Tin nông nghiệp Nông dân dính đòn phân bón giả - Giám sát chặt sản xuất, buôn bán phân bón

Nông dân dính đòn phân bón giả - Giám sát chặt sản xuất, buôn bán phân bón

Author Đình Thắng, publish date Monday. January 4th, 2016

Nông dân dính đòn phân bón giả - Giám sát chặt sản xuất, buôn bán phân bón

Trong gần 1 năm triển khai giám sát vật tư nông nghiệp, riêng về lĩnh vực giám sát vật tư phân bón, Hội NDVN đã triển khai giám sát như thế nào, thưa ông?

- Năm 2015, các cấp Hội NDVN phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, ngành nông nghiệp, công thương giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp.

Trọng tâm là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi công nghiệp.

Riêng về lĩnh vực vật tư phân bón, Trung ương Hội NDVN phối hợp với Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương biên soạn và phát hành tài liệu về: Trích dẫn một số vấn đề cơ bản trong các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng phân bón; một số dấu hiệu nhận biết phân bón giả, kém chất lượng; phương pháp thực hiện giám sát…

Thành lập các đoàn giám sát liên ngành giám sát thí điểm tại một số địa bàn huyện, xã và lấy mẫu kiểm nghiệm.

Thông qua các hoạt động như tập huấn kỹ năng giám sát cho cán bộ hội các cấp; phối hợp với các báo, đài ở Trung ương và địa phương tăng cường công tác tuyên truyền.

Bước đầu, tạo sự chuyển biến về nhận thức của cán bộ, hội viên, ND và sự quan tâm của các cấp, các ngành và xã hội về hoạt động giám sát của Hội NDVN.

Thưa ông, trong quá trình tham gia giám sát vật tư phân bón tại các địa phương, tổ chức Hội đã gặp những khó khăn, bất cập nào?

- Giám sát xã hội nói chung là hoạt động khó khăn, phức tạp, bởi vì để giám sát có hiệu quả đòi hỏi chủ thể giám sát phải có hiểu biết nhất định về pháp luật và nội dung, đối tượng giám sát.

Riêng đối với lĩnh vực vật tư phân bón, việc giám sát còn khó khăn, phức tạp hơn rất nhiều so với giám sát các lĩnh vực khác như giám sát các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với nông dân, giám sát xây dựng hạ tầng nông thôn; quản lý, sử dụng đất đai; thu, chi các khoản đóng góp của ND…

Bởi để xác định được phân bón thật, phân bón giả, kém chất lượng phải qua các công đoạn lấy mẫu và kiểm nghiệm chất lượng.

Trong khi đó, Hội ND không có chức năng quản lý nhà nước, các phương tiện kỹ thuật để kiểm nghiệm và cán bộ chuyên môn.

Do vậy, việc giám sát vật tư phân bón phải có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước về vật tư phân bón mới có hiệu quả.

Mặc dù rất khó khăn, phức tạp, nhưng vì quyền lợi của ND Hội ND ở các cấp phải tích cực phối hợp thực hiện nhiệm vụ này.

Trước tình trạng phân bón giả đang nở rộ trở lại, đặc biệt ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên, Hội NDVN (1 trong 4 cơ quan tham gia giám sát vật tư nông nghiệp) sẽ làm gì để ngăn chặn tình trạng này để giảm thiệt hại cho ND?

- Nạn phân bón giả, kém chất lượng thường diễn ra ở những nơi sản xuất nông nghiệp nhỏ, lẻ; ở những địa bàn trình độ dân trí còn thấp, nhất là vùng sâu, vùng xa, kinh tế, đời sống của ND còn nhiều khó khăn.

Đối với những vùng sản xuất tập trung, trang trại, vùng ven đô thị… nông dân sản xuất theo hướng hàng hóa thì ít xảy ra tình trạng phân bón giả.

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết và tâm lý ham rẻ của ND, sự quản lý lỏng lẻo thậm chí vì lợi ích cục bộ, một số tổ chức, cá nhân của các lực lượng chức năng bảo kê, tiếp tay, bao che cho các đối tượng vi phạm pháp luật, nhiều ND không nhận biết được hàng thật chỉ tin lời quảng cáo của các cơ sở buôn bán phân bón giả, kém chất lượng.

Do vậy, để ngăn chặn và giải quyết có hiệu quả tình trạng phân bón cũng như các loại vật tư nông nghiệp khác đang bị làm giả, kém chất lượng cung ứng cho ND hiện nay, cần phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp.

Đồng thời phải nâng cao được trình độ nhận thức, hiểu biết của người ND để họ tự bảo vệ quyền lợi của mình, nhận biết thông thường bằng cảm quan những dấu hiệu phân bón giả, kém chất lượng và giám sát phát hiện các cơ sở sản xuất, buôn bán vật tư nông nghiệp vi phạm quy định của pháp luật để cung cấp thông tin cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, xử lý.

Tuy nhiên, việc nâng cao nhận thức, trình độ của người ND là quá trình lâu dài, đòi hỏi phải có sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và của toàn xã hội, trong đó có vai trò quan trọng của Hội ND các cấp.

"  Hội NDVN sẽ xây dựng một số mô hình chỉ đạo điểm về giám sát việc thực hiện pháp luật trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp để tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng”. Ông Lều Vũ Điều - Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN

Cụ thể, trong thời gian tới, Hội NDVN, đặc biệt là Hội ND các cấp cơ sở cần phải làm gì để giảm thiểu nạn phân bón giả đang hoành hành, thưa ông?

- Trong thời gian tới, nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Hội là nắm chắc diễn biến tình hình vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng trên địa bàn để kịp thời tham mưu cho cấp ủy địa phương lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý.

Tổ chức Hội ND các cấp tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan giám sát chặt chẽ việc sản xuất, buôn bán vật tư phân bón trên địa bàn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho bà con ND những thông tin để nhận biết các loại phân bón giả, ngoài danh mục lưu hành, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc và giám sát đối với các cơ sở sản xuất, buôn bán phân bón;

Tập huấn cho cán bộ hội ở cơ sở về phương pháp giám sát để vận động, hướng dẫn hội viên, ND tham gia giám sát, phát hiện những đối tượng sản xuất, buôn bán phân bón giả, kém chất lượng và đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét xử lý.

Với những giải pháp nêu trên, từng bước nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của của cán bộ, hội viên, ND góp phần cùng các cấp, các ngành ngăn chặn, hạn chế tiến tới xóa bỏ tình trạng phân bón giả trên thị trường hiện nay.   

Xin cảm ơn ông!


Nông dân dính đòn phân bón giả nhiều chiêu trốn tránh trách nhiệm Nông dân dính đòn phân bón giả nhiều… Sự thật về chất làm chín trái cây Ethephon Sự thật về chất làm chín trái cây…