Mô hình kinh tế Những Quy Định Mới Của Luật Hiện Đại Hóa An Toàn Thực Phẩm Của Mỹ (FSMA)

Những Quy Định Mới Của Luật Hiện Đại Hóa An Toàn Thực Phẩm Của Mỹ (FSMA)

Publish date Thursday. September 25th, 2014

Những Quy Định Mới Của Luật Hiện Đại Hóa An Toàn Thực Phẩm Của Mỹ (FSMA)

Chiếm 80% sản lượng tiêu thụ ở Mỹ, thủy sản NK là một trong những thực phẩm bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các quy định mới của FSMA.

Luật Hiện đại hóa An toàn Thực phẩm (FSMA) đã được Tổng thống Obama ký thành luật từ ngày 1/4/2011, nhưng Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) vẫn chưa đưa ra được các quy định cụ thể trong vòng 18 tháng sau khi đạo luật được thông qua.

Tiếp tục đăng ký cơ sở sản xuất hàng XK

Theo dự kiến, việc xây dựng các quy định kiểm soát phòng ngừa đối với thực phẩm NK và nhà cung cấp nước ngoài sẽ hoàn thành vào ngày 31/10/2015. Như vậy còn hơn một năm nữa, FDA mới ban hành các tài liệu hướng dẫn về các chương trình phòng tránh và thanh tra cụ thể.

Tuy nhiên, theo quy định mới của FSMA, từ 1/10-31/12 năm nay, các cơ sở sản xuất thực phẩm XK vào thị trường Mỹ vẫn phải tiếp tục đăng ký lại hoặc đăng ký mới với FDA để nhận mã số kinh doanh mới do mã số này chỉ có giá trị trong hai năm. Quy định đã được triển khai thực hiện lần đầu từ 1/10-31/12/2012.

FDA sẽ tiến hành kiểm tra toàn bộ các lô hàng thực phẩm XK vào Mỹ, nếu phát hiện không có mã số kinh doanh mới hợp lệ, hàng hóa sẽ bị giữ lại tại cửa khẩu hoặc từ chối nhận hàng, toàn bộ chi phí do nhà XK chịu.

Chiếm 80% sản lượng tiêu thụ ở Mỹ, thủy sản NK là một trong những thực phẩm bị ảnh hưởng nhiều nhất trước các quy định mới của FSMA. Do đó, các nhà sản xuất và XK thủy sản Việt Nam cần chú ý đến những thay đổi quan trọng trong luật này, trong đó có việc đăng ký cơ sở sản xuất hàng XK, đăng ký người đại diện tại Mỹ và thanh tra cơ sở.

Theo thống kê ngày 19/2/2014, có 115.753 cơ sở thực phẩm nước ngoài đăng ký mã số kinh doanh tại Mỹ, trong đó có 1.385 cơ sở của Việt Nam.

Các cơ sở sản xuất thực phẩm XK của Việt Nam và của các nước khác XK vào thị trường Mỹ sẽ không phải làm thủ tục đăng ký nếu hàng thực phẩm đó trước khi XK vào Mỹ tiếp tục được chế biến (bao gồm cả đóng gói) tại một cơ sở khác tại nước ngoài. Tuy nhiên, nếu cơ sở khác tại nước ngoài chỉ đóng vai trò rất nhỏ trong việc tạo ra sản phẩm cuối cùng như chỉ dán nhãn sản phẩm thì cả hai cơ sở trong nước và nước ngoài đều phải làm thủ tục đăng ký.

FDA yêu cầu thực hiện gia hạn đăng ký từ ngày 1/10 và 31/12 vào các năm chẵn, bắt đầu từ 2012. Những cơ sở không gia hạn phải đăng ký lại, khi đó FDA sẽ cấp mã số mới hoàn toàn.

Theo luật FSMA, FDA có quyền đình chỉ đăng ký cơ sở của một công ty nếu công ty đó có xác suất gây vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe hoặc tử vong đối với con người hay động vật. Luật cũng cho phép FDA giữ lại các sản phẩm ghi nhãn không chính xác hoặc có tạp chất, và cho phép cơ quan này có quyền ra lệnh hoặc yêu cầu thu hồi thực phẩm nhiễm độc. Nếu đăng ký của một cơ sở bị đình chỉ, thực phẩm của cơ sở đó không được tiếp tục XK sang Mỹ.

Đăng ký người đại diện tại Mỹ

Song song với việc đăng ký mã số kinh doanh mới, nhà XK cũng phải đăng ký chính thức với FDA một người đại diện tại Mỹ cho cơ sở của mình.

