Những Cây Trồng Mới Trên Đất Giao Hà (Nam Định)
Chúng tôi về xã Giao Hà (Giao Thủy) đúng lúc người dân đang hối hả, tất bật với việc thu hoạch hoa hòe để… chạy bão. Già, trẻ, gái, trai ai cũng bận rộn “hái hòe”. Đây cũng là thời điểm cây hòe đang cho hoa, nụ nhiều nhất trong năm. Nhiều năm nay, người dân trong xã đã khai thác thế mạnh của đất phù sa sông Hồng để trồng hòe và đinh lăng xuất bán làm dược liệu.
Phù hợp với chân đất, cây hòe và đinh lăng ở đây có điều kiện phát triển, được các nhà dược liệu “săn” mua tận gốc. Nhờ cây hòe và đinh lăng, không ít hộ gia đình đã thoát nghèo, giúp con cháu họ thực hiện ước mơ tới trường và xây nên những ngôi nhà kiên cố, khang trang.
Ông Doãn Văn Thành, xóm 11, xã Giao Hà thu hoạch hoa hòe trong vườn của gia đình. Từ năm 1985, cây hoa hòe và đinh lăng đã được trồng ở một số hộ gia đình ở Giao Hà. Ban đầu người dân trồng với mục đích chủ yếu là làm cảnh (với cây đinh lăng) và thêm hương vị cho ấm trà (hoa hòe) để giải nhiệt.
Từ những hom cây khiêm tốn, sau một thời gian hai loại cây này đã khẳng định được giá trị kinh tế, được người dân “yêu thích”. Ông Doãn Văn Thành, xóm 11, người có công đầu tiên đưa cây đinh lăng về địa phương cho biết, lúc đầu chỉ mang cây về trồng trước sân nhà để làm cảnh, lá của nó thỉnh thoảng được dùng làm gia vị cho món gỏi cá.
Còn cây hoa hòe được trồng bên các vệ đường, trong các góc vườn mỗi gia đình để tạo bóng mát và cho các cụ già hái lấy hoa, phơi khô, sao vàng hạ thổ hãm nước uống thanh nhiệt cơ thể và trị chứng mất ngủ. Với chân đất màu mỡ được phù sa sông Hồng bồi đắp, cây hòe và đinh lăng quanh năm xanh tốt, một số thương lái ở xã Giao Tiến, Hải Hậu và Thái Bình sang hỏi mua ngày một nhiều, người dân đã chú tâm đến hai loại cây này và dần dà được trồng phổ biến tại địa phương.
Theo ông Thành, chân đất ở Giao Hà đã tạo nên sản phẩm hòe và đinh lăng nhiều chất dầu hơn so với các vùng đất khác, điều này đã được Cty Dược phẩm Traphaco khẳng định qua những lần về nghiên cứu thực địa. Chính vì thế, từ năm 2000 trở lại đây, hai loại cây này được các hãng dược phẩm trong nước và các “thầy lang” bên Trung Quốc “săn” mua, cây đinh lăng và hoa hòe trở thành thứ hàng hóa “đặc biệt”.
Nhờ đó, người dân ở đây có thêm nghề mới bên cạnh sản xuất nông nghiệp. Và nhiều gia đình đã giàu lên trông thấy nhờ trồng hòe và đinh lăng. Đặc biệt, thời điểm thu hoạch các loại cây này không trùng với thời điểm mùa vụ, mặt khác các công đoạn thu hoạch hòe thu hút nhiều lao động từ già, trẻ đều có thể làm được nên không bị ảnh hưởng đến canh tác cây lúa. Cây hòe được trồng chính vào mùa xuân, khi các hom giống đã nảy mầm cao khoảng 20cm thì đem trồng. Khi cây hòe đã cao vượt mặt đất có thể trồng thêm gừng, xả. Trên cùng một diện tích đất có thể canh tác cùng lúc nhiều loại cây khác nhau.
Người dân Giao Hà thường trồng xen hòe và đinh lăng với nhau. Trồng hòe và đinh lăng quan trọng nhất là tạo được rãnh thoát nước để tránh ngập úng khi mưa bão. Ngoài yêu cầu này, hòe và đinh lăng cực kỳ dễ trồng, dễ chăm sóc, kinh phí đầu tư ban đầu ít lại cho thu nhiều năm. Khi trồng chỉ cần bón một ít phân chuồng để mục và thêm chút phân lân là đủ cho cây phát triển tốt. Với cây hòe trồng một lần sẽ cho thu nhập nhiều năm vì tuổi thọ của cây được 40 năm, càng lâu năm cây hòe càng cho giá trị kinh tế cao.
Thời gian cho hoa của hòe ngắn, nếu trồng hòe bằng hạt thì năm thứ 3 đã cho thu hoạch, còn trồng hòe ghép chỉ mất khoảng 2 năm. Sản phẩm chính của cây hòe là nụ và hoa, trong nụ hòe có chứa rutin (là một loại vitamin, có tác dụng tăng cường sức đàn hồi của thành mạch máu, làm cho thành mạch máu giảm nguy cơ bị lão hóa, giảm được thẩm thấu của thành mạch máu, giải nhiệt…).
