Những Nông Dân Năng Động
Bằng sự nhạy bén, năng động, dám nghĩ, dám làm trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng nhiều mô hình sản xuất mới phù hợp, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Phụng Hiệp trở thành những tấm gương tiêu biểu trong lao động sản xuất.
Nhận thấy trồng lúa không mang lại hiệu quả kinh tế cao nên ông Trần Văn Mật, ở ấp 3, xã Hòa Mỹ đã quyết định chuyển 1/1,6ha đất trồng lúa của mình sang trồng sen để bán gương được 4 năm nay.
Ngoài trồng sen, ông Mật còn kết hợp thả nuôi cá và trồng chuối xung quanh bờ bao. Hiện ông là một trong những nông dân điển hình trong việc nỗ lực vượt khó và mạnh dạn đưa mô hình mới vào sản xuất nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao, làm thay đổi cuộc sống gia đình. Ông Mật chia sẻ: “Do vùng đất nơi đây thấp nên người dân chỉ làm được 2 vụ lúa/năm và nguồn thu nhập rất bấp bênh, cuộc sống luôn thiếu trước hụt sau.
Không cam chịu số phận và sau khi tìm hiểu nhiều mô hình, tôi đã chọn cây sen để thay cho cây lúa và đang thành công với mô hình làm ăn mới này”.
Hiện nay, gia đình ông Mật đang vào mùa thu hoạch rộ vụ sen đầu trong năm, với 1ha sen, mỗi ngày ông thu hoạch gần 100kg gương sen, giá bán hiện tại từ 10.000-12.000 đồng/kg, cho nguồn thu khoảng 1 triệu đồng. Theo ông Mật, nếu trồng mới thì mất 2 tháng là cho thu hoạch, còn đã thu hoạch một lần và trục lại để tiếp tục thu hoạch lần hai thì chỉ mất 1,5 tháng.
Một năm có 2 đợt chính hái sen, đợt 1 từ tháng 8 đến tháng 11 và đợt 2 từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau. Thông thường, cứ cách nhau 3 ngày là bẻ gương sen một lần, tuy nhiên, do diện tích sen tương đối nhiều nên mỗi khi vào đợt thu hoạch, ông Mật không hái tập trung một lần mà chia ra mỗi ngày chỉ hái khoảng 3 công và nếu xoay giáp vòng thì ngày nào ông cũng có sen để bán trong thời gian 2,5 tháng của một đợt thu hoạch.
Ngoài nguồn thu nhập từ gương sen, mỗi năm, gia đình ông Mật còn có thu nhập hơn 60 triệu đồng từ việc bán bắp và buồng chuối; hơn 20 triệu đồng từ bán cá nuôi dưới sen. Như vậy, mỗi năm, ông Mật có tổng nguồn thu trên 200 triệu đồng.
Còn anh Võ Văn Tính, ở ấp Long Trường, xã Hòa Mỹ cũng là một tấm gương điển hình của huyện về tính cần cù chịu khó, luôn có ý chí phấn đấu để vươn lên. Trước đây, do ít đất canh tác nên gia đình anh chủ yếu sống bằng nghề buôn bán và chăn nuôi heo, tuy nhiên sau nhiều năm liền nuôi heo thất bại, cuộc sống gặp không ít trở ngại.
Không chấp nhận với cuộc sống hiện tại, sau khi nghiên cứu, tìm hiểu, anh Tính quyết định sửa chữa lại chuồng heo để đầu tư nuôi bồ câu Pháp. Do đòi hỏi nguồn vốn đầu tư ban đầu cao (bồ câu bố mẹ làm giống giá 450.000 đ/cặp) và kỹ thuật nuôi cũng chưa nhiều nên anh chỉ nuôi thử 20 cặp.
Sau thời gian tích lũy kinh nghiệm và tìm thị trường đầu ra ổn định, anh đã tăng số lượng bồ câu bố mẹ hiện nay lên 200 cặp nuôi trên diện tích khoảng 500m2 đất. Anh Tính cho biết: “Ban đầu cũng gặp khó trong quá trình nuôi, nhưng so với nuôi heo thì thuận lợi hơn nhiều, nhất là đỡ phải lo đầu ra và giá cả luôn ổn định. Tuy nhiên, cái quan trọng để quyết định thành công của mô hình là phải có lòng kiên trì, biết chịu khó, nhất là nắm bắt được thị trường”.
Với 200 cặp bồ câu bố mẹ làm giống hiện có, mỗi tháng anh Tính xuất bán từ 300-400 bồ câu con, giá mỗi con từ 35.000-40.000 đồng, thu về lợi nhuận trên 7 triệu đồng, nếu tính cả năm thì gia đình anh có nguồn thu nhập hơn 80 triệu đồng. Hiện bồ câu của anh chủ yếu bỏ mối tại một số nhà hàng ở TP.Cần Thơ. Anh Tính dự kiến sẽ mở rộng quy mô nuôi bồ câu của mình lên thành 500 cặp bố mẹ trong thời gian tới.
Ngoài hai mô hình trên, còn có một số mô hình tiêu biểu khác như: trồng cam xoàn (ở xã Phương Phú), chanh không hạt (xã Thạnh Hòa), xoài Đài Loan (xã Bình Thành), nuôi bò (xã Phương Bình),… Những mô hình này đều là các nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của huyện Phụng Hiệp.
Tất cả họ đều nhờ vào ý chí, nghị lực chịu khó, sự phấn đấu làm giàu từ chính đôi tay của mình, năng động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phụng Hiệp Huỳnh Văn Nam cho hay: Trong những năm qua, phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng đã trở thành một phong trào thiết thực, thu hút đông đảo các tầng lớp nông dân trên địa bàn huyện tham gia.
Họ chính là những con người biết kịp thời nắm bắt mọi thời cơ để sản xuất, vực dậy kinh tế gia đình và giờ đây họ trở thành nông dân triệu phú và có nhiều đóng góp cho xã hội.
Có thể nói, những nông dân năng động của Phụng Hiệp hôm nay, họ thật sự là tấm gương sáng trong phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi để học tập và làm theo. Qua đó, góp phần đáng kể vào tiến trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương Phụng Hiệp ngày càng phát triển…
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao