Mô hình kinh tế Nông Dân Đổ Xô Mua Giống Tiêu Lạ

Nông Dân Đổ Xô Mua Giống Tiêu Lạ

Publish date Tuesday. April 29th, 2014

Nông Dân Đổ Xô Mua Giống Tiêu Lạ

Cây trồng khiến bà con quan tâm lựa chọn để trồng trong mùa mưa này, chính là giống tiêu ghép cây rừng Amazon. Đây là giống tiêu có bộ rễ khoẻ, khả năng chống rầy, chống bệnh chết nhanh, chết chậm cao và đặc biệt không sợ bị úng nước.

Tuy nhiên, thực tế thì vẫn chưa được kiểm chứng.

Giá cao vẫn đắt hàng

Hiện ở Tây Nguyên trong các loại cây trồng thì cây tiêu cho giá trị kinh tế cao nhất trên một đơn vị diện tích. Bởi vậy nông dân đã và đang quay trở lại trồng tiêu sau một thời gian chuyển sang trồng các cây trồng khác. Tuy nhiên, cây tiêu nhiễm rất nhiều sâu bệnh như: Tuyến trùng, rệp sáp hại gốc, chết chậm, nấm hồng, nấm màng nhện…và đặc biệt là bệnh chết nhanh.

Để khắc phục, nhiều cơ sở sản xuất giống cây trồng đã lấy cây dây leo rừng Amazon về ghép với tiêu nội để bán ra thị trường và được bà con nông dân đổ xô tìm mua. Với giá bán cao ngất ngưởng từ 25 - 35 ngàn đ/cây (cao gấp 5-7 so với các giống tiêu khác), nhưng bà con nông dân vẫn không ngần ngại móc hầu bao.

Anh Lâm, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin (Đăk Lăk) đang lựa mua tiêu ghép bỏ vào sọt cho biết: "Nhà mình có 5 sào rẫy trồng tiêu Vĩnh Linh. Tuy nhiên thời gian qua diện tích tiêu này đã bị bệnh chết nhanh, chết chậm nên hỏng gần hết…

Nghe thông tin tiêu ghép cây dây rừng Amazon có khả năng chống rầy, chống bệnh chết nhanh, chết chậm và đặc biệt không sợ bị úng nước nên tôi định mua khoảng 100 cây về trồng thay thế, hy vọng sẽ khắc phục được tình trạng tiêu chết. Với giá 30 ngàn đ/cây mà tôi phải đặt trước cả tháng mới mua được đấy”.

Không chỉ nông dân Đăk Lăk, hiện bà con tại các tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng, Đăk Nông cũng đang đổ xô về các cơ sở sản xuất, cung ứng tại xã Hoà Thắng, TP Buôn Ma Thuột (nơi đóng chân của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm Tây Nguyên) để tìm mua loại tiêu ghép về trồng.

Anh Lê Văn Ngọc, huyện Cư Sê, tỉnh Gia Lai – khách hàng lên Đăk Lăk tìm mua loại tiêu ghép chia sẻ: "Nhà tôi có 1 ha tiêu trồng được trên 10 năm. Song đợt vừa rồi, diện tích tiêu đã bị chết gần 100 trụ, do bị các bệnh như tuyến trùng, rệp sáp hại gốc, chết chậm, nấm hồng, nấm màng nhện…

Nghe thông tin quảng cáo trên mạng, loại tiêu ghép có ưu điểm vượt trội so với các giống tiêu truyền thống nên tôi tính mua vài chục cây về trồng thử xem sao, nếu cây phát triển tốt, tôi sẽ mua về trồng thay thế đại trà".

Được biết, cây dây leo rừng Amazon có tên khoa học là Piper Colubrinum link, xuất xứ từ Nam Mỹ. Vì nhìn hình thái khá giống cây trầu không nên dân thường gọi là trầu không Nam Mỹ. Khi đưa về Việt Nam, các cơ sở sản xuất, ươm giống đã dùng cây này làm gốc ghép với giống tiêu truyền thống để cho ra giống tiêu mới.

Khi hỏi về thêm về loại tiêu ghép, chúng tôi được anh Đức, xã Hoà Thắng, TP Buôn Ma Thuột cho biết: "Đây là loại tiêu ghép mà mọi người thường gọi là cây dây leo rừng Amazon hay trầu không Nam Mỹ, được chúng tôi lấy cây dây leo từ Campuchia, Thái Lan về ghép.

Theo đánh giá sơ bộ thì tiêu ghép có thể sống được trong vùng ngập nước, có khả năng chống chịu ngập úng, bộ rễ khoẻ… Nếu mua cây ghép rồi thì giá 30 ngàn đ/cây, còn dây chưa ghép thì giá 20 ngàn đ/dây".

Chưa được kiểm chứng

Anh Toản- nông dân xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn (Đăk Lăk) cho biết: "Thời gian qua nghe thông tin trên mạng tôi đã mua 50 cây tiêu ghép gốc cây dây leo rừng Amazon.

Đến nay cây phát triển rất mạnh, bộ rễ to, có khả năng chịu úng tốt. Tuy nhiên, điều khiến chúng tôi băn khoăn, lo lắng là nghe thông tin ban đầu cho thấy loại tiêu ghép này không có vị cay, năng suất, sản lượng chưa được kiểm nghiệm thực tế".

Con kỹ sư Huỳnh Ngọc Tư – Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Dak Farm (trước đây từng làm tại Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ) chia sẻ: "Về loại tiêu ghép, hiện tôi đang trồng thử nghiệm để nghiên cứu. Bước đầu thấy bộ rễ phát triển mạnh, cây xanh tốt, có khả năng kháng sâu bệnh tốt hơn các loại tiêu khác. Tuy nhiên, cần chờ kết quả thực tế về chất lượng sản phẩm tiêu sau thu hoạch cũng như năng suất mới đưa ra kết luận chính xác".

Thông tin "tiêu ghép cây dây rừng Amazon có khả năng chống rầy, chống bệnh chết nhanh, chết chậm và đặc biệt không sợ bị úng nước" vẫn chưa được kiểm chứng

Cũng theo anh Tư thì bà con nông dân không nên ồ ạt trồng tiêu ghép, mà chỉ nên trồng ở khu vực ẩm thấp, bị ngập úng bởi xuất xứ của loại cây này ở vùng ẩm ướt, nơi mà cây tiêu truyền thống thường bị chết do ngập úng. Thực tế, giống tiêu ghép chưa có kết quả nghiên cứu, đánh giá của các ngành chuyên môn và nhà khoa học, cũng như chưa được tổng kết trên thực tế.


Huyện Đông Hà Đầu Tư Nuôi Tôm Theo Hướng Bền Vững Huyện Đông Hà Đầu Tư Nuôi Tôm Theo… Xoài Đài Loan Rớt Giá Thảm Xoài Đài Loan Rớt Giá Thảm