Thời điểm thu hoạch hòe tập trung từ tháng 6 đến tháng 12 hằng năm, lúc hoa nở được khoảng 5 đến 10% thì bắt đầu “hái hòe”, tại thời điểm này cứ 10 đến 15 ngày cây cho hoa một lần. Sau khi đã ngắt chùm hoa, người ta loại bỏ lá, cuống hoa đem phơi khô là có thể bán được. Với đặc tính cây thân gỗ, có chiều cao từ 5 đến 10m, vì thế dưới gốc hòe kết hợp trồng cây đinh lăng.
Đây cũng là loại cây dễ trồng, cùng một diện tích nhưng có thể cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với các loại cây hoa màu khác. Được mệnh danh là “nhân sâm bình dân” của mọi người, đinh lăng được các nhà sản xuất dược phẩm và các thương lái nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… tận mua tất cả các bộ phận của cây.
Nếu như cây hòe chỉ cho giá trị là nụ và hoa thì cây đinh lăng từ củ đến thân cây và lá đều bán được. Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, rễ cây đinh lăng là bài thuốc quý để tăng cường sức khỏe, chống mỏi mệt và tăng sức dẻo dai cho cơ thể; lá đinh lăng còn có tác dụng giải nhiệt, được dùng đắp lên vết thương cho chóng lành… Với các nhà dược phẩm, đinh lăng được bào chế thành dạng bột, còn với người dân có thể dùng thân và rễ để ngâm rượu hoặc sắc uống giống như thuốc bắc sau khi đã phơi khô, sao vàng hạ thổ.
Trên diện tích 3 sào trồng hòe và đinh lăng, ông Doãn Văn Thành mỗi năm thu về gần 1 tấn hòe khô và khoảng 1 tấn đinh lăng. Tùy từng thời điểm ông có thể bán hoa tươi hoặc khô. Hiện 1kg hòe tươi bán được với giá 45 nghìn đồng/kg, nếu phơi khô bán được từ 130-140 nghìn đồng/kg, cứ 3kg hòe tươi khi phơi sấy khô sẽ cho 1kg hòe khô.
Cây và rễ đinh lăng bán đồng giá với 23 nghìn đồng/kg, lá được bán với giá 2 nghìn đồng/kg, tất cả đều được cân tươi ngay tại vườn. Tính “sơ sơ”, mỗi năm với 3 sào hòe và đinh lăng, ông thu về khoảng 150 triệu đồng (đinh lăng được trồng gối hằng năm).
Do giá trị kinh tế của cây hòe và đinh lăng, nhiều hộ gia đình ở Giao Hà đã đưa cây hoa hòe và đinh lăng vào trồng tập trung tại những diện tích chuyển đổi của địa phương. Vì thế, hiện nay ở Giao Hà nhà nào cũng có dăm chục gốc hòe, xung quanh được trồng xen với đinh lăng.
Ông Doãn Thanh Hải, xóm 10, người “say mê” với hai loại cây này hàng chục năm nay hiện có 6 sào hòe và đinh lăng vui vẻ kể cho chúng tôi biết, từ năm 1995, khi xã có chủ trương chuyển đổi diện tích canh tác lúa kém hiệu quả sang sản xuất cây rau màu nhằm tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích đất canh tác, cây hoa hòe và đinh lăng được gia đình chọn để trồng. Hiện, các xóm 5, 7, 10, 11 là những xóm trồng nhiều hòe. Nhiều hộ có diện tích lớn như các ông: Đoàn Văn Thiệu (xóm 5) trồng 4 sào, Nguyễn Văn Lịch (xóm 7) 3 sào, Phùng Văn Bộ (xóm 5) 5 sào…
Hiện tại, mỗi sào hòe mang về cho các hộ gia đình thu nhập từ 36 đến 42 triệu đồng/năm. Theo tính toán của các gia đình trồng hòe, một sào hòe có thể trồng được từ 30 đến 35 cây, từ khi trồng đến khi thu hoạch chỉ mất 3 năm, đến khi cây được 5 năm tuổi trở lên, giá trị kinh tế mang lại rất cao từ 500 đến 700 nghìn đồng/cây/vụ, những cây có tuổi thọ từ 10 năm trở lên có thể cho giá trị trên 1 triệu đồng/cây/vụ.
Hơn nữa, cây hòe phát triển còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động, từ khâu thu hoạch, phơi sấy, bảo quản đến khâu thu mua lẻ... lao động phổ thông, thậm chí cụ già, trẻ nhỏ đều có thể làm được. Vì vậy, cây hòe và đinh lăng đang được xem là “nền kinh tế xanh” của địa phương.
Nhờ việc phát triển hai loại cây này, đời sống người dân ngày càng được cải thiện, năm 2012, bình quân thu nhập đầu người của xã đạt gần 20 triệu đồng/người/năm, riêng với các xóm trồng nhiều như 5, 10, 11, 12 đạt 23 triệu đồng/người/năm. Khi được hỏi về tính bền vững của hai loại cây này, ông Thành cho biết, đây là hai loại cây dược liệu quý, không phải ở đâu cũng có thể trồng được, nhất là khi nguồn dược liệu tự nhiên đang ngày càng khan hiếm thì cây hòe và đinh lăng càng thêm giá trị.
Trong trường hợp nếu các thương lái mua để xuất bán cho Trung Quốc bị ngừng thì các hãng dược phẩm, các nhà thuốc bắc trong nước vẫn thu mua hết sản phẩm làm ra. Như vậy, đầu ra cho sản phẩm luôn đảm bảo, các hộ dân vẫn có thể yên tâm trồng hai loại cây dược liệu này.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao