Niềm vui kép trên những con tàu khủng
Tất bật trên những xưởng đóng tàu
Không đợi đến lúc Nghị định 67 (NĐ 67) ra đời, trước đây rất nhiều ngư dân Quảng Bình cũng đã táo bạo đầu tư tiền tỷ để đóng mới, cải hoán nâng công suất tàu để vươn khơi. Thế nhưng trước đây, ngư dân mạnh dạn lắm cũng không dám đầu tư những con tàu gỗ công suất 400-500CV. Nay nhờ có NĐ 67, nhiều ngư dân đã trở thành ông chủ của những con tàu hiện đại, có công suất trên 800CV, trị giá trên 10 tỷ đồng, thậm chí có tàu vỏ thép gần 1 triệu USD.
Chưa có thời điểm nào không khí tại các xưởng đóng tàu cá cho ngư dân lại tấp nập như lúc này. Dọc bờ biển Quảng Bình hiện có gần 10 xưởng đóng tàu lớn nhỏ, và xưởng nào cũng tấp nập với những con tàu lớn sắp hạ thủy và chuẩn bị khởi công, trong đó có nhiều tàu có công suất trên 800CV, được đóng theo NĐ 67.
Theo Sở NNPTNT Quảng Bình, hiện tại trên địa bàn tỉnh đã có 87 tàu cá (gồm cả vỏ gỗ và vỏ thép) được đóng theo NĐ 67. Trong đó, 17 tàu mới hạ thủy, 11 tàu đã đi vào hoạt động và rất hiệu quả. UBND tỉnh Quảng Bình đang tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện thuận lợi nhất cho ngư dân tiếp cận vay vốn để tiếp tục đóng tàu mới…
Tại xưởng đóng tàu rộng 2ha của Công ty Thắng Lợi ở xã Bắc Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình), 4 chiếc tàu vỏ gỗ vừa hoàn thành và sắp được hạ thủy. Cũng tại xưởng này, có 3 chiếc tàu mới được khởi công và gần 40 người thợ lành nghề đang khẩn trương hoàn thành phần khung. Theo lãnh đạo Công ty Thắng Lợi, những chiếc tàu được hợp đồng với công ty gần đây đa số là tàu đóng theo NĐ 67 với công suất trên 800CV, trị giá hơn 10 tỷ đồng/tàu.
Trong khi đó, tại bờ biển xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch, xưởng đóng tàu truyền thống của ngư dân Nguyễn Văn Hồng từ 2 năm qua luôn nhộn nhịp, bận rộn. Theo ông Hồng, 2 năm qua, đã có gần 40 chiếc tàu được hạ thủy tại xưởng này, với công suất mỗi tàu từ 500 - 800CV.
Ông Trương Công Hoạt – Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Trạch cho biết thêm, chỉ tính riêng nam 2015, ở Đức Trạch đã có 19 chiếc tàu cá được đóng mới, trong đó có 17 chiếc đóng theo NĐ 67 (có 2 tàu vỏ thép)…
Vững tâm trên những con tàu công suất lớn
Ngư dân Trần Đình Thủy ở xã Bảo Ninh, TP.Đồng Hới là người đầu tiên ở Quảng Bình sở hữu con tàu 814 CV được đóng theo NĐ 67. Anh Thủy cho biết, tàu của anh hạ thủy từ đầu năm 2015 và tính đến nay đã có 6 chuyến đánh bắt ở vùng biển xa. “Ngày hạ thủy con tàu, tôi mừng nhưng cũng lo lắm. Tàu lớn, hiện đại nhưng với 28 lao động trên tàu, không biết nó có nuôi được anh em không. Thế nhưng thực tế qua 6 chuyến biển, chúng tôi đều có doanh thu từ 1- 1,5 tỷ đồng, trừ chi phí chúng tôi lãi ròng 300-400 triệu đồng/chuyến” – anh Thủy chia sẻ.
Nối tiếp ngư dân Nguyễn Văn Thủy, nhiều ngư dân khác ở Bố Trạch, Ba Đồn… cũng nhanh chóng sở hữu những con tàu công suất lớn đóng theo NĐ 67. Với con tàu mới 829CV làm nghề lưới vây vỏ gỗ, ngư dân Mai Hải ở xã Quảng Lộc (Quảng Trạch) đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 18 ngư dân địa phương sau nhiều chuyến biển. Cùng chung niềm vui “kép” (tàu mới- sản lượng cao) còn có đội tàu của anh Đào Minh Hùng ở Bảo Ninh (Đồng Hới), Nguyễn Văn Cùng ở Đức Trạch (Bố Trạch)...
Con tàu vỏ thép đóng mới theo NĐ 67 đầu tiên của tỉnh dài 28m, rộng 7,2m, cao 3,2m, công suất 811CV, được anh Nguyễn Hữu Sáu ở xã Bảo Ninh (Đồng Hới) đặt đóng tại DNTN cơ khí công nghiệp tàu thủy Nguyễn Văn Tuấn (tỉnh Thái Bình) với tổng kinh phí vỏ và trang bị máy móc, ngư lưới cụ gần 18 tỷ đồng. Theo anh Sáu, đây là một con tàu rất hiện đại, có kho đông lạnh vừa đánh bắt vừa thu mua hải sản của các tàu bạn trên biển.
Trên những con tàu công suất lớn, ngư dân Quảng Bình đang rất vững tâm với những chuyến biển vươn đến tận cùng hải phận của Tổ quốc, vừa đánh bắt hải sản làm giàu cho bản thân và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao