Mô hình kinh tế Những hệ luỵ nuôi tôm công nghiệp ngoài vùng quy hoạch

Những hệ luỵ nuôi tôm công nghiệp ngoài vùng quy hoạch

Publish date Saturday. May 16th, 2015

Những hệ luỵ nuôi tôm công nghiệp ngoài vùng quy hoạch

Câu chuyện phát triển tôm công nghiệp ngoài quy hoạch không chỉ đặt ra bài toán khó cho nhà quản lý mà còn cho chính người nông dân.

Gần đây, nuôi tôm công nghiệp gần như đã trở thành phong trào trong toàn tỉnh. Mặc dù ngành chuyên môn nhiều lần khuyến cáo chỉ những hộ đủ điều kiện từ hạ tầng cho đến tiềm lực kinh tế mới đầu tư cho nuôi tôm công nghiệp, tuy nhiên, bất chấp những khuyến cáo đó, không chỉ hộ không đủ điều kiện kinh tế mà cả hộ không đủ điều kiện điện, nước… vẫn đào ao nuôi tôm công nghiệp. Trong tổng số diện tích trên 8.860 ha tôm công nghiệp của tỉnh hiện nay phần lớn hộ nuôi tự phát ngoài vùng quy hoạch.

Quy hoạch chưa theo kịp thực tế

Tại huyện Phú Tân, theo quy hoạch vùng nuôi tôm công nghiệp giai đoạn 2010 - 2015 chỉ khoảng 827 ha, nhưng đến nay diện tích nuôi tôm công nghiệp gần 2.234 ha.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Võ Trường Giang cho biết, giữa năm 2014, huyện đã điều chỉnh lại quy hoạch vùng nuôi tôm công nghiệp cho phù hợp với thực tế nhu cầu (khoảng 2.100 ha vào năm 2015). Tuy nhiên, đến nay diện tích tôm công nghiệp ngoài quy hoạch vẫn tiếp tục phát triển.

Không chỉ có huyện Phú Tân mà trước phong trào nuôi tôm công nghiệp tự phát như hiện nay, nhiều huyện buộc phải rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch. Huyện Thới Bình là một trong những huyện không nằm trong vùng quy hoạch nuôi tôm công nghiệp của tỉnh, nhưng thời gian qua diện tích nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn huyện Thới Bình phát triển nhanh. Kể từ năm 2013 đến nay, diện tích tôm nuôi công nghiệp của huyện tăng trên 100 ha (nâng tổng số lên hơn 200 ha) và hiện tại vẫn tiếp tục được phát triển. Trước thực tế ấy, lãnh đạo huyện Thới Bình đã trình UBND tỉnh đề xuất cho huyện quy hoạch vùng nuôi tôm công nghiệp khoảng 1.000 ha, chủ yếu là tại các vùng trũng không thể sản xuất lúa - tôm kết hợp.

Một điều hết sức nghịch lý là diện tích tôm công nghiệp ngoài vùng quy hoạch thì cứ phát triển liên tục, còn trong vùng quy hoạch nơi được xem là “thiên thời - địa lợi - nhân hoà” thì lại rất đìu hiu. Theo quy hoạch, địa bàn TP Cà Mau được quy hoạch 2 cụm nuôi tôm công nghiệp gồm: cụm 1 thuộc ấp Gành Hào 1, Gành Hào 2, một phần ấp Cái Su, Hoà Ðông thuộc xã Hoà Tân với diện tích trên 877 ha; cụm 2 gồm ấp Cái Ngang, Xóm Chùa, một phần ấp Bùng Binh, khóm 8, khóm 10, phường 6 với diện tích 479 ha.

Ðịa bàn huyện Ðầm Dơi, một trong những điểm nuôi tôm trọng điểm của tỉnh cũng có quy hoạch 1 cụm với diện tích 634 ha nằm trong các ấp Thành Vọng, Trung Cang, xã Tân Trung. Tuy nhiên, sau khoảng 4 năm kể từ ngày được phê duyệt, việc thực hiện vùng nuôi vẫn chưa có nhiều chuyển biến.

Nuôi tôm trong vùng quy hoạch sẽ có điều kiện thuận lợi về hạ tầng từ thuỷ lợi, điện 3 pha cho đến giao thông nông thôn. Ðồng thời, người dân còn nhận được nhiều sự ưu đãi khác về vốn, kỹ thuật và hoá chất… Nhưng lý do vì sao doanh nghiệp và người dân chưa thiết tha, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử thừa nhận, vấn đề quy hoạch vùng nuôi tôm công nghiệp của tỉnh vẫn còn nhiều bất cập, đó là hạn chế của ngành nông nghiệp. Ngành sẽ tiếp tục sẽ điều chỉnh nhằm khắc phục những hạn chế của các vùng quy hoạch nuôi tôm công nghiệp trong thời gian tới.