Người đại diện tại Mỹ (US Agent) có thể là một người, một công ty hoặc một cơ quan có trụ sở tại Mỹ đóng vai trò là người liên lạc tại chỗ, duy trì liên lạc thông suốt với FDA 24/24 giờ, đồng thời là người phải trả lời các câu hỏi của FDA liên quan đến cơ sở sản xuất hàng XK và mặt hàng XK trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu của FDA.

Người đại diện tại Mỹ đồng thời là người sẽ thay mặt cho cơ sở sản xuất hàng XK chịu trách nhiệm thanh toán cho FDA toàn bộ các chi phí liên quan đến việc thanh tra các cơ sở sản xuất hàng XK do FDA thực hiện.

Người đại diện tại Mỹ phải là người có trách nhiệm, không vì những lý do đột xuất (như đi công tác vắng, đi nghỉ lễ, việc riêng gia đình) mà không thể hàng ngày kiểm soát thông tin để dẫn đến việc không trả lời FDA đúng hạn, như vậy cơ sở sẽ bị thu hồi mã số kinh doanh.

Từ năm 2011-2016, tần suất thanh tra các cơ sở nước ngoài của FDA liên tục tăng, từ 600 lượt lên 19.200 lượt

Thanh tra cơ sở

Các công ty có cơ sở đăng ký phải chấp nhận việc thanh tra của FDA mặc dù luật không yêu cầu. FDA đang tăng cường tần suất thanh tra, từ 600 lượt năm 2011 lên 19.200 lượt năm 2016. Việc từ chối FDA đến thanh tra có thể khiến cơ sở bị đình chỉ đăng ký.

Các cơ sở thực phẩm được yêu cầu phải lên kế hoạch việc phân tích mối nguy, kiểm soát phòng ngừa và các biện pháp khắc phục để cập nhật theo từng thay đổi trong hoạt động ba năm một lần. Những hồ sơ này phải luôn có sẵn khi FDA sang thanh tra. Các DN nhỏ có thể sẽ được miễn hoặc ít nghiêm ngặt hơn trong việc thực hiện các yêu cầu này. Một DN nhỏ là DN có doanh thu dưới 500.000 USD/năm, có thể là các nhà hàng địa phương hoặc các nhà bán lẻ.

Việc thanh tra thường diễn ra trong hai ngày. Ngày đầu tiên là chuyến thắm ngắn và xem xét hồ sơ của cơ sở, ngày thứ hai tập trung vào quan sát quy trình sản xuất. Sau đó, FDA sẽ phát hành báo cáo thanh tra ban đầu, cơ sở có ý kiến phản hồi báo cáo. FDA xem xét phản hồi và thiết lập báo cáo thanh tra.

Kết quả thanh tra được phân thành ba loại: Không chỉ ra biện pháp nào (No Action Indicated – NAI), Nêu ra biện pháp tự nguyện (Voluntary Action Indicated – VAI), hoặc Chỉ ra những biện pháp cần thiết thực hiện (Official Action Indicated – OAI).

Với trường hợp cuối cùng, các biện pháp chính thức gồm thư cảnh báo, lưu giữ hàng NK, đình chỉ đăng ký hoặc tái thanh tra. Phí tái thanh tra thường rất cao, với mức quy định đối với cơ sở nước ngoài trong năm tài chính 2014 là 302 USD/giờ.

Do đó, các cơ sở cần chuẩn bị chu đáo hồ sơ, đồng thời nghiên cứu và đáp ứng các quy định hiện hành của FDA, đảm bảo hệ thống an toàn thực phẩm phù hợp với hệ thống theo yêu cầu hiện hành và có hiệu lực, tiến hành kiểm tra nội bộ và tập huấn cho nhân viên, xem xét mối nguy của ngành liên quan như khả năng triệu hồi hay bùng phát, và nhờ bên thứ ba hoặc bên tư vấn kiểm tra để đạt kết quả thanh tra tốt nhất, giúp giảm thiểu chi phí và rủi ro trong kinh doanh XK sang Mỹ.


Việt Nam Đứng Đầu Về Xuất Khẩu Sản Phẩm Cá Sang Colombia Việt Nam Đứng Đầu Về Xuất Khẩu Sản… Mường La (Sơn La) Phát Triển Nghề Nuôi Cá Lồng Mường La (Sơn La) Phát Triển Nghề Nuôi…