Những người truyền lửa xây dựng nông thôn mới
Nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Huy Ngọ cùng đoàn công tác tham quan khu dân cư NTM kiểu mẫu tại thôn Nam Trà, xã Hương Trà (Hương Khê)
Khu dân cư Nam Trà (Hương Trà - Hương Khê) những năm gần đây ngày càng tô đậm bức tranh của một vùng nông thôn kiểu mẫu bởi không gian thoáng đãng, những vườn cây ăn quả, vườn rau mơn mởn, trù phú với đường làng, ngõ xóm thoáng mát, sạch đẹp; người dân sống vừa có tình, có nghĩa, biết nâng niu, gìn giữ gia phong.
Kể từ khi được công nhận hoàn thành các tiêu chí xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, thôn Nam Trà trở thành điểm tham quan, học tập quen thuộc của bà con nhân dân các địa phương khác trong và ngoài tỉnh.
Theo đa phần ý kiến của người dân thôn Nam Trà và lãnh đạo xã Hương Trà, có được sự thay đổi tích cực trên, ngoài sự cố gắng của mỗi hộ dân trong thôn thì sự năng động, tận tình, tâm huyết của Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Đinh Phúc Tâm là yếu tố hàng đầu để khơi dậy tiềm năng, tạo sự gắn kết giữa các hộ dân trong quá trình xây dựng khu dân cư kiểu mẫu.
“Mặc dù diện tích khu vườn nhà tôi khá rộng nhưng trước đây do trồng cây tạm, chưa mạnh dạn áp dụng KHKT nên hiệu quả sản xuất từ các cây trồng vốn có chẳng đáng là bao.
Tuy nhiên, khi địa phương phát động phong trào xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, đặc biệt được bác Đinh Phúc Tâm động viên, hướng dẫn, hỗ trợ nhiệt tình nên gia đình tôi đã quy hoạch khu vườn rộng 8.000 m2 thành các khu vực sản xuất, mỗi khu vực trồng một loại cây có giá trị kinh tế phù hợp với không gian của khu vườn.
Nhờ đó, hiệu quả kinh tế vườn tăng gấp hàng chục lần so với trước”, chị Phan Thị Nhiên - chủ vườn mẫu ở thôn Nam Trà cho biết.
Để đến được từng nhà nói cho dân nghe về xây dựng nông thôn mới (NTM), rồi tư vấn, hướng dẫn người dân áp dụng các phương thức sản xuất mới, ngoài sự mày mò, học hỏi để tích lũy kiến thức KHKT, bản thân người đứng đầu thôn Nam Trà - Đinh Phúc Tâm luôn nhận thức rằng, muốn nói cho bà con nghe, trước hết, bản thân, gia đình mình phải gương mẫu, mô phạm bằng hành động và việc làm cụ thể.
Từ việc góp công, góp của xây dựng các công trình hạ tầng, phúc lợi đến việc gương mẫu trong lối sống, cách cư xử giữa các thành viên trong gia đình.
“Nói dân chưa nghe thì phải làm cho dân tin. Có thể thành công hoặc thất bại nhưng bản thân mình không tiên phong thì làm sao thuyết phục, vận động được người dân để họ mạnh dạn phát huy hết năng lực, sở trường cùng chung sức xây dựng NTM” - Bí thư Đảng ủy xã Xuân Mỹ (Nghi Xuân) Lê Văn Bình mở đầu câu chuyện về vai trò của một đảng viên.
Bí thư Đảng ủy xã Xuân Mỹ trao đổi, hướng dẫn các hộ dân trồng cỏ chăn nuôi bò nhốt.
“Những năm đầu bắt tay xây dựng NTM, người dân xã Xuân Mỹ còn bỡ ngỡ lắm, tư tưởng trông chờ dự án, hỗ trợ của Nhà nước vẫn còn len lỏi trong tư duy của không ít hộ dân, trong khi đó, do xuất phát điểm thấp nên hệ thống cơ sở hạ tầng của địa phương đang thiếu đồng bộ.
Đó cũng chính là lý do để huyện Nghi Xuân chỉ khiêm tốn đặt Xuân Mỹ ở nhóm về đích sau năm 2020” - ông Bình nhớ lại buổi đầu thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM.
Với ý chí của người lính, bản lĩnh của một đảng viên, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu, Bí thư Đảng ủy Lê Văn Bình cùng với tập thể BCH Đảng bộ xã Xuân Mỹ luôn trăn trở, tìm giải pháp để khơi dậy, phát huy sức mạnh của người dân.
Sau chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm xây dựng mô hình ở Vũ Quang, đặc biệt, khi tận mắt chứng kiến mô hình chăn nuôi khép kín của nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hương Minh - Phạm Văn Đức, ông Lê Văn Bình đã bắt tay xây dựng mô hình chăn nuôi tổng hợp tại xã Xuân Mỹ với hy vọng sẽ tạo ra đột phá mới trong sản xuất trên vùng đất cát bạc màu ở Nghi Xuân.
Sau bao ngày bền bỉ đào ao, đắp thửa, làm chuồng trại, đến tháng 5/2012, gia đình ông Lê Văn Bình đã đầu tư 2 tỷ đồng xây dựng 2 dãy chuồng trại và hệ thống bể biogas theo công nghệ của Công ty Chăn nuôi CP (Thái Lan) trên diện tích 1.440 m2 để thả 1.200 con lợn thương phẩm, đánh dấu sự du nhập của một phương thức sản xuất mới trên đồng đất Nghi Xuân.
Không chỉ làm giàu chính đáng bằng chính nghị lực và sự táo bạo của mình, quyết tâm biến cái không thể thành có thể của người đứng đầu xã Xuân Mỹ đã tiếp thêm động lực để người dân địa phương tự tin xây dựng thêm 124 mô hình sản xuất các loại, trong đó, có 12 mô hình doanh thu mỗi năm từ 100-500 triệu đồng, 3 mô hình từ 500 triệu - 13 tỷ đồng/năm và giúp xã Xuân Mỹ về đích NTM trong năm 2014.
Theo Phó chánh Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM tỉnh Ngô Văn Long, thực tế quá trình chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM ở các địa phương thời gian qua cho thấy, địa phương nào người đứng đầu phát huy được vai trò trách nhiệm của mình thì phát huy và khơi dậy được vai trò chủ thể của người dân, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng NTM trên địa bàn.
Những tấm gương sáng như ông Lê Văn Bình (Xuân Mỹ), Phạm Văn Đức (Hương Minh), Trần Như Bả (Sơn Châu), Nguyễn Xuân Tòng (Cẩm Bình)… thực sự đã thổi luồng sinh khí, tạo động lực mới trong quá trình xây dựng NTM tại các địa phương.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao