Mô hình kinh tế Nhìn Lại Tạm Trữ Lúa Gạo Vụ Đông Xuân

Nhìn Lại Tạm Trữ Lúa Gạo Vụ Đông Xuân

Publish date Thursday. June 12th, 2014

Nhìn Lại Tạm Trữ Lúa Gạo Vụ Đông Xuân

Ngày 11/6, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Long An tổ chức hội nghị sơ kết công tác thu mua tạm trữ lúa gạo tại ĐBSCL trong vụ ĐX vừa qua.

Ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN-PTNT) cho biết: Đợt tạm trữ lúa vụ ĐX vừa qua Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã giao cho 133 DN mua tạm trữ.

Tuy nhiên khi bắt tay vào thực hiện có 6 DN trả lại chỉ tiêu và 5 DN xin giảm chỉ tiêu được giao. Khi đó VFA đã nhanh chóng điều chỉnh chỉ tiêu, kết quả có 130 DN tham gia tạm trữ được 995.494 tấn gạo, đạt 99,55% kế hoạch, trong đó có 3 DN không mua đạt chỉ tiêu với số lượng 4.506 tấn.

Trong thời gian triển khai thu mua đã có 16 ngân hàng thương mại cho các DN vay đạt doanh số 8.256,49 tỷ đồng, lãi suất từ 6,5-7%/năm. Nhờ vậy giá lúa tại các tỉnh ĐBSCL đã tăng từ 100-200 đồng/kg, giá gạo tăng từ 50-100 đồng, gạo thành phẩm XK các loại cũng tăng từ 150-200 đồng/kg so với trước thời điểm mua tạm trữ, đảm bảo cho người trồng lúa có lãi 30%. Qua đó đã giữ được mặt bằng XK, hạn chế tình trạng ép giá, phá giá.

Tuy nhiên, theo ông Đô, việc tạm trữ lúa gạo ở vụ lúa ĐX vừa qua còn gặp nhiều vấn đề trong việc phân bổ chỉ tiêu thu mua chưa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ lúa gạo ở địa phương. Vì vậy, trong thời gian tới VFA cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các tỉnh ĐBSCL trong việc giao chỉ tiêu mua tạm trữ và quá trình kiểm tra, giám sát thực hiện việc thu mua tạm trữ của DN.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám: Vụ lúa ĐX vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tạm trữ 2 triệu tấn lúa quy đổi (1 triệu tấn gạo) từ ngày 15/3/2014 – 30/4/2014, hỗ trợ lãi suất 4 tháng. Kế hoạch triển khai tạm trữ đúng lúc cộng với kinh nghiệm nhiều năm, cùng với những giải pháp kịp thời đã giữ ổn định được thị trường lúa, gạo.

Bên cạnh đó các DN đề xuất kéo dài thời gian mua tạm trữ trong vụ ĐX và HT nhằm đảm bảo tiêu thụ lúa gạo của nông dân nhiều hơn. Vấn đề hướng dẫn, kiểm tra và giám sát vẫn còn hạn chế vì phải phụ thuộc các Bộ ngành, ban hành văn bản chưa kịp thời. Mặt khác, vai trò kiểm tra, giám sát của nhiều địa phương chưa rõ.

Việc triển khai mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo trong vụ ĐX 2013-2014 trong bối cảnh XK gạo 4 tháng đầu năm 2014 gặp nhiều khó khăn vì giá không tăng do tác động của việc bán tháo gạo tồn kho của Thái Lan với giá thấp và Ấn Độ được mùa, đã cạnh tranh quyết liệt với gạo Việt Nam tại các thị trường nhập khẩu.

Trong triển khai thu mua tạm trữ, theo VFA, một số thương nhân gặp khó khăn về mặt tài chính nên đã trả lại chỉ tiêu. Tuy nhiên cũng có một số DN tham gia với tinh thần trách nhiệm chưa cao.

