Tin nông nghiệp Nỗi lo từ chim trời mang virus cúm

Nỗi lo từ chim trời mang virus cúm

Author Việt Tùng, publish date Thursday. March 2nd, 2017

Nỗi lo từ chim trời mang virus cúm

“Việc chim trời nhiễm virus cúm gia cầm (CGC) bay qua biên giới mang dịch bệnh là vấn đề mới cần được đặt ra để có phương án phòng chống hợp lý” – ông Vũ Văn Tám - Thứ trưởng Bộ NNPTNT đã cho biết như vậy khi trao đổi với phóng viên NTNN xung quanh việc đối phó với nguy cơ virus cúm A/H7N9 từ Trung Quốc xâm nhiễm qua biên giới.

Trong ảnh: Cán bộ Chi cục Thú y Lạng Sơn kiểm tra việc mua bán gia cầm tại chợ Giếng Vuông, TP.Lạng Sơn. Ảnh: Việt Tùng

Thưa ông, Bộ NNPTNT đã có chỉ đạo gì nhằm tăng cường phòng chống, đối phó với dịch CGC có nguy cơ tràn qua biên giới?

- Nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự xâm nhiễm virus cúm gia cầm A/H7N9 và các chủng virus gia cầm khác từ nước ngoài xâm nhiễm vào Việt Nam, ngay từ ngày 17.2, Bộ NNPTNT đã có công điện khẩn gửi các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh biên giới, nghiêm cấm vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới dưới mọi hình thức. Bộ NNPTNT cũng đã thành lập 5 đoàn đi các tỉnh biên giới phía Bắc nhằm kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương trong phòng chống dịch.

Việc tăng cường tuyên truyền hướng dẫn cho người dân là cực kỳ quan trọng, vì virus H7N9 rất nguy hiểm. Gia cầm mang virus này không có biểu hiện lâm sàng như ốm hay chết nên rất khó phát hiện và có thể lây sang người, do vậy chúng ta cần đồng bộ các giải pháp để phòng chống hiệu quả. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền cũng phải thực hiện khéo léo, để người dân yên tâm sử dụng gia cầm, do đến nay virus này chưa phát hiện trên gia cầm và người ở Việt Nam”.  Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám

Bên cạnh đó, Bộ cũng đã ban hành công văn triển khai "Tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng đợt 1.2017”, kéo dài đến ngày 23.3, đồng thời tham mưu Chính phủ để có công điện chỉ đạo của Chính phủ và cùng Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến nếu tình hình nguy cấp. Mới đây, Bộ cũng đã tổ chức hội nghị với 25 tỉnh liên quan đến phòng chống xâm nhiễm virus CGC A/H7N9.

Việc triển khai phòng chống xâm nhiễm virus cúm gia cầm A/H7N9 ở các địa phương, nhất là các vùng biên giới hiện có gặp nhiều khó khăn không?

- Nói chung so với trước đây, các địa phương có tinh thần và nhận thức tốt hơn rất nhiều, các địa phương cũng đã có kinh nghiệm và chủ động phòng chống. Tuy nhiên, do đường biên giới của ta với nước bạn dài và phức tạp, nhất là các đường mòn lối mở nên cũng khó kiểm soát. Các bộ, ban ngành cùng các địa phương sẽ tăng cường biện pháp phòng chống cũng như tăng cường lực lượng tham gia chống buôn lậu và nhập lậu gia cầm qua biên giới. Riêng các tỉnh biên giới, ngoài việc cử lực lượng túc trực 24/24 giờ ở các điểm trọng yếu, còn phải tăng cường kiểm soát ở nhiều điểm biên giới khác.

Đồng thời, các địa phương sẽ phải nắm danh sách các đầu nậu, các tổ chức, cá nhân và yêu cầu họ ký cam kết không vận chuyển buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới dưới mọi hình thức, kể cả việc cho, tặng.

Một số địa phương cho rằng một trong những trường hợp khiến dịch CGC có khả năng vào Việt Nam mà không thể kiểm soát được đó là thông qua các loài chim trời bay vào Việt Nam. Bộ NNPTNT có tính đến trường hợp này không?

- Đây là vấn đề mới và rất khó. Vấn đề chim trời mang dịch CGC và tràn qua biên giới đúng là cần phải đặt ra để tính toán giải pháp phòng chống. Chúng ta không được chủ quan và không bỏ sót bất cứ trường hợp nào. Tới đây Bộ NNPTNT và các bộ ngành, địa phương sẽ bàn bạc cụ thể và đưa phương án phòng chống trường hợp chim trời mang dịch CGC bay qua biên giới để lây bệnh.

Việc đối phó với chim trời mang dịch bệnh rất khó. Do đó việc tăng cường giám sát các vùng biên giới là rất quan trọng, đồng thời phải tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân vùng biên giới. Trường hợp vùng nào có biểu hiện chim trời chết bất thường, phải báo ngay cho cơ quan liên quan để có biện pháp ứng phó kịp thời, đồng thời nhanh chóng tiến hành thu gom, tiêu hủy.

