Mô hình kinh tế Ninh Bình Nhân Rộng Mô Hình Nuôi Tôm Chân Trắng Theo VietGAP

Ninh Bình Nhân Rộng Mô Hình Nuôi Tôm Chân Trắng Theo VietGAP

Publish date Monday. November 3rd, 2014

Ninh Bình Nhân Rộng Mô Hình Nuôi Tôm Chân Trắng Theo VietGAP

Ngày 26/10/2014, lãnh đạo Viện An toàn thực phẩm (đại diện cho Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert) cùng với Giám đốc Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Dịch vụ thủy sản Việt Nam đã trao Quyết định số 1993.2/QĐCN-VICB, chứng nhận thực hiện nuôi tôm chân trắng theo quy trình nuôi thủy sản tốt (VietGAP) cho doanh nghiệp tư nhân Tân Vân tại Khối 1 thị trấn Bình Minh, huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình).

Những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường tăng, tình hình biến đổi khí hậu và những khó khăn trong việc phát triển nuôi trồng thủy sản theo kiểu truyền thống đã ảnh hưởng không nhỏ đến ngành nuôi trồng thủy sản của Việt Nam. Nguyên nhân chủ yếu là chưa kiểm soát được 04 loại mối nguy gây mất an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường và an toàn lao động.

Trong bối cảnh đó, quy trình thực hành nuôi thủy sản tốt (VietGAP) đã được ban hành nhằm đưa ngành thủy sản phát triển một cách bền vững và kiểm soát một cách hệ thống về những mối nguy.

Ngay từ tháng 4/2012, nhận thấy những tác dụng mà VietGAP mang lại, doanh nghiệp tư nhân Tân Vân đã chủ động đăng ký thực hiện nuôi theo quy trình VietGAP trên toàn bộ diện tích ao nuôi của doanh nghiệp. Đối với tôm chân trắng, doanh nghiệp Tân Vân đã áp dụng thực hiện nuôi theo quy trình thủy sản tốt VietGAP trên diện tích 2,2 ha chia thành 07 ao (01 ao lắng, 01 ao xử lý nước, 01 ao tái sử dụng nước và 04 ao thả nuôi tôm chân trắng).

Ông Đặng Thanh Tâm, chủ doanh nghiệp cho biết, được sự hỗ trợ của chuyên gia tư vấn về thực hành nuôi theo quy trình VietGAP, doanh nghiệp đã nắm được quy trình ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất một cách hiệu quả. Trong suốt quá trình nuôi, doanh nghiệp luôn được phổ biến đầy đủ và kịp thời từ cách xây dựng ao nuôi, xử lý ao trước khi thả, chọn giống, thức ăn, ghi chép sổ sách, bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh, an toàn lao động…. đến cách thức thu hoạch.

Ông Tâm cũng cho biết, trước khi áp dụng thực hành nuôi trồng theo VietGAP, tôm thường bị dịch bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp, hội chứng chết sớm. Cùng với đó là hiện tượng không kiểm soát được lượng thức ăn và lượng thuốc đã sử dụng, dẫn đến dư thừa và làm tăng chi phí đầu vào.

Kể từ khi triển khai thực hành nuôi theo VietGAP, doanh nghiệp đã kiểm soát tốt các yếu tố này, giảm thiểu dịch bệnh, đảm bảo chất lượng tôm giống, quản lý tốt các yếu tố đầu vào, nhờ đó đã giảm đáng kể chi phí. Ngoài ra, thời gian nuôi cũng được rút ngắn, do đó giảm được tiền nhân công và chi phí điện nước. Tỷ lệ sống của tôm nuôi tăng, kích cỡ tôm khi thu hoạch đồng đều hơn.

Với 04 ao nuôi, doanh nghiệp đã thu hoạch khoảng 35 tấn/năm. Với giá bán dao động 150-250 nghìn đồng/kg, sau khi trừ tất cả chi phí, mỗi năm doanh nghiệp thu lãi khoảng 1,5 - 2 tỷ đồng. Kết quả này cao hơn hẳn so với nuôi tôm theo kiểu truyền thống.

Theo Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Dịch vụ thủy sản Việt Nam, trong thời gian tới, mô hình này sẽ được nhân rộng trên địa bàn các vùng lân cận. Bên cạnh đó, Trung tâm sẽ cử cán bộ kỹ thuật tổ chức các lớp tập huấn để phổ biến kiến thức cho ngư dân về quy trình thực hành nuôi theo VietGAP.


Tận Diệt Thủy Sản Hồ Trị An Trách Nhiệm Thuộc Về Ai? Tận Diệt Thủy Sản Hồ Trị An Trách… Hiệu Quả Kinh Tế Cao Từmô Hình Nuôi Cá Chép V1 Làm Chính Hiệu Quả Kinh Tế Cao Từmô Hình Nuôi…