Mô hình kinh tế Nông Dân Đại An Trồng Môn Lợi Nhuận Bình Quân Trên 200 Triệu Đồng/ha

Nông Dân Đại An Trồng Môn Lợi Nhuận Bình Quân Trên 200 Triệu Đồng/ha

Publish date Friday. May 23rd, 2014

Nông Dân Đại An Trồng Môn Lợi Nhuận Bình Quân Trên 200 Triệu Đồng/ha

Ông Hà Văn Rem, một trong những nông dân có nhiều thâm niên trong việc trồng môn cho biết, nhờ trồng môn mà đời sống người dân trong ấp Đại An (Trà Vinh) không ngừng được cải thiện, nhiều ngôi nhà xây dựng kiên cố đã mọc lên từ thu nhập “trồng môn”.

Ông Rem nhớ lại, cũng đã trên 20 năm trồng môn nhưng bản thân ông và nhiều người dân trong ấp chưa từng bị lỗ, có chăng cũng lời ít hơn mà thôi. Nhờ lợi nhuận và đầu ra sản phẩm tương đối ổn định nên diện tích trồng môn trong ấp luôn được mở rộng, từ vài công ban đầu, đến nay cây môn, nhất là môn sáp đã phủ kín các diện tích đất cát và giồng cát trên địa bàn; trong đó, diện tích trồng môn tăng nhiều nhất là từ năm 2010 đến nay.

Lý giải về điều này, ông Rem cho biết, do lợi nhuận của cây môn luôn ổn định từ trước đến nay, lại nhờ có điện phục vụ sản xuất, có đầu ra sản phẩm, bà con trong ấp đã thành lập được tổ hợp tác “vạn dần đổi công”, tổ hợp tác thu gom, tổ hợp tác trao đổi kỹ thuật trồng nên nông dân mạnh dạn đầu tư.

Ngoài ra, đây là diện tích đất không thể trồng lúa vào thời gian này do thiếu nước tưới nên việc đầu tư trồng môn là giải pháp duy nhất nếu không muốn đất bị bỏ hoang và không có thêm thu nhập. Nhiều bà con nơi đây nói vui “cây môn được xem là cây xóa đói giảm nghèo” và xem nó như giải pháp cứu cánh, là lựa chọn tốt nhất so với đầu tư các loại cây màu khác luôn có biến động về giá, thị trường đầu ra, lợi nhuận kinh tế giảm nếu không muốn nói là thua lỗ.

Ông Hà Văn Rem cho biết, trong vụ màu Đông Xuân này, gia đình trồng được 0,4 ha và đã thu hoạch được 0,2 ha, năng suất ước đạt trên 20 tấn/ha với giá bán 17.500 đồng/kg, sau khi trừ đi các khoản chi phí, ước lợi nhuận thu được cũng trên 40 triệu đồng, cao hơn 20 lần so với trồng lúa và nhiều loại cây màu khác trên cùng đơn vị diện tích canh tác.

Hạch toán kinh tế cho thấy, chỉ với 0,2 ha trồng môn thì lợi nhuận thu được bằng với diện tích trên 04 ha làm lúa một vụ của gia đình. Ngoài việc cố gắng lao động vươn lên, ông cũng thể hiện tinh thần “tương thân tương ái” bằng việc cho 06 hộ dân trong ấp mượn trên 1,5 ha để trồng môn hàng năm, nên cuộc sống của những hộ này ngày thêm khởi sắc.

Theo nhiều bà con nơi đây, việc trồng môn không khó và tốn rất ít chi phí đầu tư. Trung bình chi phí cho 0,1 ha môn đầu tư chỉ khoảng 05 đến 07 triệu đồng, chủ yếu là phân bón và công chăm sóc. Cái khó lớn nhất trong việc trồng môn từ trước đến nay chính là phòng trị nấm bệnh mà theo cách gọi của bà con là bệnh nấm đồng tiền. Đây là loại bệnh chưa có thuốc đặc trị, lây lan và rất thiệt hại về năng suất cũng như chi phí điều trị.

Theo ông Thạch Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Đại An, đây là vùng sản xuất môn lớn nhất của huyện Trà Cú trong nhiều năm qua và cây môn đã có những đóng góp tích cực, khẳng định vai trò của nó vào công cuộc xóa đói giảm nghèo tại địa phương; nhất là đối với ấp Giồng Lớn A. Trong vụ màu Đông Xuân năm 2013 - 2014, nông dân trong xã đã trồng được trên 27 ha so với 47 ha của toàn huyện; riêng ấp Giồng Lớn A đã trồng trên 23 ha.

Để khai thác triệt để những lợi thế của các diện tích đất cát, đất giồng cát và phát triển diện tích trồng môn để góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập kinh tế cho bà con nông dân, trong năm 2014, UBND huyện sẽ tiếp tục đầu tư 01 tuyến đường điện phục vụ sản xuất với chi phí khoảng 1,4 tỷ đồng; nạo vét 02 tuyến kênh thủy lợi nội đồng tại ấp Cây Da và tập huấn 02 lớp về kỹ thuật trồng môn cho bà con nông dân 02 ấp Giồng Lớn A và Cây Da. Bên cạnh đó, UBND xã cũng sẽ phối hợp cùng với Trường Đại học Cần Thơ xây dựng mô hình thí điểm trồng môn vụ 02 với diện tích khoảng 01 ha; trong đó, ấp Cây Da có 0,2 ha và ấp Giồng Lớn A có 0,8 ha.


Tái Cơ Cấu Sản Xuất Nông Nghiệp Giống Tốt Vẫn Chưa Đủ Tái Cơ Cấu Sản Xuất Nông Nghiệp Giống… Phê Duyệt Tái Cơ Cấu Lĩnh Vực Trồng Trọt Phê Duyệt Tái Cơ Cấu Lĩnh Vực Trồng…