 2,2% về khối lượng và tăng 16,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Ba nguồn cung cấp lúa mì chính là Nga, Úc và Canada với thị phần lần lượt là 46,5%, 29,4% và 8,3%.

Việc tốn quá nhiều ngoại tệ để nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đã khiến thâm hụt thương mại của ngành chăn nuôi ngày càng trầm trọng. Bởi, giá trị xuất khẩu nhóm các sản phẩm chăn nuôi vẫn rất thấp, chỉ đạt 44 triệu USD trong tháng 7/2018 ước đạt 44 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu nhóm hàng này 7 tháng đầu năm ước đạt 305 triệu USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2017. Hiện ngành chăn nuôi nhập siêu 1,9 tỷ USD.

Tác động từ tỷ giá USD/VND

Do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung và Trung Quốc giảm giá đồng Nhân dân tệ, tỷ giá USD/VND đã tăng mạnh trong thời gian qua. Từ 3/8, tỷ giá trung tâm lập đỉnh mới khi được cơ quan điều hành tăng 10 đồng so lên mức 22.676 đồng. Các ngân hàng cũng tăng giá bán USD từ 20-30 đồng. 

Tại thị trường tự do, tỷ giá USD/VND được giao dịch ở mức 23.500 đồng ở chiều mua vào và 23.520 đồng ở chiều bán ra. Đây là những mức giá cao nhất từ trước đến nay.

Ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam cho hay, đồng USD tăng giá khiến chi phí nhập khẩu thức ăn chăn nuôi tăng và không còn cách nào khác, nhà máy buộc phải tăng giá bán cám. 

Theo ông Bình, hiện giá lợn hơi cao, tới trên 55.000 đồng/kg, người nuôi có lãi, giá gà cũng tương đối nên việc nhà máy tăng giá cám chút ít cũng được thị trường chấp nhận. 

Tuy nhiên, theo ông Bình, có thể giá cám chưa tăng ngay trên thị trường, bởi các doanh nghiệp sẽ cân đối với nguồn nguyên liệu tồn kho trước đó nhập về với giá rẻ hơn trước đó. Mặt khác, hiện trên thị trường, một số nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như ngô, đậu nành… cũng có xu hướng giảm nên cũng đỡ ảnh hưởng.

Thị trường phân bón cũng đang biến động. Theo ông Vũ Duy Hải, Chủ tịch Công ty Cổ phần Vinacam – một doanh nghiệp nhập khẩu phân bón lớn cũng cho rằng, tỷ giá lên cao, đương nhiên nhập khẩu sẽ bất lợi. Lúc này giá phân bón thế giới đang cao, Việt Nam lại áp dụng thuế phòng vệ với DAP, phụ thu thêm 6% với urê, DAP… 

Do vậy, với những mặt hàng trong nước sản xuất được như DAP, urê tới đây có thể lượng nhập khẩu sẽ giảm, còn với các mặt hàng trong nước chưa sản xuất được là kali, SA vẫn phải nhập khẩu, và người tiêu dùng sẽ phải chịu với mức giá cao hơn.

Bà Nguyễn Thị Tiêu, Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Hà Anh cũng cho rằng, USD cao giá so với tiền Việt sẽ đẩy giá phân bón lên theo dạng “nước nổi, thuyền nổi”. Với tác động hiện nay, giá phân bón trên thị trường có thể tăng khoảng 200 đồng/kg trong thời gian tới.

Nhiều chuyên gia dự báo, trong nửa cuối năm 2018, tỷ giá USD/VND sẽ còn tiếp tục xu hướng tăng. Việc này tuy có lợi cho xuất khẩu, nhưng lại gây bất lợi cho nhập khẩu trong bối cảnh nhiều vật tư nông nghiệp vẫn lệ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu như hiện nay. Khi giá vật tư nông nghiệp tăng cao, sẽ gây bất lợi cho nông dân, người sản xuất nông nghiệp vì đẩy giá thành sản xuất nông sản tăng cao.


Thị trường nguyên liệu - Lúa mì tăng hơn 1% Thị trường nguyên liệu - Lúa mì tăng… Thị trường nguyên liệu - Lúa mì giảm Thị trường nguyên liệu - Lúa mì giảm