Một số địa phương như Lạng Sơn cho biết đường biên giới giáp Trung Quốc dài nên rất khó ngăn chặn gia cầm nhập lậu ở các điểm nhỏ. Vậy Bộ NNPTNT có hỗ trợ gì cho các địa phương không?

- Vấn đề trọng tâm cần giải quyết hiện nay chính là ngăn chặn gia cầm nhập lậu, đặc biệt là gia cầm giống. Đối với gà loại thải, trong nước không có nhu cầu nhiều nên không phải là vấn đề phức tạp, mà trọng tâm là con giống.

Trong giai đoạn 2015-2016, Bộ NNPTNT đã triển khai dự án hỗ trợ các tỉnh biên giới máy ấp trứng gia cầm để tự sản xuất giống. Từ những mô hình đó, các tỉnh cần nhân rộng để chủ động trong việc sản xuất và cung ứng giống, qua đó giảm nhập giống gia cầm từ biên giới.

Tới đây chúng ta sẽ có dự án hỗ trợ của Chính phủ Mỹ và các tổ chức quốc tế cho các tỉnh biên giới để thực hiện lấy mẫu giám sát trên gia cầm. Tần suất lấy mẫu sẽ thường xuyên hơn và phủ rộng các vùng hơn.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Nhiều cửa khẩu không có thiết bị kiểm tra thân nhiệt

Để ngăn chặn việc lây lan virus chủng cúm gia cầm H7N9 từ người sang người, tại cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), tất cả những người xuất, nhập cảnh đều được đo thân nhiệt và thực hiện một số biện pháp kỹ thuật nhằm kịp thời phát hiện virus cúm.

Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, tại một số cửa khẩu khác như Tân Thanh, Cốc Nam, Chi Ma, Cô Sa… chưa được trang bị dụng cụ kiểm tra thân nhiệt trên người, do đó nguy cơ virus cúm H7N9 theo người “chui qua” các cửa khẩu này là rất cao.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Bằng Toàn – Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị cho biết, vì đây là cửa khẩu xuất, nhập khẩu chính ngạch nên lượng hàng hóa thông quan, cũng như người xuất, nhập cảnh hàng ngày khá lớn, do đó Cục đã đầu tư hệ thống máy kiểm tra thân nhiệt, kiểm soát dịch bệnh. Đặc biệt là khi Trung Quốc đang có dịch cúm H7N9 thì công tác kiểm tra sẽ được tiến hành chặt chẽ hơn.

“Những người nhập cảnh đều được kỹ thuật viên kiểm tra kỹ thân nhiệt và tiến hành một số biện pháp kỹ thuật nhằm kịp thời phát hiện các dịch bệnh có thể lây nhiễm qua người. Đây cũng là nhiệm vụ và trách nhiệm rất nặng nề của đơn vị, do đây là một chủng virus mới, có thể gây tử vong cho người lên đến 40%, vì vậy các đơn vị làm việc rất tập trung và trách nhiệm” – ông Toàn cho biết.

Theo quan sát của phóng viên, những người Trung Quốc nhập cảnh và người Việt Nam khi từ Trung Quốc trở về đều được nhân viên kỹ thuật hướng dẫn đi qua máy quét để kiểm tra thân nhiệt. Trong trường hợp có nghi ngờ, người đó sẽ được cách ly ở phòng riêng để kiểm tra kỹ hơn.

Ông Đoàn Tuấn Anh – Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh cho biết thêm, do đặc điểm cửa khẩu Tân Thanh chủ yếu là xuất, nhập hàng nông sản, rất ít người nhập cảnh qua cửa khẩu này nên chưa được đầu tư máy kiểm tra thân nhiệt, kiểm tra virus, dịch bệnh trên người như ở cửa khẩu Hữu Nghị.

“Những người qua lại cửa khẩu này chủ yếu là cư dân biên giới và chủ hàng của hai nước. Họ chỉ qua đây trong phạm vi vài cây số, qua lấy hàng rồi trở về nước, ngược lại chủ hàng của ta và cư dân biên giới cũng vậy. Họ không đi sâu vào nội địa nên nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh không cao” – ông Tuấn Anh lý giải.

Tương tự tại các cửa khẩu Cốc Nam, Tân Thanh, công tác kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh trên người xuất, nhập cảnh cũng chưa được tiến hành mà mới dừng lại ở việc kiểm dịch trên gia súc, gia cầm.  


Đôi vợ chồng vừa dạy chữ, vừa trồng lúa lãi 1 tỷ đồng/năm Đôi vợ chồng vừa dạy chữ, vừa trồng… Trí thức trẻ lo chuyện trồng lan, nuôi cá... Trí thức trẻ lo chuyện trồng lan, nuôi…