Tin nông nghiệp Những hương vị riêng biệt

Những hương vị riêng biệt

Author Lan Hương - TGTT, publish date Friday. May 5th, 2017

Những hương vị riêng biệt

Nông dân Nhật chỉ làm một vụ mùa theo triết lý sống “trồng vừa đủ bán, kiếm vừa đủ xài”…

Táo, một trong những loại trái cây nổi tiếng ở Komagane, Nagano, Nhật. Ảnh: TL

Lui cui làm mấy món thường thức của người nội trợ Việt cho khách thưởng thức, miến gà, gỏi gà, chả giò, và xôi vò cho bữa sáng hôm sau mà trời sập tối hồi nào không hay. Aki bận rộn với lũ con nhưng lâu lâu cũng chạy vào xem tôi có cần gì không. Thoáng nghe tiếng chào khách ngoài cửa. Tối nay đôi vợ chồng khác, trẻ măng là anh Naoto Ando, một nghệ nhân làm nữ trang, vợ là chị  Satomi Ando kiến trúc sư. Cả hai đều là người từ thành phố mới chuyển về đây. Cũng tâm huyết như gia chủ, hai vợ chồng nghệ sĩ này bắt đầu với khu vườn thật nhỏ chỉ 5 thửa, mỗi thửa khoảng 500m2, nơi người chủ trước trồng tỏi và đã có 15 cây đào. Cải tạo lại đất và mua cây nho giống đã hai tuổi về trồng, anh nghĩ đến việc sẽ chăm bón thu hoạch nho có chất lượng tốt để làm rượu vang mang nhãn hiệu của riêng mình.

Anh bảo: “Bạn bè của mình khi còn ở thành phố làm có tiền nhưng gu thì không có. Họ có thể quanh năm ngày tháng ăn đồ ăn bán sẵn ở cửa hàng tiện ích mà không thấy gì. Riêng mình thì không, đồ ăn món nào sẽ phải có hương vị riêng của nó. Do vậy mình ấp ủ sẽ hợp tác với xưởng làm rượu vang cho ra hương vị riêng biệt. Số lượng ít thôi, nhưng mang nhãn hiệu của riêng mình”.

Aki bảo tối qua có một bạn không đến được nhưng có mời Hương tham quan trang trại. Masaki Yamaguchi, 33 tuổi, đã từng là thầy giáo dạy trẻ, nay làm nông dân một mình với vài cái máy nông cụ đơn giản. Anh trồng măng tây, broccoli và mè. Từ ngày thế hệ mới ăn ít tinh bột hơn thì việc trồng lúa gạo không tăng được thu nhập. Trên thửa ruộng trước đây gia đình trồng lúa, anh mạnh dạn cải tạo lại để thích hợp với sản phẩm mới. Trải 20 tấn phân bò trộn với 15 tấn lá mục, anh lên liếp trồng măng tây.

“Chị Hương biết không, cũng trần ai khoai củ, em tự thiết kế cái giàn tưới nước nhỏ giọt như người ta, nhưng mà thất bại vì mình làm không đúng chuẩn. Tốn mớ tiền mà không đi đến đâu. Cuối cùng em tự làm theo cách của mình, tạo vùng trũng giữa hai luống, nước có rút là rút về đó. Mùa đông thì cái khoảng đó cũng là hướng lấy gió và hơi ấm vào. Em làm đất kỹ lắm, làm một lần để xài 15, 20 năm luôn”, Masaki nói.

Mùa làm việc của Masaki bắt đầu vào tháng 2 khi mùa đông gần qua đi. Anh sẽ phủ ba lớp bạt lên mái nhà vườn, thổi khí nóng vào hâm nóng không khí, trải một lớp “nấm đã lên men” để ngăn cỏ mọc tràn lan và cho cây ra lá tự nhiên, bao nhiêu chất dinh dưỡng rút xuống gốc. Mùa thu hoạch đỉnh điểm của 1.500 bụi măng tây Masaki trồng là từ tháng 8 đến cuối tháng 10. Sau đó anh cắt ngọn, đốt để tránh mầm sâu bọ, cho cây măng tây nghỉ đông và chuyển qua thu hoạch cây mè đang trồng ở mấy thửa khác.

Mỗi vụ Masaki cũng thu hoạch được từ 480 – 600kg mè và tất cả đều làm bằng tay. Chỉ vào trái mè đang tượng ở những ngách lá, anh bẻ một trái và cho tôi xem những hạt mè mây mẩy bên trong. Anh cho biết mè ở Komagane nằm trong top 100 của chất lượng ngon nhất Nhật Bản. Hôm trước anh đã cùng nhóm thanh niên của Komagane lên Ginza, Tokyo để tiếp thị sản phẩm địa phương mình trong một kỳ hội chợ nông sản ở đó. Vậy là mới rồi đó, không còn ngồi ở quê nhà bán cho hợp tác xã thu mua nông sản hay quanh quanh địa phương, mà lên tới nơi phố thị sầm uất nhất nước Nhật có người sành điệu mà thi thố chất lượng ngon dở ở đời!

Trời tháng 8 nắng nóng vậy đó nhưng gió luồn khắp hướng và quang cảnh hai bên đường xanh ngắt những rặng tre và cây cảnh bonsai cắt tỉa cẩn thận trước mỗi căn nhà. Aki nói sắp đến tiết thanh minh rồi, người Nhật sẽ tặng nhau trái cây, mua hoa cúc và đi viếng mộ. Vừa nói Aki vừa quẹo vào luôn trang trại trồng hoa cúc của anh Shigekazu Shimojima. Cả gia đình anh đang lựa hoa và bó mớ hoa cúc đã cắt vào lúc sớm tinh mơ để chuẩn bị đi giao cho hợp tác xã thu mua nông nghiệp. Những đoá hoa cúc nụ vàng ươm, mập tròn và lá xanh thẫm, thơm nồng nàn. Cứ từ hoa đo xuống 65cm, tuốt lá bỏ đi thêm 30cm nữa rồi cắt gốc bó mỗi bó mười cành. Ông bố anh Shigekazu đã 72 tuổi nhưng còn tráng kiện lắm, nghe có khách từ Việt Nam tới thì hăm hở ra chào.

Ông khoe: “Đã đi vịnh Hạ Long và địa đạo Củ Chi rồi đấy. Cũng mười năm rồi, chuyến đi đó do hội nông dân trong vùng tổ chức”. Chỉ sau khi nghỉ hưu, ông mới bắt đầu làm nông dân. Anh Shigekazu, 42 tuổi vẫn còn độc thân, nay nối nghiệp cha trồng hoa cúc và tỏi, rất đam mê cái nghiệp nông dân của mình. Dẫn nhau ra ruộng hoa để cắt hoa tươi tặng cho khách, anh cho biết đất trồng hoa là đất bình thường bón phân bò. Sau đợt thu hoạch hoa cuối cùng vào tháng 8, anh sẽ xuống giống cho vụ sau vào tháng 9.

Khi mùa đông tới anh sẽ phủ rơm cho cây ngủ suốt mùa lạnh. Rồi khi mùa xuân đến, cây nứt mầm, ra lá trở lại và bắt đầu trổ hoa. Bắt đầu từ tháng 5 là cắt hoa bán đều đều đến tiết thanh minh. Trả lời câu hỏi có làm thêm mùa vụ nào khác không, anh khẳng định “Chỉ một mùa thôi!” Khi người nông dân chọn sống làm chỉ một mùa và chỉ dùng phân bò thì những câu hỏi về chuyện làm gì để tăng sản lượng, tăng vụ mùa, và làm giàu xem ra rất bất cập. Cái tiêu chí “trồng vừa đủ bán, kiếm vừa đủ xài” này xem ra giống cá tính dân đồng bằng sông Cửu Long quê tôi ngày xưa quá!


Giới thiệu giống điều mới và mô hình tưới tiết kiệm Giới thiệu giống điều mới và mô hình… Cần Thơ: Hiệu quả từ mô hình trồng nấm rơm Cần Thơ: Hiệu quả từ mô hình trồng…