Tin nông nghiệp Nông dân lại ồ ạt trồng chanh dây

Nông dân lại ồ ạt trồng chanh dây

Author Văn Tâm, publish date Tuesday. July 26th, 2016

Nông dân lại ồ ạt trồng chanh dây

Theo Sở Nông nghiệp - PTNT, tính từ thời điểm đầu tháng 5/2016, toàn tỉnh có khoảng 500 ha chanh dây, với sản lượng ước đạt 50.000 tấn. Bước vào vụ hè thu này, theo kế hoạch của Sở Nông nghiệp - PTNT thì toàn tỉnh sẽ trồng 272 ha chanh dây, nhưng đến nay, các địa phương đã xuống giống được 275 ha. Theo nhận định của ngành chuyên môn, với xu thế này thì diện tích chanh dây sẽ không ngừng tăng mạnh trong những tháng tới.

Phá vườn cà phê, cao su để trồng chanh dây

Trong thời gian qua, chứng kiến giá mua chanh dây được thương lái thu gom từ 15.000 - 25.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến 35.000 đồng/kg, nhiều hộ trồng chanh cũng đã có lãi lớn. Nhận thấy chanh dây tăng giá, nhiều nông dân đã ồ ạt chặt bỏ, phát dọn những vườn cà phê, cao su, hoa màu sau bao nhiêu năm chăm sóc để trồng chanh dây.

Ông Trần Văn Hồng ở xã Quảng Sơn (Đắk Glong), vốn là một thợ làm dịch vụ sửa chữa ô tô và canh tác 1 ha cà phê để tăng thêm nguồn thu nhập. Thế nhưng mấy tháng nay, ông Hồng nghỉ hẳn nghề sửa chữa ô tô về phát dọn, nhổ cà phê để trồng chanh dây.

Ông Hồng cho biết: “Do thời gian qua làm nghề ế ẩm, tôi chuyên làm dịch vụ sửa xe lưu động ở các công trình, nhưng giờ công trình ít nên thu nhập cũng thất thường lắm. Trong khi về chuyên tâm vào làm 1 ha cà phê thì cũng chỉ đủ để trang trải cuộc sống gia đình nên tôi quyết định phá bỏ cà phê để trồng chanh dây”.

Theo tính toán của ông Hồng thì chanh dây là loại cây có thời gian kiến thiết ngắn, từ thời điểm xuống giống đến khi thu trái bói chỉ mất khoảng 6 tháng. Hơn nữa nếu giá chanh dây chỉ cần giữ được từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, cộng với việc chăm sóc tốt 1 ha sẽ cho thu từ 3 - 4 tấn quả/tuần, như vậy gia đình ông sẽ có khoản thu nhập khá.

Còn ông Lê Đình Trọng ở xã Đắk Hòa (Đắk Song) cũng có 1,5 ha chanh dây vừa xuống giống, cho biết: “Gần 1 ha cao su, cà phê của gia đình tôi được trồng đã hơn 5 năm nhưng do giá mủ cao su xuống thấp phải ngưng cạo chờ giá lên, còn cà phê năng suất cũng không cao. Trong khi đó, nhiều hộ xung quanh phất lên từ cây chanh dây. Thấy vậy nên tôi chủ động phá bỏ vườn cây, vay ngân hàng 50 triệu đồng đầu tư mua cây giống, trụ, dây kẽm và thuê nhân công trồng chanh dây với hy vọng hiệu quả mang lại cao hơn”.

Theo Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Đắk Song thì cây chanh dây trên địa bàn phát triển hoàn toàn tự phát. Người dân thấy có giá nên trồng. Hiện nay, toàn huyện có khoảng gần 100 ha chanh dây và dự báo thời gian tới diện tích sẽ còn tăng.

Cẩn thận khi trồng theo phong trào

Việc ồ ạt trồng chanh dây sẽ gây các hệ lụy như lấn chiếm đất trồng của các cây trồng khác, ảnh hưởng đến quy hoạch nông nghiệp. Nông dân không xác định được đất nào là phù hợp hay không nên cứ trồng, dẫn đến tình trạng sâu bệnh phát triển triển mạnh, gây thiệt hại sản xuất…

Hiện nay, nông dân vẫn chưa chủ động được nguồn giống chanh dây tại Đắk Nông mà chủ yếu được nhập từ một số tỉnh như Lâm Đồng và nhập khẩu từ Đài Loan nên có mức giá khá cao và nông dân cũng gặp nhiều yếu tố bất lợi khi cây chanh mới trồng xuống cần thời gian để thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương. Đồng thời, thị trường đầu ra vẫn còn bó hẹp ở vài tỉnh, thành trong nước và một phần xuất bán sang Trung Quốc.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn Khải, Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp - PTNT) cho biết: “Bà con nông dân nên cẩn thận khi đầu tư mở rộng diện tích chanh dây. Vì những năm trước đã có không ít người nhận lấy bài học đắng chát khi trồng chanh dây theo phong trào.

Bởi cây chanh dây rất dễ bị nhiễm các bệnh như: bã trầu, lở cổ rễ, nhiễm virus… rất khó chữa trị và hồi phục nên gây thiệt hại cho nông dân. Do vậy, để trồng chanh dây đạt hiệu quả, bà con cần chú ý đến hai yếu tố đó là giống và thâm canh chăm sóc.

Trong đó, nguồn cung cấp giống phải bảo đảm uy tín. Việc chăm sóc cũng phải đúng quy trình, phù hợp với sinh thái vườn cây để nấm bệnh không phát sinh, lây lan…”.


Đồng bào Ca Dong hiến đất làm đẹp bản làng Đồng bào Ca Dong hiến đất làm đẹp… Thơm thảo chuối lùn Liên Khê Thơm thảo chuối lùn Liên Khê