Mô hình kinh tế Nhiều vùng nuôi thủy sản chưa ổn định

Nhiều vùng nuôi thủy sản chưa ổn định

Publish date Friday. June 26th, 2015

Nhiều vùng nuôi thủy sản chưa ổn định

Theo Phòng Kinh tế TX Sông Cầu, tình hình dịch bệnh trên các đối tượng thủy sản nuôi đang diễn biến phức tạp. Hiện nhiều vùng nuôi tôm hùm có tỉ lệ tôm chết khá cao, từ 25 đến 50% tổng đàn, tập trung ở các xã Xuân Cảnh, Xuân Phương.

Theo Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản (Sở NN-PTNT), hiện độ mặn tại các vùng nuôi ở TX Sông Cầu ở mức 33 đến 35‰, so với đầu tháng 4/2015 tăng 11‰. Độ mặn tăng cao là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng tôm chậm lớn và dễ nhiễm các bệnh do vi khuẩn vibrio, bao gồm bệnh hoại tử gan tụy cấp.

Mới đây, Trung tâm Quan trắc môi trường và phòng ngừa dịch bệnh thủy sản khu vực miền Trung thực hiện quan trắc môi trường các vùng nuôi thủy sản ở Phú Yên. Kết quả cho thấy các vùng nuôi tôm hùm có mật độ vibrio tổng số cao hơn ngưỡng cho phép. Ngoài ra đã phát hiện tảo độc peridinium ở các vùng nuôi Xuân Phương và Xuân Thịnh (TX Sông Cầu), hàm lượng NH3 và photphat cao ở vùng nuôi Phú Dương (TX Sông Cầu) chứng tỏ nước bị ô nhiễm dinh dưỡng.

Theo ông Đỗ Kim Đồng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa, tình hình bệnh tôm trên địa bàn huyện cũng rất phức tạp. Dịch bệnh trên tôm nuôi không chỉ xảy ra ở vùng nuôi hạ lưu sông Bàn Thạch mà còn xảy ra ở các vùng nuôi tôm cao triều. Đến nay, trên địa bàn huyện, người dân đã thả nuôi tôm cao triều với diện tích gần 100ha, tập trung chủ yếu ở các xã Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Nam, nhưng đã có khoảng 35ha tôm nuôi bị bệnh… Ở huyện Tuy An, do tình hình nắng nóng kéo dài, nhiều vùng nuôi thủy sản gặp khó khăn.

Ông Trần Sáu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuy An, cho biết: “Trên địa bàn huyện, bà con đã thả tôm nuôi với diện tích hơn 550ha (2 vụ). Do nắng nóng kéo dài nên tôm nuôi chậm phát triển và dịch bệnh diễn biến rất phức tạp. Đến nay, gần 90ha tôm nuôi bị bệnh, trong đó mất trắng gần 10ha. Tôm nuôi chủ yếu bị hoại tử gan tụy cấp, đỏ thân… Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện có mưa dông, là thời điểm các đối tượng thủy sản nuôi dễ bị bệnh. Phòng NN-PTNT huyện đã khuyến cáo người nuôi thủy sản trên địa bàn cần quan tâm chăm sóc tốt, hạn chế dịch bệnh phát sinh”.

Theo Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản, ô nhiễm dinh dưỡng tiếp tục xảy ra ở các vùng nuôi Vũng Tàu, Phước Long, cầu Xác Cháy (vùng hạ lưu sông Bàn Thạch, huyện Đông Hòa) với hàm lượng NH3 và photphat cao. Hàm lượng muối photphat cũng tăng cao ở các vùng nuôi thuộc đầm Ô Loan, trong khoảng 0,2 đến 0,54mg/l. So với đợt thu mẫu trước, hàm lượng nittrite và oxy hòa tan tại các vùng nuôi đều trong ngưỡng cho phép, riêng chỉ tiêu COD hơi cao ở các điểm thu mẫu Diêm Hội - An Hòa (huyện Tuy An) và Phước Giang - Hòa Tâm (huyện Đông Hòa).

Tuy nhiên, hàm lượng oxy tăng cao vào ban ngày có thể do mật độ tảo trong nước cao, đây có thể là rủi ro tiềm ẩn cho các ao nuôi tôm vì ban đêm khi hoạt động quang hợp của tảo giảm, hoạt động hô hấp tăng cao sẽ tiêu tốn lượng lớn oxy hòa tan trong nước, gây hiện tượng tôm nổi đầu, giảm ăn hoặc chết, nhất là những ao có mật độ tảo khuê cao (nước có màu nâu).

Để hạn chế tác hại của thời tiết kèm theo độ mặn tăng cao tại các vùng nuôi, người nuôi thủy sản cần thường xuyên cấp nước mới đã qua xử lý vào ao nuôi, nâng cao mực nước, ổn định nhiệt độ, hạn chế độ mặn tăng cao do nước trong ao bốc hơi.

Việc thay nước cũng giúp giảm mật độ tảo trong ao, tránh gây thiếu oxy về đêm. Người nuôi cần kiểm soát kỹ lượng thức ăn hàng ngày, không để thừa, gây ô nhiễm môi trường ao nuôi. Định kỳ, người nuôi nên diệt khuẩn nước ao và duy trì tảo trong ao bằng vôi tôi, Iodine, thuốc tím, BKC…; tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học để xử lý chất thải, tảo tàn… giảm tác hại các loại độc tố đối với thủy sản nuôi; tăng cường bổ sung các chất khoáng, vitamin, nhất là vitamin C vào khẩu phần ăn để tăng cường sức khỏe và khả năng kháng bệnh của thủy sản nuôi.

Khuyến cáo bà con nuôi thủy sản bố trí ao xử lý nước thải, bùn thải trước khi xả ra ngoài. Nếu phát hiện tôm hoặc thủy sản nuôi trong ao có biểu hiện bất thường, người nuôi nên nhanh chóng báo với cán bộ thú y xã để có hướng dẫn xử lý kịp thời và đúng quy trình phòng trị bệnh. Người nuôi không nên xả thải nước từ các ao có tôm bị nhiễm bệnh trực tiếp ra hệ thống kênh cấp nước sẽ làm tăng mức độ ô nhiễm nguồn nước, phát tán mầm bệnh trong vùng nuôi. (Lê Thị Hằng Nga, Phó giám đốc Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản)


Việt Nam phát triển nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm Việt Nam phát triển nuôi trồng thủy sản… Dạy nghề nuôi và phòng trị bệnh trâu bò cho nông dân miền núi Dạy nghề nuôi và phòng trị bệnh trâu…