Chi cục phó Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản tỉnh Cà Mau Nguyễn Văn Trung nhận định, việc triển khai quy hoạch cụm tôm công nghiệp còn chậm như hiện nay là do thiếu vốn. Diện tích quy hoạch cụm quá lớn nên việc liên kết giữa các hộ nuôi lân cận gặp nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng phục vụ chưa được đầu tư đồng bộ. Ngoài ra, cả việc triển khai các cơ chế chính sách hỗ trợ cho nuôi tôm công nghiệp tập trung còn nhiều khó khăn.

Những hệ luỵ

Diện tích nuôi tôm tự phát ngày càng mở rộng khiến công tác quy hoạch luôn đi sau một bước. Từ đó, cơ sở hạ tầng từ thuỷ lợi, điện… không theo kịp, tiềm ẩn rủi ro cao, đặc biệt là vấn đề dịch bệnh. Với những hộ nuôi tôm ngoài quy hoạch, để có điện 3 pha thì người dân phải bỏ tiền hạ thế điện (ít nhất 60 - 70 triệu đồng/bình hạ thế). Nhưng khi có đủ điện thì họ không được áp giá điện, điều này đồng nghĩa là họ phải trả gần gấp đôi tiền điện so với hộ trong vùng quy hoạch. Ngoài ra, khi có dịch bệnh, người nuôi ngoài quy hoạch không được hỗ trợ hoá chất xử lý, kỹ thuật trong quá trình nuôi cũng như vay vốn đầu tư. Một hệ luỵ tất yếu là không ít hộ phải chịu cảnh trắng tay, sổ chủ quyền đất phải gởi ngân hàng nhiều năm không thể chuộc.

Anh Trần Văn Thiện, ấp Cái Ðôi Nhỏ, thị trấn Cái Ðôi Vàm, tâm sự, anh nuôi được 3 vụ thì đã thất bại hết 2 vụ. Do thiếu vốn khi mới bắt đầu nuôi (năm 2012), gia đình anh đành cầm sổ chủ quyền sử dụng đất vay vốn 150 triệu đồng để nuôi tôm nhưng đến nay vẫn chưa thể trả được, chỉ có thể đóng lãi.

Nuôi tôm công nghiệp trong vùng quy hoạch được tạo điều kiện hỗ trợ về nhiều mặt còn khó thì những nông hộ nuôi ngoài vùng quy hoạch phải tự bươn chải mọi thứ sẽ càng khó hơn. Trong những cái khó ấy có cái khó lớn nhất là điện 3 pha phục vụ sản xuất.

Ông Mai Văn Cửu, Tổ trưởng Tổ Sản xuất An Ðông, ấp An Ðông, xã Tân Hưng Tây, huyện Phú Tân, bộc bạch, ban đầu khi thành lập tổ hợp tác sản xuất, 13 thành viên ai cũng phấn khởi khi được hỗ trợ lắp bình hạ thế điện. Tuy nhiên, từ quý I năm 2014 đến nay vẫn chưa thấy thực hiện. Anh em trong tổ làm đơn xin ra khỏi tổ gần một nửa do không nhận được lợi ích gì. Khi mới thành lập tổ có 13 thành viên thì giờ chỉ còn 8.

Ông Cửu cho biết: “Ðể đủ điện chạy quạt, các thành viên trong tổ phải khống chế diện tích ao thả nuôi, người 4 ao chỉ được thả 2 ao, người 2 ao thì chỉ thả 1, còn người 1 ao thì phải chịu cảnh nằm chờ. Ðiều kiện hạ tầng không đáp ứng được nhu cầu sản xuất khiến chi phí tăng cao trong khi giá tôm giảm mạnh khiến anh em ai cũng khó khăn. Trong tổ có 1 thành viên lên 1 ao trên 3 tấn tôm loại 80 con/kg nhưng khi trừ hết chi phí, lỗ hơn 30 triệu đồng”.

Ðiều kiện hạ tầng, thời tiết không ủng hộ cùng với giá tôm giảm mạnh khiến nông dân rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Bà Nguyễn Thị Lan, xóm Bào Cừ, ấp Hưng Hiệp, xã Tân Hưng Tây, huyện Phú Tân, than: “Giờ bỏ cũng không được do bao nhiêu vốn liếng gia đình đều đổ vào 3 hầm tôm, còn nuôi tiếp thì lại sợ nào là thời tiết, dịch bệnh và giá cả. Mong rằng các ngành chức năng sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn giúp người dân”.

Trước những khó khăn hiện nay của nghề nuôi tôm công nghiệp, ông Lê Văn Sử cho rằng, người dân cần phải hết sức bình tĩnh sản xuất theo khuyến cáo của các ngành chuyên môn. Về lâu dài, sở đang khẩn trương hoàn chỉnh quy hoạch nuôi trồng thuỷ sản toàn tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Ði kèm theo quy hoạch này là quy hoạch điều chỉnh hệ thống thuỷ lợi để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong sản xuất


Vải thiều cực sớm giá cao, 30 nghìn đồng/kg Vải thiều cực sớm giá cao, 30 nghìn… Cá tra không lãi Cá tra không lãi