Ông Nguyễn Thanh Nguyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho rằng: Việc tạm trữ lúa đã góp phần bình ổn giá khá tốt. Câu hỏi đặt ra cho vụ HT sắp tới có can thiệp bằng biện pháp tạm trữ không? Ông đề xuất: Ngay từ bây giờ cần phải tính toán kế hoạch tạm trữ lúa HT 2014 để khi có lệnh của Chính phủ thì thực hiện mới kịp thời.

Ông Nguyễn Thành Nhơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nêu quan điểm: Đợt tạm trữ vừa qua Hậu Giang chưa mua được sản lượng đã giao là do khó khăn về tài chính, một DN chưa tiếp cận với ngân hàng, một DN chuyển đổi sở hữu nên chưa tiếp cận vốn vay.

Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Ban chỉ đạo Tây Nam bộ: Việc thu mua tạm trữ lúa, gạo ở ĐBSCL sẽ giúp giá lúa tăng từ 100-150 đồng/kg. Tuy nhiên, theo tính toán thực tế của người trồng lúa sau mỗi vụ thì khó đạt mức lãi 30%, nhất là vụ hè thu, chỉ hòa vốn hoặc lãi rất thấp. Trong khi đó theo cách tính của Bộ Tài chính nông dân làm lúa ở ĐBSCL đều có khả năng lãi 30%, đây là vấn đề cần xem lại.

Còn việc tồn đọng 30.000 tấn lúa trên địa bàn Hậu Giang là do bà con trữ lại chờ giá tăng mới bán. Đối với vụ HT 2014, Hậu Giang đã thu hoạch được 6.500/77.000 ha, giá lúa đang ở mức 4.000 – 4.050 đồng/kg. Vì vậy Hậu Giang tiếp tục đề nghị phương án mua tạm trữ vụ HT và kéo dài thời gian thực hiện.

Ông Nhơn đề nghị Bộ Công thương cho phép Hậu Giang thành lập mới 1 – 2 DN chế biến XK gạo, vì hiện tại Hậu Giang chỉ có 2 DN trong đó chỉ 1 DN hoạt động mạnh. Tính toán, vụ lúa HT 2014 của Hậu Giang đạt khoảng 370.000 tấn. Như vậy, nếu trong thời gian tới có kế hoạch tạm trữ thì Hậu Gang xin nhận khoảng 10.000 - 15.000 tấn gạo.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám khẳng định: Việc thu mua tạm trữ lúa gạo vụ ĐX 2013-2014 là biện pháp kịp thời, nhằm đảm bảo được lợi nhuận cho người trồng lúa. Tuy nhiên, sự phối hợp VFA với các tỉnh ĐBSCL trong thu mua còn gặp khó khăn. Điển hình vụ ĐX vừa qua có 6 DN ở ĐBSCL trả lại chỉ tiêu mua tạm trữ lúa gạo.

Hiện tại ĐBSCL đang bước vào thu hoạch vụ lúa HT sớm, Bộ NN-PTNT sẽ theo dõi diễn biến thị trường và chuẩn bị sẵn các phương án để triển khai cho phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời tăng cường, phối hợp các địa phương thực hiện tốt kiểm soát các khâu từ đầu vào đến tiêu thụ cũng như thực hiện tốt vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp.

Đối với VFA cần mở rộng thị trường XK mới để mở rộng hướng tiêu thụ lúa gạo cho nông dân. Các DN được phân giao như TCty Lương thực miền Nam và TCty Lương thực miền Bắc cần có những chính sách hướng dẫn cụ thể cho địa phương trong việc mua tạm trữ. Tăng cường tổ chức việc liên kết mô hình CĐL.


Nhu Cầu Đường Tăng Khá Nhu Cầu Đường Tăng Khá Xây Dựng Nông Thôn Mới Vốn Ưu Đãi Cần Đến Với Dân Nhiều Hơn Nữa Xây Dựng Nông Thôn Mới Vốn Ưu Đãi…