Nỗ Lực Phục Hồi Lúa Mùa Nổi
Dù thời gian canh tác kéo dài, năng suất thấp nhưng lúa mùa nổi đang cho thấy những lợi thế mà lúa cao sản ngắn ngày không có được. Đó là khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, làm nền cho canh tác màu theo hướng tạo ra nông sản sạch… Quan trọng hơn, nông dân hoàn toàn có thể nghĩ đến chuyện làm giàu trên ruộng lúa mùa nổi.
Một thời hoàng kim
Những năm gần đây, việc bảo tồn và phục hồi lúa mùa nổi được quan tâm đặc biệt khi diện tích canh tác giống lúa này bị thu hẹp dần và có nguy cơ tuyệt chủng. Theo PGS.TS. Võ Văn Thắng, Hiệu trưởng Trường đại học An Giang (ĐHAG), lúa mùa nổi từng là cây lương thực chính, được trồng phổ biến ở vùng ngập nông và ngập sâu của Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười. Tuy nhiên, trước sự phát triển của lúa ngắn ngày cùng hệ thống đê bao tăng vụ, lúa mùa nổi nhanh chóng bị “lép vế”. Từ diện tích hơn 0,5 triệu héc-ta của toàn vùng ĐBSCL trước năm 1975, đến năm 2012, lúa mùa nổi chỉ còn khoảng 20 héc-ta ở xã Lương An Trà; 41,2 héc-ta ở xã Vĩnh Phước (Tri Tôn) và một ít ở Đồng Tháp.
Từ sự đa dạng về giống, như: Nàng pha, nàng tây đùm, chệch cụt, tàu binh, bông sen… thì hiện nay, chỉ còn lại giống bông sen được trồng phổ biến nhưng bị lẫn tạp rất nhiều. Khả năng biến mất của giống lúa mùa nổi có nguy cơ đến mức, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phước Nguyễn Văn Văn nói thẳng: “Sở dĩ người dân còn trồng lúa mùa nổi do đó là những vùng đất trũng thấp, nhiễm phèn, không thể trồng được lúa ngắn ngày”.
Đầu tháng 8-2013, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông thôn (NC-PTNT) - Trường ĐHAG đã ký bản thỏa thuận với UBND xã Vĩnh Phước triển khai Dự án nghiên cứu lúa mùa nổi giai đoạn 2013 – 2016. Theo TS. Nguyễn Văn Kiền, Giám đốc trung tâm, giai đoạn 2013 – 2014, đơn vị đã thực hiện 20 hoạt động nghiên cứu liên quan đến lúa mùa nổi. Nếu như năm 2013, việc nghiên cứu chủ yếu tận dụng từ nguồn ngân sách cấp cho trung tâm thì đến nay, dự án đã nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, các nhà khoa học, tổ chức trong nước và quốc tế.
Trong đó, có sự hỗ trợ của Tổ chức Searca (Philippines), Chương trình nghiên cứu sông Mê Kông bền vững (Sumernet) của Tổ chức Sida (Thụy Điển), Chương trình sáng kiến chính sách công (LMPPI) của Đại học Fulbright (TP. Hồ Chí Minh) và Đại học Havard (Hoa Kỳ)… TS. Nguyễn Văn Kiền cho biết, dự kiến năm 2015, bằng các nguồn tài trợ mới từ Sumernet và LMPPI, trung tâm sẽ mở rộng triển khai phục hồi hệ thống lúa nổi – cây màu trên địa bàn huyện Châu Phú (An Giang), huyện Thanh Bình và TX. Hồng Ngự (Đồng Tháp).
Thu nhập “khủng”
Để tạo cơ sở khoa học cho việc phục hồi lúa mùa nổi, các cán bộ của Trung tâm NC-PTNT đã thực hiện nghiên cứu khá toàn diện về đặc tính đất đai, hệ động - thực vật, diễn biến lũ, hiệu quả kinh tế mô hình lúa – màu…
Theo Ths. Huỳnh Ngọc Đức, đặc tính đất vùng lúa mùa nổi ở Tri Tôn có giá trị dung trọng thấp, từ 0,41 – 0,72g/cm3 đối với tầng 1, từ 0,28 – 0,54g/cm3 đối với tầng 2, trong khi đất ở vùng màu Kiến An (Chợ Mới) có giá trị dung trọng cao hơn 1g/cm3 (giá trị dung trọng càng thấp, đất càng tơi xốp). Mùa lũ 2014, một nhóm nghiên cứu đã thu thập được 49 loài thực vật thuộc 28 họ khác nhau và 35 loài cá, nhiều nhất là các loại cá linh ống, chốt sọc, rô đồng, lóc đen, sặc bướm, mè vinh.
Một số loài cá giá trị cao cũng xuất hiện với số lượng ít là ét mọi, cá cóc, thác lác, mè lúi, rô biển, cá leo, trèn bầu, trê vàng, lăng ki… Điều này cho thấy, vùng lúa mùa nổi có tính đa dạng sinh học, đất chứa lớp hữu cơ dày hơn nơi khác.
Điểm mấu chốt của việc phục hồi lúa mùa nổi là phải tăng thu nhập cho người dân, bởi lúa mùa nổi có thời gian canh tác kéo dài 6 tháng, năng suất chỉ 2,5 – 3 tấn/héc-ta (thời gian gấp đôi nhưng năng suất chưa bằng 1/2 lúa ngắn ngày). Kết quả đánh giá của Trung tâm NC-PTNT cho thấy, cùng trên 1.000m2 đất ở vùng Vĩnh Phước, việc canh tác lúa 3 vụ sẽ mất 276 ngày/năm, tổng chi phí trên 5,74 triệu đồng, tổng thu hơn 9,44 triệu đồng, lời 3,7 triệu đồng. Nếu trồng lúa mùa nổi sau đó lấy gốc rạ trồng mì (kỹ thuật đơn giản), nông dân sẽ tốn gần 322 ngày/năm, tổng thu được 7,14 triệu đồng nhưng chi phí chỉ 1,66 triệu đồng, còn lời 5,48 triệu đồng.
Nếu nông dân tận dụng gốc rạ lúa mùa nổi để trồng kiệu (kỹ thuật khó hơn), thời gian canh tác 315 ngày/năm, vốn đầu tư đòi hỏi cao (15,84 triệu đồng) nhưng tổng thu cũng rất lớn (53,15 triệu đồng), lợi nhuận 37,3 triệu đồng/1.000m2/năm, cao gấp 10 lần so với canh tác lúa 3 vụ.
Như vậy, so với lúa ngắn ngày, việc canh tác lúa mùa nổi kết hợp trồng màu cho hiệu quả cao hơn, chưa kể những lợi ích khác như: Làm nơi chứa nước lũ, phát triển đàn cá đồng tự nhiên, bảo tồn nguồn gen quý… Vấn đề còn lại là liên kết với doanh nghiệp hợp đồng tiêu thụ ổn định rau màu sạch trên nền lúa mùa nổi, xây dựng tour tuyến du lịch giúp người dân tăng thu nhập, phục tráng giống lúa mùa nổi nguyên chủng để xây dựng thương hiệu… Được như vậy, tự nhiên người dân sẽ tham gia mở rộng diện tích.
Nguồn bài viết: http://baoangiang.com.vn/An-Giang-24-Gio/Thoi-su/No-luc-phuc-hoi-lua-mua-noi.html
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao