Mô hình kinh tế Nhập khẩu thực phẩm ồ ạt người chăn nuôi thêm khó khăn

Nhập khẩu thực phẩm ồ ạt người chăn nuôi thêm khó khăn

Publish date Wednesday. August 19th, 2015

Nhập khẩu thực phẩm ồ ạt người chăn nuôi thêm khó khăn

Cầm cự hoặc ngừng nuôi

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN& PTNT), 6 tháng đầu năm 2015, cả nước nhập khẩu 2.678 tấn thịt lợn, giá trị hơn 5 triệu USD, tăng 62,7% về lượng và tăng 66,4% về giá trị; 65.925 tấn thịt gà, giá trị hơn 60 triệu USD, tăng 53,4% về lượng và 30,3% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi số lượng thịt nhập khẩu có xu hướng tăng thì giá lợn hơi tại nhiều địa phương đang sụt giảm, khiến người chăn nuôi bị lỗ.

Để đối phó với tình trạng này, người chăn nuôi chọn cách giảm đàn, chuyển sang nuôi lợn sinh sản để cầm cự hoặc ngừng nuôi (để cắt lỗ). Tại miền Nam, giá lợn đã giảm khoảng 4.000 đồng/kg so với tháng 6, hiện giá bán 41.000 - 45.000 đồng/kg, còn tại miền Bắc giá đang dao động khoảng 47.000 - 48.000 đồng/kg. Với sản phẩm thịt gia cầm, hiện ở nhiều địa phương cũng giảm mạnh do chi phí đầu vào tăng và do lượng thịt nhập khẩu giá rẻ về nhiều. Hiện giá thu mua gà thịt lông màu tại các trại ở các tỉnh Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long đang ở mức 31.000 - 33.500 đồng/kg, giảm 9.500 - 12.000 đồng/kg so với tháng 5.

Trong khi ngành chăn nuôi trong nước đang gặp khó khăn ở khâu tiêu thụ, việc nhập khẩu thịt vẫn diễn ra ồ ạt. Trong khi đó, ở các nước có nền chăn nuôi phát triển, giá thành sản phẩm luôn thấp hơn so với Việt Nam 30 - 50%. Việc nhập khẩu thịt động vật về Việt Nam đang tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt.

Thiết lập hàng rào kỹ thuật (?)

Các chuyên gia cho rằng, sản phẩm chăn nuôi trong nước sẽ chịu áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt với hàng nhập khẩu, do đó, trong thời gian tới nên tập trung sản xuất theo hướng bảo đảm an toàn vệ sinh thú y, phòng trừ dịch bệnh; đột phá về công tác giống và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất... để tạo ra đàn giống tốt. Bên cạnh đó, thúc đẩy, phát huy vai trò của HTX, chi hội, hội chăn nuôi trong liên kết nhằm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, đặc biệt trong việc sử dụng các thức ăn sinh học, thảo dược nhằm cải thiện môi trường chăn nuôi, nâng cao chất lượng thịt, tạo sản phẩm khác biệt với sản phẩm ngoại nhập; liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào cho sản xuất để giảm chi phí; phát huy hiệu quả chăn nuôi gà thả vườn, đồi, lợn đặc sản, bản địa để đáp ứng thị trường thiên về thịt tươi...

Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Tống Xuân Chinh cho biết, việc nhập khẩu thịt từ nước ngoài vào Việt Nam là vấn đề tất yếu khi tham gia hội nhập nhưng phải kiểm soát nhập siêu để thúc đẩy sản xuất trong nước chứ không thể để tê liệt. Ngoài ra, cần thiết lập hàng rào kỹ thuật nhằm hạn chế, giảm nhập khẩu sản phẩm kém chất lượng.

Để làm được việc này, đòi hỏi phải có phòng thí nghiệm khoa học công nghệ để bảo đảm tất cả các mặt hàng nhập khẩu về Việt Nam, đặc biệt các loại thịt gia cầm, bò, lợn đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời phải nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp và người sản xuất thông qua việc loại bỏ được một số khâu trung gian liên quan đến làm tăng giá thành, ví dụ như 6 - 7% về giống, 9 - 10% về thức ăn chăn nuôi và các khâu trung gian về giết mổ, khoảng 8 - 12%. Các doanh nghiệp trong nước cần chú trọng việc liên kết với các tập đoàn quốc tế để đầu tư vào sản xuất, hạ tầng thương mại nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao, giá cạnh tranh để tiêu thụ nội địa và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.


Xây dựng chuỗi thịt heo an toàn Xây dựng chuỗi thịt heo an toàn Xử lý vấn nạn ô nhiễm từ chăn nuôi heo bằng hầm biogas hiệu quả nhưng chưa được nhân rộng Xử lý vấn nạn ô nhiễm từ chăn…